Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiết kế tour du lịch ASEAN lấy điểm kiểm tra 15 phút

Nhằm kiểm tra kiến thức về khối ASEAN, thầy giáo tại TP.HCM cho học sinh tự thiết kế tour tham quan di tích lịch sử bất kỳ để lấy điểm kiểm tra 15 phút môn Lịch sử.

Với mục đích kiểm tra những kiến thức Lịch sử về khối ASEAN đã dạy ở lớp 12 và lớp 10, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, yêu cầu học trò thiết kế hành trình khám phá di tích lịch sử của ASEAN trong vòng 4 ngày.

Thầy Du còn đưa ra thêm những yêu cầu cho đề bài kiểm tra: Kế hoạch phải có đầy đủ thông tin về kế hoạch di chuyển, nơi tạm trú, ăn uống và thông tin về di tích lịch sử; chỉ kéo dài 4 ngày, kể cả các chuyến bay khứ hồi.

Kế hoạch phải được xây dựng với tiêu chí thực tế, rẻ; phần warning (cảnh báo những điều xấu) sẽ là điểm cộng. Phần di tích lịch sử phải có thông tin, hình ảnh và lý do được đưa vào hành trình. 

kiem tra 15 phut su anh 1
Đề kiểm tra 15 phút môn Lịch sử của lớp 12 do thầy Nguyễn Viết Đăng Du dạy.

Ngoài kiến thức về môn Lịch sử, thầy Du còn muốn kiểm tra và rèn luyện cho học sinh kỹ năng lên kế hoạch, sắp xếp công việc, tìm kiếm thông tin.

Đề kiểm tra và bài làm của học sinh đều được đăng lên nhóm chung trên mạng xã hội. Theo thầy Du, đăng bài làm lên nhóm, các học sinh khác đều xem được cũng là cách kiểm tra minh bạch, công bằng. Tất cả các em đều biết bài làm của nhau và tự đánh giá được bài của mình. 

"Có người sợ học sinh copy bài nhau hoặc nhờ người khác làm hộ vì thời gian nộp bài đến tận 25/11. Tuy nhiên, các thành viên trong lớp đều đọc được bài nhau, nếu ai copy sẽ rất dễ nhận ra. Tôi nghĩ đây chỉ là bài lấy điểm 15 phút, không quan trọng đến mức học sinh phải nhờ người làm hộ", thầy Du chia sẻ.

Nói về cách kiểm tra này, Nguyễn Đăng Đình, học sinh lớp 12D2, trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ em đã rất quen thuộc với những cách kiểm tra độc đáo của thầy cô, từ làm infographic đến cosplay nhân vật lịch sử.

kiem tra 15 phut su anh 2
Học sinh thảo luận sôi nổi ngay khi thầy Du đăng đề bài kiểm tra vào nhóm. Ảnh: NVCC.

"Tụi em rất thích cách kiểm tra như thế này. Qua các hoạt động khác nhau, học sinh có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng như thuyết trình, thiết kế, làm việc nhóm. Đây là những kỹ năng rất cần thiết. Hơn nữa, cách kiểm tra như vậy sẽ giúp tụi em giảm áp lực học tập, việc học hỏi, tìm tòi thông tin cũng khiến học sinh thích thú hơn nhiều", nam sinh cho hay.

Đăng Đình cũng đánh giá đây là đề bài không dễ, nhất là với những bạn chưa có kinh nghiệm du lịch bụi. Nam sinh cho rằng việc tự mua vé máy bay, chọn chỗ ăn, ở, di chuyển, các địa điểm du lịch sẽ đem lại nhiều thông tin và kỹ năng bổ ích cho các bạn trẻ.

"Thầy mới công bố đề bài mà các em đã rất hào hứng, thảo luận sôi nổi rồi, kết quả ra sao chắc phải chờ khi nộp bài. Tôi đang thử nghiệm hình thức kiểm tra như thế này, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra cho cả khối 12 của trường", thầy Du nói.

Đầu năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến khích giáo viên đa dạng hóa hình thức bài kiểm tra, có thể  thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: Đánh giá qua quan sát hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Sở này nhấn mạnh giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho bài kiểm tra hiện hành (15 hoặc 45 phút).

Học sinh lớp 7 không thuộc thơ, tự nhận 'cô ơi con ngu lắm'

Theo cô Hiền, một số em đang học lớp 7 mà đọc rất chậm, còn chậm hơn con cô đang học tiểu học.


Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm