Kim Byung-rok (60 tuổi, Hàn Quốc) sống sót sau khi mắc bệnh lao năm 23 tuổi, nhưng phổi bị tàn phá. Sau đó, khi làm nghề sửa giày dép, ông cũng hít phải nhiều bụi bẩn hàng ngày.
Để có thể hít thở không khí trong lành, ông Kim mua mảnh đất ở vùng núi Paju làm nơi nghỉ ngơi và trồng trọt vào năm 2014.
Gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông quyết định quyên tặng chính quyền địa phương 3 mảnh đất thuộc sở hữu của mình ở Paju, gần biên giới Triều Tiên, theo AP.
Kim cho biết số đất của ông có diện tích khoảng 30.000 m2. Các quan chức địa phương định giá chúng có giá trị khoảng 500-700 triệu won (400.000-570.000 USD).
Ông Kim Byung-rok tặng 3 mảnh đất trị giá hàng trăm nghìn USD cho chính quyền để hỗ trợ công tác chống dịch. |
Chính quyền địa phương đang thực hiện các quy trình kỹ thuật cần thiết và cố gắng để ông Kim Byung-rok không phải trả thuế quà tặng nhưng ông kiên quyết: "Nếu tôi phải làm vậy, tôi sẽ chấp nhận".
"Tôi đã trải qua một tuổi thơ khó khăn và từng nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể giúp đỡ lại người khác", ông Kim chia sẻ từ cửa hàng sửa giày của mình ở Seoul.
"Không phải sẽ rất tốt nếu tôi cho mọi người thêm sức mạnh và sự động viên sao?", ông nói thêm.
Khi câu chuyện về lòng tốt của Kim Byung-rok được chia sẻ, có hơn 2.000 bình luận về ông trên mạng xã hội. Nhiều người gọi ông là "thiên thần", "người xứng đáng được ở thiên đàng".
Tính đến 2/4, Hàn Quốc có 9.887 người mắc Covid-19. |
Trong 25 năm qua, ông Kim đã sửa hàng nghìn đôi giày qua sử dụng hoặc bị bỏ đi để tặng lại cho người nghèo và thực hiện cắt tóc miễn phí cho người già bị chứng mất trí hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Thu nhập hàng tháng của ông và vợ chỉ vào khoảng 2-3 triệu won (1.600-2.400 USD), thấp hơn nhiều so với thu nhập trung bình của hộ gia đình Hàn Quốc là 4,8 triệu won. Cả nhà ông sống trong một căn hộ nhỏ có 2 phòng với 2 trong số 3 người con trưởng thành, một trong số đó là cậu con trai 26 tuổi mắc bệnh Down.
Người đàn ông 60 tuổi chia sẻ điều khiến ông đau lòng nhất là phản ứng của bạn bè và một số hàng xóm đối với hành động quyên tặng của ông.
"Họ nói với tôi những câu như: 'Này, ông đang nghĩ cái gì vậy? Để tiền mà chăm sóc con mình trước đi'. Tôi chưa bao giờ để con mình phải bị đói và tôi cũng đang sống rất hạnh phúc. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình và không thể làm ngơ trước những người khó khăn, thiếu thốn", ông chia sẻ.