Thể loại: Hành động, phiêu lưu, giả tưởng
Đạo diễn: Paul W.S. Anderson
Diễn viên: Milla Jovovich, Tony Jaa, Ron Perlman, Tip “T. I.” Harris, Meagan Good
Đánh giá: 6/10
Monster Hunter được chuyển thể từ loạt trò chơi nổi tiếng cùng tên của Capcom. |
Monster Hunter là loạt game nhập vai, hành động do hãng Capcom phát hành, ra mắt lần đầu tiên năm 2004. Đặt trong thế giới giả tưởng nơi con người tồn tại cùng các loài quái vật, người chơi trở thành các Thợ săn, thực hiện các nhiệm vụ - chủ yếu là hoạt động săn quái vật, thu thập vật phẩm và nâng cấp kỹ năng.
Đến nay, Capcom đã cho ra mắt trên 10 phiên bản Monster Hunter dành cho các hệ máy khác nhau, với tổng lượng tiêu thụ lên đến hơn 60 triệu bản. Loạt game thu hút lượng người hâm mộ đông đảo trên toàn cầu nhờ lối chơi dễ tiếp cận, đề cao yếu tố “cày cuốc” và hỗ trợ đội nhóm.
Hệ thống quái vật, kỹ năng và vật phẩm phong phú khiến người chơi có thể bỏ ra hàng trăm giờ đồng hồ để khám phá và thành thạo.
Năm nay, phiên bản phim live-action (người đóng) của Monster Hunter do đạo diễn Paul W.S. Anderson thực hiện ra đời. Anh từng có kinh nghiệm chỉ đạo chuỗi phim hành động Resident Evil chuyển thể từ dòng game cùng tên. Đả nữ Milla Jovovich - bà xã của Anderson - cũng trở lại với vai chính trong phim.
Cốt truyện đơn giản, khuôn mẫu
Nhân vật chính của Monster Hunter là Đại úy Natalie Artemis (Milla Jovovich) thuộc lực lượng Biệt kích Mỹ. Khi đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm một nhóm đồng đội mất tích giữa hoang mạc, biệt đội của cô bị cuốn vào một trận bão cát và dịch chuyển sang một thế giới bí ẩn ở chiều không gian khác.
Tại đây, họ bất ngờ bị một con quái vật khổng lồ tấn công. Các thành viên trong đội lần lượt thiệt mạng, chỉ còn một mình Natalie xoay xở tìm cách sống sót. Sau đó, cô đụng độ với một Thợ săn thuộc thế giới quái vật (Tony Jaa) - người cũng đang tìm cách tiêu diệt con quái vật kia để trở về với đồng đội của mình. Hai con người thuộc hai thế giới từ đây liên thủ để hoàn thành mục tiêu của bản thân.
Monster Hunter sở hữu cốt truyện tổng thể đơn giản và dễ nắm bắt, phù hợp với bất cứ đối tượng khán giả nào. Phim sở hữu một mạch truyện duy nhất, xoay quanh nhân vật chính Natalie và hành trình tiêu diệt quái vật nhằm tìm đường trở lại thế giới của mình.
Cốt truyện của bộ phim cực kỳ đơn giản, khuôn mẫu và không có chút bất ngờ nào. |
Mục tiêu ấy cũng rất đơn giản bởi đôi nhân vật chính đã biết trước điểm đích. Chuyến phiêu lưu của họ đơn thuần là tiêu diệt quái vật cản đường để đi từ điểm này đến điểm kia, không hề có bất cứ nút thắt, bước ngoặt hay bất ngờ khó đoán nào cần khám phá.
Điều này giúp khán giả đại chúng có thể thoải mái theo dõi Monster Hunter mà không cần biết đến loạt game gốc. Bộ phim chỉ cần một cốt truyện đơn giản ở mức tối thiểu để làm nền cho nhân vật thể hiện bản lĩnh, còn khán giả sẽ tập trung trải nghiệm những giá trị giải trí khác theo đúng ý đồ của nhà sản xuất.
Còn với các những ai từng trải nghiệm và yêu thích nguyên tác, sự đơn giản đến mức trống rỗng của cốt truyện cũng không hẳn là điều tiêu cực. Về bản chất, Monster Hunter không phải là loạt trò chơi mang nặng yếu tố cốt truyện. Các nhân vật trong game chủ yếu tham gia hoạt động săn quái vật được lặp đi lặp lại liên tục, chứ không có cốt truyện rõ ràng, cụ thể.
Bối cảnh và hệ thống nhân vật mờ nhạt
Sở hữu cốt truyện tối thiểu, biên kịch của Monster Hunter từ đó xây dựng nên một kịch bản đơn giản nhằm giúp khán giả tập trung vào yếu tố giải trí. Tuy nhiên, nếu kịch bản cô đọng, vững chắc và hợp lý đã tốt, đằng này ê-kíp lại khiến người xem không ít lần phải ngao ngán bởi sự nghèo nàn đến thê thảm, sự phi lý đến nực cười.
