Bé Suboi từng phải vào phòng cấp cứu vì biến chứng tay chân miệng. Ảnh: Linh Thùy. |
Chị Thanh Thúy (quận 3, TP.HCM) nhớ như in cảm giác đứng trước phòng cấp cứu, theo dõi các bác sĩ cấp cứu cho con trai. Chỉ một ngày trước, bé Suboi (28 tháng tuổi) sốt cao nhưng còn tỉnh táo, hợp tác uống thuốc với mẹ. Hôm sau, bé đã phải nằm trong phòng cấp cứu dành cho trẻ tay chân miệng mức độ nặng.
Lòng như lửa đốt khi con vào phòng cấp cứu
Hai ngày chờ con trai chuyển ra khỏi phòng cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), với bà mẹ trẻ như kéo dài đằng đẵng.
Mỉm cười nhìn con trai nằm mân mê chiếc xe hơi đồ chơi, chị Thúy cảm thấy nhẹ lòng hơn dù vẫn phải ăn, nghỉ trong phòng bệnh đông đúc.
“Tôi thấy nhẹ người vì hiện con đỡ hơn nhiều so với vài ngày trước. May mắn khi tôi đưa con đến bệnh viện kịp thời”, chị Thúy nói.
Vài ngày trước khi nhập viện, bé Suboi đột ngột sốt cao, chán ăn, lả người, thỉnh thoảng co giật. Với kinh nghiệm đối phó các đợt cảm cúm của con trai, chị Thúy biết cách phân chia liều lượng thuốc hạ sốt. Cách 4-5 giờ, chị cho con uống hạ sốt một lần.
Tuy nhiên, tình hình không như dự đoán của người mẹ. Bé Suboi hạ sốt, sau đó, lại tăng nhiệt độ, cơn co giật diễn ra nhiều hơn. Chị Thúy lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ngay cạnh giường bệnh của bé Suboi, bé Min ngồi gọn gàng trong vòng tay của bố, trong khi người chị song sinh Mia khóc nấc trên vai bà ngoại.
“Mia ngoan, nhìn em Min này”, anh Quốc Truyền (ngụ Gò Vấp) nhoài người dỗ dành con gái. Thấy chị khóc, bé Min cũng khóc theo. Vài trẻ ở giường khác cũng bắt đầu mếu máo. Chỉ trong vài phút, cả phòng bệnh số 411 vang động tiếng trẻ con khóc.
Chị em sinh đôi Mia và Min đều phải nhập viện vì tay chân miệng. Ảnh: Linh Thùy. |
“Hôm 4/6, bé Min sốt trước, đêm ngủ co giật, sau đó lây bệnh luôn cho bé Mia. Đang mùa tay chân miệng lẫn sốt xuất huyết nên tôi đưa con đi khám cho chắc. Ở nhà thoải mái hơn nhưng vào bệnh viện có bác sĩ chuyên môn, đảm bảo theo dõi con tốt hơn. Tay chân miệng dù nhẹ nhưng vẫn có tỷ lệ chuyển nặng nếu bố mẹ bỏ qua triệu chứng cảnh báo”, anh Truyền vừa nói, vừa xoa chân cho con trai.
Dấu hiệu mơ hồ dễ bị bỏ qua
Theo bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1,bệnh tay chân miệng thường có 2 mùa cao điểm, kéo dài trong 2 giai đoạn là tháng 4-6 và 9-12.
Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, số trẻ em mắc bệnh này bắt đầu tăng vọt. Do đó, chuyên gia dự đoán mùa dịch tay chân miệng năm nay có thể kéo dài đến hết tháng 7.
Bác sĩ Quy cho hay nhiều ca mắc tay chân miệng được đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng nặng, chủ yếu vì 2 lý do: Gia đình nhầm lẫn bé mắc một số bệnh thường gặp khác hoặc trẻ được đưa vào viện khi đã qua giai đoạn vàng.
Nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng được đi khám khi bệnh đã trở nặng. Ảnh: Linh Thùy. |
Ở giai đoạn đầu, trẻ mắc tay chân miệng thường sốt nhẹ, nổi hồng ban trên cơ thể. Lúc này, nhiều cha mẹ lại cho rằng con bị rôm sảy, sốt phát ban bình thường mà không ngờ con có sang thương mới.
"Một số phụ huynh khác thấy trẻ sốt nhẹ, tiêu chảy, chảy nước bọt, bỏ ăn lại nghĩ con bị sốt mọc răng. Đến khi con giật mình chới với, sốt lâu không hạ, đưa đi khám mới tá hỏa vì biết bé bị tay chân miệng", bác sĩ Quy chia sẻ.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng sau dịch, nhiều phụ huynh có thói quen tự mua thuốc điều trị theo triệu chứng ở nhà. Một số khác lại lầm tưởng bệnh viện không làm việc buổi tối hay cuối tuần.
Những lầm tưởng hoặc thói quen này có thể kéo dài thời gian nhập viện của trẻ, khiến bệnh tiến triển nặng thành biến chứng, gây nguy hiểm tính mạng
Do đó, bác sĩ Quy khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức khi bé có 2 dấu hiệu trở nặng gồm sốt cao không hạ, ngủ giật mình chới với.
"Trẻ trở nặng lúc nào cần được đưa đến bệnh viện ngay lúc đó, kể cả trong đêm, tránh chần chừ dẫn đến việc nhập viện trễ, ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của bé", bác sĩ Quy cảnh báo.
Nếu phát hiện con mình mắc tay chân miệng, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ở nhà để cách ly khỏi môi trường trong vòng 10 ngày. Trong lúc này, gia đình chú ý sát trùng môi trường xung quanh và những đồ vật thường xuyên tiếp xúc với bé.
Ngoài ra, để phòng ngừa tối đa nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, cha mẹ cũng cần duy trì thói quen đeo khẩu trang, khử khuẩn cho con mình.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.