Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng, người hướng dẫn cho Tổng thống Obama tại chùa Ngọc Hoàng, chia sẻ với Zing.vn góc nhìn của ông về lễ hội.
Lễ hội thể hiện ước nguyện thâm sâu trong con người
- Thưa giáo sư, yếu tố xã hội nào tác động khiến người Việt hiện nay mê tín hơn dù họ đã dùng Internet, smartphone cập nhật thông tin từng giờ?
- Theo quan điểm của tôi, sự tiến bộ của văn minh kỹ thuật không hề loại trừ sự mê tín mà ngược lại. Ngay cả các quốc gia phương Tây, những điều mê tín dị đoan vẫn tràn ngập chứ không phải không có.
Ném tiền vào Phật bắt Phật phải phù hộ cho mình thể hiện sự mong muốn rằng mình sẽ thành công bất chấp mình là ai, bất chấp việc mình thực hiện hành vi như thế nào.
Giáo sư Dương Ngọc Dũng
Văn minh vật chất chỉ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của con người, muốn được sống tốt hơn, tiện nghi hơn, nhanh hơn chứ không giải quyết được các nhu cầu thâm sâu khác liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.
Ví dụ, Nhật là quốc gia hiện đại nhất thế giới, nhưng không nơi nào tìm thấy nhiều tôn giáo như ở Nhật. Con người vẫn có nhu cầu tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống - điều mà khoa học tự nhiên từ chối cung cấp.
Người dân giành giật lộc của sư thầy tại chùa Hương. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nếu bạn tìm đến một nhà vật lý học và hỏi cuộc đời này có ý nghĩa gì không, ông ấy sẽ nói: “Tôi không biết. Tôi nghiên cứu cấu trúc của vật chất như là nguyên tử, phân tử, cho nên tôi không thể trả lời câu hỏi của bạn được”.
Nhưng tôn giáo cung cấp câu trả lời: Cuộc đời bạn có ý nghĩa vì sao, vì nghiệp, vì ý Chúa, vì Allah. Từ đó, con người cảm thấy yên tâm hơn để sống, cuộc đời họ được sắp xếp lại theo một hệ thống mà họ có thể hiểu được.
Lễ hội được sinh ra để tạo sự gắn kết trong cộng đồng, gắn kết với con người với thần linh và các lực lượng siêu nhiên trên đời này. Cho nên, lễ hội là dịp rất quan trọng trong xã hội truyền thống vì nó cung cấp cho họ một thế giới quan, nhân sinh quan, điều giúp họ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa.
Thậm chí, có những lễ hội đảo ngược tầng lớp, người nghèo có quyền la hét, chế giễu người giàu. Như lễ hội nõ nường ở Phú Thọ nhấn mạnh vai trò quan trọng của quan hệ tình dục vì đó là nguồn gốc tạo ra sự sống. Lễ hội thể hiện ước nguyện thâm sâu nhất trong con người mình. Trong khi đó văn minh vật chất đàn áp điều đó, cho đó là điều vô lý.
- Nhưng với tất cả những đám đông hỗn loạn hiện nay, liệu con người có tìm thấy ý nghĩa nguyên gốc của lễ hội như ông nói?
- Chuyện họ tìm thấy ý nghĩa hay không là chuyện của họ. Chúng ta không tham gia trong lễ hội đó thì thấy rất nhiều chuyện phiền phức. Nào là tốn kém, mất thời gian và vô lý. Nhưng đó là góc nhìn của người ngoại đạo, từ bên ngoài nhìn vào. Còn những người bên trong họ không nghĩ như vậy.
Lễ hội giúp con người thể hiện bản ngã thầm kín, mà trong cuộc sống thường ngày họ phải ép nó xuống. Nó giúp giải phóng những ẩn ức mà họ buộc phải đè nén để duy trì trật tự.
Giáo sư Dương Ngọc Dũng
Nhiều người tìm đến thuốc lắc vì nó cho phép người ta sống bản năng, được là chính mình, điều mà xã hội không cho phép. Nó khiến người ta tạm thời quên đi những đau khổ trong cuộc sống này để hưởng thụ, dù là trong chốc lát, rằng mình có sự kết nối với một thế giới khác. Họ cảm thấy hoàn toàn tự do và bay bổng.
