Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời cơ cực của nhà vô địch bartender

Từng bị trầm cảm, sống trong khu ổ chuột, Đình Song đã kiên trì lập luyện để trở thành bậc thầy về nghề pha chế.

Đình Song (sinh năm 1989), là gương mặt nổi bật nhất của làng pha chế hiện nay. 21 tuổi chàng trai này đã thành công trên đấu trường quốc tế với rất nhiều giải thưởng và kỷ lục lớn nhỏ.

Từng bị trầm cảm nặng

Đình Song giành chức vô địch tại giải Bar Pro Flair 2011, giải nhất cuộc thi pha chế do Saigon Tourist tổ chức.

Anh là người Việt đầu tiên đạt giải nhì châu Á về pha chế, giải 3 trong cuộc thi của Hiệp hội IBA (Hiệp hội bartender lớn nhất thế giới), vô địch châu Á về biểu diễn Flair Bartending tổ chức ở Thái Lan, vô địch pha chế nhanh nhất với kỷ lục 1 phút 20 giây cho 5 loại thức uống...

Thành công trong sự nghiệp khi tuổi đời còn trẻ, nhưng thầy giáo trẻ có tuổi thơ nhiều nước mắt.

Đình Song sinh ra trong gia đình có hai anh em (tại Huyện Hóc Môn, TP HCM), ba làm ở bưu điện thành phố (giờ đã về hưu), mẹ bán nước mía. Vì cuộc sống mưu sinh, ba mẹ anh phải ngày đêm bươn chải. Chính những nỗi lo về kinh tế đã khiến gia đình Song gặp nhiều biến cố.

Thầy Song tâm sự: "Từ nhỏ tôi không được ba mẹ cưng chiều như những bạn khác. Tôi từng bị trầm cảm suốt thời gian dài do ba mẹ lo làm ăn. Những ngày tháng đó đối với tôi như địa ngục. Tôi co mình sống khép kín, rời xa thế giới bên ngoài, không muốn nói chuyện với ai.  

 

Năm lớp 12 là khoảng thời gian tôi bị sốc nhất. Tôi thường chứng kiến những trận cãi vã của ba mẹ. Nhưng tôi không thể làm gì. Trầm cảm, tự ti với bạn bè, có những lúc tôi muốn tự tử để quên đi nỗi buồn của gia đình”. 

Sau đó, Song quyết chuyển lên trung tâm TP HCM lập nghiệp với mong muốn bớt đi phần nào gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Những ngày đầu tiên ở mảnh đất xa lạ, anh phải sống trong căn phòng ở khu ổ chuột với diện tích 10 m2. Hàng ngày, Song thức khuya dậy sớm, vừa học vừa làm phục vụ trong quán cà phê lề đường.

Con đường thành công không rải hoa hồng

Liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi trong suốt 12 năm học phổ thông và từng đậu đại học Kiến trúc với số điểm ấn tượng nhưng Song quyết định học trường nghề.

Song tâm sự: "Một lần tình cờ, tôi chứng kiến màn biểu diễn flair bartending (múa chai) của các bậc đàn anh. Tôi say mê và ngay lập tức tìm thấy niềm đam mê đích thực của mình. Bên cạnh đó, trong quá trình học, thầy cô tận tâm truyền lửa khiến tôi ngày càng yêu mến bộ môn này”.

Đình Song. Ảnh nhân vật cung cấp.

Sau 5 năm gắn bó với nghề, Đình Song trở thành bậc thầy trong nghề bartender. Tuy nhiên, anh cũng đánh đổi không ít khổ cực.

“Những ngày đầu khi đến với nghệ thuật biểu diễn pha chế, tôi từng bị mảnh vỡ của chai cào rách tay. Tôi cũng thường xuyên phải đến bệnh viện băng bó vì bị mảnh chai rơi vào đầu chảy máu. Bây giờ, hai cánh tay tôi có nhiều sẹo. Mỗi khi nhìn vào đó tôi không thể quên được những ngày tháng cơ cực của mình”, anh kể.

Thích khám phá cái mới, Đình Song táo bạo mang những bước nhảy hiphop và flair bartending hòa quyện với nhau. Đây là điều không đơn giản, nhưng với cá tính, sự quyết tâm và tập luyện không ngừng, anh đã thành công. Pha chế kiêm hiphop tạo nên trào lưu mới thu hút sự quan tâm của người trong giới. 

Mỗi loại thức uống chất chứa tình cảm của thầy giáo trẻ tận tụy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Mỗi loại thức uống chất chứa tình cảm của thầy giáo trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trở thành thầy giáo như duyên trời định

Từ quản lý có tiếng trong làng pha chế, Đình Song bất ngờ rẽ hướng trở thành thầy giáo dạy trẻ tuổi nhất trong nghề. Với mong muốn được mang đến những kiến thức bổ ích về ngành nghề mới lạ, Song quyết định quay trở lại ngôi trường đã làm nên tên tuổi của mình để truyền lửa cho các thế hệ tiếp theo.

“Sau thời gian giảng dạy, tôi nhận thấy nghề giáo là duyên mà ông trời ban tặng. Khi đứng lớp tôi được nói, chia sẻ và sống trong bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ”, thầy giáo trẻ trải lòng.

Đứng lớp từ khi mới 24 tuổi, thầy Song đào tạo đào tạo được hơn 500 khóa sinh viên với đủ các ngành nghề pha chế, quản lý bar và múa chai nghệ thuật. Học trò của thầy Song không chỉ là giới trẻ, còn có những người đáng tuổi anh chị, thậm chí là cô, bác.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh một em học trò đặc biệt. Em bị bệnh tim, mỗi khi áp lực là tay run, chân quéo lại. Đòi hỏi của nghề này là phải nhanh nhạy, lúc em đó lên thi, tôi hồi hộp dõi theo từng bước. Tay chân yếu, nhưng tình cảm em chứa đựng trong từng loại thức uống đong đầy lắm. Kết thúc 5p30, em hoàn thành phần thi, tôi thì xúc động khôn tả", anh kể.

Thầy Song cũng tâm niệm: “Hạnh phúc với tôi không chỉ được nhìn thấy học trò thành công. Tôi  còn muốn thấy các em biết chấp nhận khởi đầu từ những điều đơn giản nhất, ở những vị trí thấp nhất như rửa ly, đổ rác, dọn vệ sinh…để rồi sau đó thêm trân trọng, yêu quý và gắn bó với nghề".

Song Chi

Bạn có thể quan tâm