Bộ phim có phần mở đầu nhanh, gọn và khá hấp dẫn, với sự kiện nhóm của Natalie bị cuốn vào thế giới bí ẩn, rồi bị một con quái vật khổng lồ bất ngờ tấn công. Khán giả vừa nín thở dõi theo số phận của các nhân vật, vừa tò mò thích thú mong chờ khám phá thế giới bí ẩn.
Đáng tiếc thay, sau khi nhóm nhân vật quy tiên và chỉ còn lại một mình Natalie, sự hấp dẫn của bộ phim cũng theo đó tan biến.
Kịch bản phim sơ sài đến khó tin. |
Đối với một tác phẩm khai thác đề tài thế giới quái vật như Monster Hunter, việc xây dựng bối cảnh là một điều rất quan trọng. Theo chân kép chính Natalie, người xem lần lượt làm quen với các nhân vật khác, phiêu lưu đến những vùng đất mới để tìm kiếm vật phẩm, rèn luyện kỹ năng, và cuối cùng là tham gia cuộc săn quái vật.
Câu chuyện nghe có vẻ hấp dẫn và tiềm năng, nhưng những gì mà bộ phim thể hiện lại quá hời hợt và sơ sài, thậm chí có thể nói là cẩu thả. Thế giới trong phim gần như không được miêu tả, xây dựng cụ thể. Biên kịch và đạo diễn chỉ ném nhân vật và khán giả vào trong đó, mà từ đầu đến cuối gần như chẳng có lấy một chi tiết nào thể hiện sự đặc biệt hay mới lạ của nơi này.
Bối cảnh phim quanh đi quẩn lại chỉ là vài khung cảnh sa mạc đơn điệu. Yếu tố giả tưởng đến từ các loài quái vật riêng biệt, các loại phương tiện kỳ ảo như con tàu chạy trên cát thay vì chạy trên mặt nước, hay các loại binh khí với khả năng xuất ra đòn đánh đặc biệt, tất cả đều chỉ được thể hiện qua một vài cảnh ngắn, rời rạc.
Bối cảnh thế giới đã vậy, hệ thống nhân vật của thế giới quái vật cũng chẳng khá khẩm hơn. Trong đó, nhân vật Thợ săn của Tony Jaa được coi là vai nam thứ, có thời lượng xuất hiện và vai trò quan trọng chỉ thua kém nữ chính. Tuy nhiên, bản thân nhân vật cũng không được xây dựng tương xứng với vai trò mà mình được ưu ái.
Không thể hiện nhân vật qua lời thoại do bất đồng ngôn ngữ, Thợ săn chỉ có thể được xây dựng thông qua hành động. Tuy nhiên, hành động của nhân vật tỏ ra mơ hồ và tiền hậu bất nhất, không tạo được ấn tượng cụ thể cho khán giả. Khó ai biết được anh đang suy nghĩ gì xuyên suốt cả tác phẩm.
Nhân vật Thợ săn của Tony Jaa hoàn toàn nhạt nhòa. |
Nguyên nhân là mối quan hệ đồng đội giữa anh và nữ chính Natalie tuy được xây dựng qua từng bước khá khuôn mẫu và bài bản, nhưng đạo diễn lại lạm dụng quá nhiều tình huống hài hước thiếu tinh tế. Cuối cùng, Thợ săn nếu không phải là kẻ cục súc chỉ biết dùng tay chân, thì lại trở thành “cây hài” với lối diễn nhạt nhòa, thậm chí có phần ngờ ngệch.
Vai nam thứ còn như vậy, các nhân vật phụ khác còn thê thảm hơn. Toàn bộ nhân vật thuộc thế giới quái vật, tức đồng đội của Thợ săn, đều chỉ xuất hiện lướt qua vài khung hình cho có, chẳng có lấy một câu thoại hay vai trò gì cụ thể.
Một điều cực kỳ trớ trêu là các nhân vật phụ của thế giới loài người - cụ thể là nhóm lính dưới quyền chỉ huy của Natalie xuất hiện ở đầu phim - còn có nhiều đất diễn để thể hiện bản thân hơn, trong khi vai trò của họ không bằng các nhân vật thuộc thế giới quái vật. Điều đó khiến cho thế giới mới mà Natalie đang tìm cách khám phá và thoát khỏi rốt cuộc chỉ như cái vỏ rỗng với hàng loạt chi tiết sơ sài đáng quên.
Phương châm “Nhất vợ nhì phim”
Nếu như bối cảnh và hệ thống nhân vật được xây dựng nghèo nàn như vậy, thì điều gì được đầu tư? Nếu đã quen thuộc với các tác phẩm trước đây của đạo diễn Paul W.S. Anderson, khán giả sẽ nhanh chóng có được câu trả lời: nhân vật chính Natalie Artemis do bà xã Milla Jovovich của anh thể hiện.
