Việc chàng trai ở Long An xăm kín mặt với lý do được cho là thất tình một lần nữa gây tranh cãi về đạo đức nghề nghiệp, cũng như khơi lại những định kiến dành cho những người xăm hình.
Vì lợi nhuận, nhiều người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách, kể cả việc xăm lên mặt như của 9X ở Long An. Nhưng cũng không ít "nghệ sĩ" khẳng định họ sẽ nói không với vật chất khi đó là việc làm vô đạo đức.
Nghề nhiều định kiến
"Vạn sự khởi đầu nan", câu nói đúng với nhiều ngành nghề và xăm hình không là ngoại lệ. Với những người hành nghề, gian nan không chỉ đến từ vật chất mà còn cả áp lực về tinh thần. Để theo đuổi đam mê, sở thích, nhiều người đã từ bỏ công việc mà mình đang theo đuổi.
Nghiêm Hà Võ Trường Vinh (35 tuổi, nghệ danh Đăng Vinh) - thợ xăm có 20 năm kinh nghiệm tại TP.HCM - từng là giáo viên dạy Mỹ thuật tại trường cấp ba. Khi là học sinh, Đăng Vinh bắt đầu thử bằng kim may đồ. Đam mê lớn dần và chàng trai quyết theo đuổi xăm nghệ thuật.
Từ bỏ nghề giáo, Đăng Vinh cùng vợ là Phạm Thị Huỳnh Mai (27 tuổi) khởi nghiệp. Huỳnh Mai làm việc trong lĩnh vực xăm mình tại TP.HCM, nổi tiếng trên mạng xã hội là cô gái sở hữu nhiều hình xăm.
Đăng Vinh và Huỳnh Mai sống tại TP.HCM, cùng yêu nghệ thuật xăm hình. |
Đối với Đăng Vinh và Huỳnh Mai, đó là giai đoạn khó khăn mà cả hai không bao giờ quên. Huỳnh Mai cho biết nghề này cần có sự đầu tư sáng tạo, thời gian và đặc biệt là kinh tế. Làm nghề chuyên nghiệp đòi hỏi số tiền lớn để đầu tư.
"Lúc đó, chúng tôi không vay được tiền nên quyết định cầm cố tài sản, bán những đồ đạc giá trị", Huỳnh Mai nhớ lại.
Họ tâm sự những khó khăn đó không làm vợ chồng nản lòng. Dù nhiều lúc mệt mỏi và chán nản, họ vẫn cố gắng theo đuổi nghề vì ngoài kiếm sống, đó còn là đam mê, sở thích.
Một thợ xăm khác là Vũ Ngọc Tân (nghệ danh Gà Rừng Tattoo) cũng nổi tiếng trong giới xăm hình. Đam mê nghề, Ngọc Tân quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp.
Một mình nơi đất khách, tương lai như mờ mịt, những thứ chàng trai trẻ có trong tay là chút kinh nghiệm về xăm hình. Vượt qua những bế tắc, khó khăn, giờ đây, Ngọc Tân đã khẳng định được bản thân với tình yêu môn nghệ thuật ngày càng lớn.
Những thợ xăm tâm sự họ gặp rất nhiều thử thách trên con đường đến với nghề và gắn bó nghiệp xăm trổ. Trong đó, vượt qua sự cám dỗ của vật chất, biết từ chối khách hàng để giữ đạo đức nghề nghiệp cũng là một thử thách thường nhật mà không phải ai cũng vượt qua được.
Không vì tiền mà đánh mất bản thân
Bên cạnh đam mê, kỹ năng và khả năng về kinh tế để theo đuổi nghề, nghệ sĩ xăm hình thường phải đối mặt sức ép dư luận.
Nhận bằng thạc sĩ sau 7 năm du học Nga, Nguyễn Hoàng Trung (nghệ danh Chunhack) đã chọn nghề xăm. Anh chia sẻ ban đầu, gia đình không ủng hộ vì thu nhập không ổn định. Quyết tâm và những cố gắng không mệt mỏi của chàng trai trẻ cuối cùng cũng làm thay đổi quan niệm của người thân.
Từ bỏ bằng thạc sĩ, Chunhack vào Sài Gòn và phát triển đam mê xăm hình. |
"Ở Việt Nam, nghề xăm giờ cũng khá phát triển nhưng không phải gia đình nào cũng ủng hộ con em làm việc này. Nếu muốn gắn bó nghiệp xăm, bạn phải tự bươn chải và không có sự hỗ trợ từ phía gia đình", Huỳnh Mai nhận định.
Trong xã hội, nhiều người có định kiến hình xăm, cho rằng đó là biểu tượng của "hổ báo".
Nhiều bạn trẻ đã phải vượt qua sức ép dư luận để tiếp tục hành nghề. Vốn không nhận được sự thiện cảm, việc sẵn sàng xăm lên mặt khách mà không cần "lăn tăn" sẽ càng làm xã hội có cái nhìn tiêu cực về người hành nghề "vẽ trên cơ thể".
Theo những người thợ trẻ này, nhiều thanh niên đã chọn đến hình xăm như một loại trang sức hoặc thể hiện cá tính của bản thân. Tùy theo yêu cầu, giá cả hình xăm khác nhau. Thu nhập trung bình của một tiệm xăm có thể từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng một tháng.
Lợi nhuận lớn, nhiều người không thắng được sức hấp dẫn của đồng tiền mà vội vã nhận lời xăm cho khách, không cần biết "phút nông nổi" đó sẽ ảnh hưởng cả đời người trẻ.
Ngọc Tân không đồng tình với việc xăm kín mặt cho chàng trai ở Long An. |
Như trường hợp của chàng trai Long An đến xăm kín mặt, Huỳnh Mai, Đăng Vinh, Ngọc Tân, Hoàng Trung và nhiều thợ xăm khác đều thống nhất quan điểm sẽ lắc đầu từ chối, dù khách có trả nhiều tiền.
Các thợ xăm cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc làm của "đồng nghiệp" trên.
Hoàng Trung cho hay: "Chưa đề cập tính thẩm mỹ, chỉ cần biết nguyên nhân được cho là thất tình mà đòi xăm kín mặt, tôi sẽ khuyên nhủ và từ chối khách hàng".
Anh cho rằng việc thợ xăm nên làm là cảnh báo khách, động viên bình tâm vì hành động đó có thể hủy hoại cả tương lai một con người.
Huỳnh Mai bày tỏ xăm là môn nghệ thuật, nhưng cũng là nghề để kiếm tiền. Tuy nhiên, người thợ hãy kiếm tiền bằng chính đam mê, nghệ thuật để có thể tự hào với nghề và với những anh em trong giới.