Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, nếu tính theo đúng định mức từng cấp học, cả nước thiếu hụt khoảng 70.000 giáo viên, trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non, thiếu trên 45.000 giáo viên, tiếp đó là bậc tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên, nhưng lại thừa 6.700 giáo viên.
Một số địa phương thiếu giáo viên trầm trọng. Ảnh: VOV. |
Đối với bậc tiểu học, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương đã ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 1 theo hướng bổ sung đủ số lượng, giáo viên được thẩm định có năng lực chuyên môn, có phẩm chất để tổ chức giảng dạy. Tuy vậy, đối với lớp 2, lớp 3, dù đã cân đối nguồn giáo viên, nhiều địa phương vẫn gặp khó.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết do tinh giản biên chế, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên. Riêng lớp 1 là bố trí rất đầy đủ giáo viên để có thể tham gia giảng dạy. Nhưng lớp 2, lớp 3 ở một số địa phương lại bắt đầu dần dần khó khăn do thiếu giáo viên, đặc biệt là một số môn khó hiện nay ở tiểu học là đưa môn Ngoại ngữ và Tin học vào thành môn bắt buộc.
"Hiện nay, Tin học và Ngoại ngữ ở tiểu học đang là môn tự chọn cho nên trường nào có điều kiện thì tổ chức. Đã là môn bắt buộc thuộc về trách nhiệm của Nhà nước nên hiện nay, các tỉnh, thành phố đều thiếu giáo viên dạy Ngoại ngữ và Tin học", ông Độ cho biết.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết 102 năm 2020 về biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, nhằm tháo gỡ vướng mắc của các địa phương trong việc ký hợp đồng lao động với giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, nhất là hợp đồng với giáo viên dạy các môn học mới như Ngoại ngữ, Tin học ở bậc tiểu học.
Bộ cũng hướng dẫn các địa phương rà soát, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp điều kiện thực tế.