Người trong lễ hội cũng vậy. Họ được làm những điều bị cấm kỵ trong cả năm. Lễ hội được tạo ra để giải phóng những ẩn ức của tập thể, những ẩn ức mà vì cuộc sống, họ bắt buộc phải đè nén. Xã hội muốn con người phải sống một cách logic nhưng con người không chỉ là logic.
Lễ hội phản ánh trăn trở trong xã hội
- Vậy theo ông, lễ hội hiện nay với tất cả những mặt của nó, liệu có phải đang phản ánh hình ảnh những con người tham lam, lộn xộn, khát khao danh lợi?
- Hãy khoan kết án. Những lời kết án mang tính đạo đức chưa chắc đã đúng. Xã hội như thế nào thì sẽ phản ánh trong lễ hội như thế đó. Một số người giàu lên bất thường, thì người khác sẽ bắt đầu tin rằng với sự trợ giúp của thần linh, họ cũng sẽ trở thành giàu có giống như vậy.
Người dân sẽ nghĩ những kẻ đó có sự trợ giúp của thần linh, họ chỉ may mắn thôi. Vậy thì hãy cầu mong sự may mắn chứ đừng cầu mong tài năng.
Còn nếu trong xã hội mà cơ hội phát triển được dành cho những người có năng lực thì chuyện đó sẽ giảm xuống.
Du khách tranh cướp lộc trong ngày khai hội chùa Hương (Hà Nội). Ảnh: Tiến Tuấn. |
Ném tiền vào Phật bắt Phật phải phù hộ cho mình thể hiện mong muốn rằng mình sẽ thành công bất chấp mình là ai, bất chấp việc mình thực hiện hành vi như thế nào.
Lễ hội phản ánh những trăn trở đang diễn ra trong xã hội, phản ánh quan điểm của người dân với xã hội, rằng họ không thể thành đạt chỉ với tài năng mà phải nhờ vào một sức mạnh siêu nhiên nào đó.
Người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung không tin rằng có tài là sẽ thành công. Quan điểm chung là “âm phù dương trợ”. Thần linh, tổ tiên, ông táo, thần tài sẽ phù hộ cho mình.
Thậm chí, câu đối trong Quốc Tử Giám ghi: "Thành công trong học vấn phần lớn là do âm chất". Tức là phúc đức ông bà, phúc ấm tổ tiên để lại đóng phần quan trọng trong thành công hơn tài năng.
- Với các quốc gia phương Tây, tôn giáo, tín ngưỡng cũng rất phổ biến, vậy cách ứng xử của họ ra sao?
- Thời trung cổ ở châu Âu, chức năng của lễ hội na ná như xã hội khác, mang tính kết nối, gắn kết người dân trong cộng đồng. Thế kỷ XVIII, thời kỳ Khai minh bắt đầu, các triết gia mới phát triển tư duy mới, coi trọng lý tính. Mọi việc bắt đầu thay đổi từ đó.
Giáo sư Dương Ngọc Dũng (trái), Tổng thống Obama và sư thầy trụ trì của Ngọc Hoàng (TP.HCM). Ảnh: Hải An. |
Họ nhấn mạnh vai trò lý tính và sự độc lập của cá nhân. Vai trò của lễ hội mờ nhạt dần, vai trò cá nhân mới quan trọng. Cá nhân có thể quyết định mọi thứ. Tôi phải làm sao chứng tỏ tôi là cá nhân độc đáo. Sáng tạo cá nhân được đề cao hơn là tính gắn kết cộng đồng.
Những thiên tài phương Tây là thiên tài cô đơn, độc đoán, phản xã hội, không phải thiên tài xã hội như một số hình tượng ở châu Á. Thậm chí, ở phương Tây, một sự cô lập với xã hội là dấu ấn của thiên tài.
Giáo sư Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007. Hiện, giáo sư Dũng giảng dạy tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.