Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, không gian cho người chết, đặc biệt là ở các thành phố lớn, ngày càng hạn hẹp. Do đó, nhiều nơi đã thay đổi phương thức chôn cất, xóa bỏ những nghĩa trang truyền thống để lấy đất cho người sống.
Đơn cử, ở Singapore, các khu mộ gia đình bị chuyển thành nhà tro hỏa táng. Mộ ở đây chỉ có thời hạn 15 năm, sau đó hài cốt cần hỏa táng để dùng không gian cho đợt chôn cất khác. Ở Hong Kong (Trung quốc), mộ phần là bất động sản đắt đỏ nhất (tính theo giá trị mỗi m2). Chính quyền đã phải nhờ đến các ca sĩ và người nổi tiếng để thúc đẩy việc hỏa táng thay vì mai táng theo kiểu truyền thống.
Trước sự căng thẳng đến từ niềm tin tôn giáo và tác động đến môi trường, một số quốc gia đã có các giải pháp sáng tạo để giải quyết tình trạng này, trong đó có Nhật Bản.
"Mộc thụ táng" tại Nhật Bản
Từ đầu những năm 1970, các nhà chức trách tại Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về việc thiếu không gian chôn cất ở khu vực thành phố. Họ đưa ra nhiều giải pháp mới, từ nghĩa trang ở các thị trấn nghỉ dưỡng, nơi gia đình có thể đi nghỉ kết hợp thăm mộ phần theo kiểu truyền thống, đến các tuyến xe bus về khu vực nông thôn nơi chôn cất người thân. Đầu năm 1990, Grave-Free Promotion Society, một tổ chức tình nguyện, cũng đã thúc đẩy việc rải tro hỏa táng.
Không gian chôn cất theo phương thức truyền thống ngày càng hạn hẹp. Ảnh: Smithsonian Magazine. |
Từ 1999, đền Shounji ở phía bắc Nhật Bản đã đem đến một giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng này. Đó là Jumokuso, hay "mộc thụ táng". Trong đó, các gia đình chôn tro hỏa táng dưới đất và một cây được trồng lên trên để đánh dấu mộ phần.
Đền Shounji đã mở một ngôi đền nhỏ hơn có tên Chishoin ở khu vực vốn đã có một rừng cây nhỏ. Tại đây, trong một công viên nhỏ, thay vì những cột đá như mộ truyền thống, các nhà sư thực hiện nghi lễ cúng cho người đã khuất dưới những tán cây. Các gia đình cũng có thể viếng thăm người thân và thực hiện các nghi thức tôn giáo - khác với việc rải tro - điều khiến họ không có nơi cố định để cúng lễ.
Tro hỏa táng được chôn dưới gốc cây, để người thân vẫn có không gian tưởng niệm thay vì mộ phần như truyền thống. Ảnh: Japantimes. |
Trong khi không phải tất cả gia đình thực hiện "mộc thụ táng" đều theo đạo Phật hay thường đi chùa, phương thức này thể hiện sự quan tâm của Phật giáo Nhật Bản đến trách nhiệm môi trường. Có thể do ảnh hưởng của niềm tin của đạo Shinto rằng thần linh sống trong thiên nhiên, trong lịch sử, Phật giáo Nhật Bản vốn khác biệt với các nền Phật giáo khác do sự tập trung vào thế giới tự nhiên.
Cụ thể, họ cho rằng thực vật là thực thể sống, nằm trong vòng luân hồi, và từ đó cần được bảo vệ. Do vậy, các học viện Phật giáo Nhật Bản thường xem tác động của con người lên môi trường là một điều đáng lo ngại, xét về mặt tôn giáo. Người đứng đầu đền Shounji cho rằng mộc thụ táng là một phần trong cam kết bảo vệ môi trường của tín ngưỡng này.
Ý tưởng đó lan tỏa ở Nhật Bản đến mức các ngôi đền và nghĩa trang công cộng khác cũng đã học theo mô hình này, một số cung cấp không gian dưới cây riêng lẻ, và một số là không gian quanh một cây chung.
Đồng thời, chi phí cho mộc thụ táng cũng thấp hơn nhiều so với phương thức truyền thống, điều có vai trò quan trọng khi nhiều người Nhật đang phải chăm sóc gia đình đa thế hệ. Tỷ lệ sinh tại Nhật thuộc hàng thấp nhất thế giới, nên con cái thường không có anh chị em, mà phải một mình chăm sóc và lo lắng cho bố mẹ, ông bà.
Góc nhìn từ truyền thống
Trào lưu này không phải là không gây tranh cãi. Nhiều cộng đồng tôn giáo và văn hóa tại Đông Á cho rằng cần có không gian thực tế để thăm viếng người chết, thực hiện nhiều nghi lễ tâm linh. Theo học thuyết Khổng Tử, con cái có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ, ông bà và tổ tiên đã qua đời thông qua việc cúng lễ đồ ăn và những thứ khác.
Tại Nhật, trong lễ Obon - thường tổ chức vào giữa tháng 8, người theo đạo Phật sẽ đến thăm mộ gia đình, cúng đồ ăn, thức uống cho tổ tiên với niềm tin rằng các linh hồn được về trần gian trong giai đoạn này. Điều này lặp lại vào Xuân phân và Thu phân.
Mộ phần truyền thống của người Nhật. Ảnh: Ashahi. |
Bên cạnh đó, một số ngôi đền Phật giáo bày tỏ sự lo ngại rằng mộc thụ táng sẽ cắt đứt mối liên kết với xã hội và kinh tế của họ với cộng đồng địa phương. Từ thế kỷ 17, theo truyền thống, họ thực hiện nhiều nghi thức cúng lễ để linh hồn của các gia đình được siêu thoát và nhận công quả hàng năm.
Dù vậy, mộc thụ táng vẫn đang dẫn trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy sự giảm sút của các nghi lễ tôn giáo truyền thống, cùng sự trỗi dậy của các phương thức tâm linh thay thế. Tuy nhiên, hơn tất cả, nỗ lực thực hiện các phương thức mai táng mới thể hiện sự linh hoạt của các nghi thức tôn giáo hay tâm linh, khi có thể thích nghi theo các yếu tố xã hội và môi trường.