Paul W.S. Anderson tuân thủ tôn chỉ “Nhất vợ nhì phim” một cách triệt để, từ các phần Resident Evil gần đây cho đến Monster Hunter. Là vai nữ chính, Natalie Artemis được ưu ái thời lượng và vai trò nổi bật nhất phim, đến nỗi đánh tan hết tất cả yếu tố logic của kịch bản.
Milla Jovovich được ông xã tôn vinh hết mức trong phim thông qua nhân vật chính bá đạo. |
Nhân vật của Milla Jovovich được xây dựng vượt trội một cách phi lý. Cô liên tục thoát nạn một cách thần kỳ khi bị quái vật truy sát, rồi có thể hồi phục chấn thương và chạy nhảy, leo trèo thoải mái chỉ trong nháy mắt, dù trước đó phải cắn răng chịu đựng vết thương hở.
Sau đó, cô nhanh chóng thuần thục bất cứ món vũ khí, vật phẩm nào mình tìm thấy, thậm chí sử dụng được các tuyệt chiêu mà không cần biết cách thức vận hành hay bí quyết gì cả, cứ thế… làm thử là thành công.
Càng khủng khiếp hơn khi chỉ sau vài ngày chinh chiến trong thế giới giả tưởng, cô nhanh chóng vượt qua những tay Thợ săn lão luyện nhất trong phim, trở thành nhân tố quyết định sống còn trong cuộc hành trình của cả nhóm với khả năng siêu phàm cùng mức độ may mắn hiếm có.
Nói cách hài hước, nhân vật của Milla Jovovich giống như người chơi hệ nạp tiền tham gia một trò chơi miễn phí. Đây giống như một gã tay mơ chẳng cần tốn chút công sức “cày cuốc” để nâng cấp chỉ số, rèn luyện kỹ năng và tích lũy vật phẩm, nhưng chỉ trong tích tắc có thể đạt tối đa chỉ số, kích hoạt mọi kỹ năng, mở khóa tuyệt chiêu của vật phẩm.
Kỹ xảo hợp lý, hành động dàn trải nhưng thiếu lửa
Với mức kinh phí đầu tư chỉ khoảng 60 triệu USD, phần hiệu ứng kỹ xảo của Monster Hunter được thực hiện tương đối chất lượng và đáng khen. Đội ngũ thực hiện kỹ xảo đã sáng tạo nên các quái vật từ Diablos, Nerscylla đến Rathalos rất chi tiết và chân thực, từ ngoại hình cho đến cử động, giúp đem đến các trận chiến nảy lửa.
Phần bối cảnh khá đơn điệu. Ngoại trừ vùng sa mạc nơi quái vật cát Diablos tung hoành hay vùng hang động chằng chịt ẩm thấp của lũ côn trùng Nerscylla, các bối cảnh khác đều có thời lượng xuất hiện ngắn, diễn ra trong thời điểm buổi tối nên trông không rõ ràng. Tuy nhiên, hiệu ứng kỹ xảo tại nơi này vẫn được thực hiện chỉn chu.
Yếu tố hành động và kỹ xảo giúp đem tới giá trị giải trí cho tác phẩm. |
Về cơ bản, phần hành động dàn trải trong phim đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả đại chúng. Tuy nhiên, với những ai khó tính, chúng có lẽ còn thiếu lửa, chưa tạo được cảm giác kịch tính và sự hấp dẫn cần thiết.
Nguyên nhân đến từ phần dựng phim. Các phân cảnh hành động bị cắt vụn thành nhiều cảnh nhỏ, rồi được cắt dựng lại với nhau một cách thiếu hợp lý. Cả một trường đoạn hành động có lúc thiếu liền mạch, tiết tấu lộn xộn. Khán giả đang theo dõi nhân vật này xả súng, thì bất chợt lại chuyển qua người khác đang tháo chạy hay lái xe một cách không liên quan, rồi lại bất chợt chuyển sang quái vật mà không rõ đang hướng đến mục tiêu nào cụ thể.
Đa số phân cảnh hành động trong phim đều mắc lỗi dựng phim như trên. Ngoài ra, lỗi kịch bản biến nhân vật chính trở nên quá mạnh một cách bất phi lý cũng khiến độ kịch tính trong các trận đánh bị giảm sút.
Monster Hunter tiếp tục truyền thống làm phim dựa trên trò chơi của đạo diễn Paul W. S. Anderson: hành động dồn dập bù đắp cho phần kịch bản nghèo nàn đến thảm hại, đồng thời tiếp tục tôn vinh bà xã Milla Jovovich qua một vai diễn “siêu nhân”. Bộ phim vẫn phần nào thỏa mãn nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả, miễn là người xem có thể bỏ qua sự nghèo nàn và phi lý của kịch bản.