Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời đi học đội sổ của chàng trai Việt có trí nhớ siêu phàm

Dương Anh Vũ từng học kém nhất trường, bị bạn gái bỏ vì không nhớ được ngày sinh nhật.

Mới đây, thông tin Dương Anh Vũ (sinh năm 1988) được ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) xác lập kỷ lục về trí nhớ khiến nhiều người bất ngờ. Chàng trai này nhớ 108 cột dữ liệu khác nhau về kinh tế, văn hóa, chính trị của 206 quốc gia trên thế giới với hơn 22.000 mục.

Sinh viên Việt có trí nhớ siêu phàm được Thái Lan tôn vinh

Ngày 26/3, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) tổ chức buổi xác lập kỷ lục về trí nhớ. Dương Anh Vũ (27 tuổi) đã khiến người Thái Lan nể phục.

 

Từ học sinh “kém toàn diện”

Dương Anh Vũ sinh ra tại thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận. Từ nhỏ, chàng trai có biệt danh "Vũ Chàm" vì nước da bánh mật. Với trí nhớ siêu phàm, Vũ được học sinh đặt danh "Google". Bạn bè gọi thân mật "Ăn mày tri thức". Hiện, Vũ đã bảo vệ luận án thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, ĐH Auckland, New Zealand.

Dương Anh Vũ - chàng trai người Việt ghi kỷ lục tại Thái Lan.
Dương Anh Vũ - chàng trai người Việt ghi kỷ lục tại Thái Lan.

Gia đình Vũ làm nghề nông. Bố mẹ cậu chưa ai học hết cấp ba. Khi các con còn nhỏ, bố Vũ phân chia rõ nhiệm vụ các thành viên trong gia đình: “Bố và mẹ đi làm kiếm tiền, các con phải học thật giỏi”. Nhưng Vũ lại là người học kém nhất trong số 5 anh chị em trong nhà, luôn đứng bét bảng toàn trường.

Chàng trai này kể lại: “Người bình thường chỉ mất 5 năm hoàn thành bậc tiểu học, tôi lại mất tới 6 năm. Trong đó 3 năm tôi là học sinh yếu, luôn phải thi lại”.

Kỷ lục gia nhớ về thời đi học: “Tôi và chị gái học chung trường, cả hai cùng nổi tiếng. Chị Dương Anh Hoa học rất giỏi còn tôi luôn xếp vị trí cuối bảng. Cô giáo dạy Toán luôn thắc mắc: 'Hai em có phải chị em ruột không? Tại sao đối lập nhau đến vậy'. Tôi không buồn, luôn tự hào về người chị". 

Học cấp 2 tại một trường bán công, Vũ vẫn xếp học lực yếu. Trong đó năm lớp 9 cậu được thi tốt nghiệp với số điểm "vớt". Vũ thi vào cấp 3 với số điểm thấp đến nỗi tất cả các trường THPT đều từ chối nhận, kể cả hệ bán công.

Lo lắng tương lai của con, bố Vũ đưa ra lời khuyên: “Suốt 10 năm đi học, con không đạt được thành quả nào, chỉ học lại và thi lại. Con nên đi học nghề”. Đó cũng là lúc Dương Anh Vũ thương bố mẹ nhiều nhất, nhận ra dốt nát sẽ bị coi khinh. Chàng trai khóc nức nở: “Con muốn được tiếp tục đi học”.

Nếu như những người học kém thường coi nghỉ học là giải thoát thì Vũ thức tỉnh: việc học quan trọng nhất. Mất một tuần để thuyết phục bố, Vũ đăng ký học bổ túc tại trung tâm hướng nghiệp dạy nghề.

Biết được nguyên nhân học kém do mất căn bản nghiêm trọng, Vũ đặt ra những định hướng cụ thể. Cả năm học lớp 10, Vũ dùng những buổi chiều đi dạy thêm để lấy lại kiến thức cơ bản năm lớp 6, lớp 7. Dần dần, kết quả học tập của chàng trai 10 năm học kém được cải thiện.

Nhìn lại thời đi học, Vũ kể về hai người quan trọng, có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống của anh: "Đó là bố tôi và thầy giáo Nguyễn Đức Thạch (giáo viên dạy văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận). Bố tôi dạy, người ta giỏi cần 15 phút để học một bài. Con dở hơn thì cần 30 phút hay 1 tiếng, sẽ đến một ngày con giỏi như người ta”.

 Thành kỷ lục gia về trí nhớ

Không ngừng nỗ lực trong suốt 3 năm học THPT, Dương Anh Vũ thi đỗ ĐH Quốc gia TP HCM, nhận học bổng thạc sĩ tại ĐH Auckland, New Zealand.

Chàng trai Việt là người nước ngoài thứ hai được vinh danh ở sách kỷ lục Thái Lan. Anh cũng là người nước ngoài duy nhất được vinh danh về trí nhớ trong sách này. Các dữ liệu Vũ có thể nhớ được như "Google" là tổng diện tích, trữ lượng dầu thô, GDP, GDP trên người, dân số, thủ đô, thành phố lớn nhất, tiền tệ, hệ thống chính trị... 

Dương Anh Vũ là diễn giả cho nhiều bạn trẻ.
Dương Anh Vũ là diễn giả cho nhiều bạn trẻ.

Ngoài kỷ lục đã ghi dấu tại Thái Lan, Vũ có thể nhớ 20.000 số pi, hơn 1000 tác phẩm văn chương kinh điển Việt Nam và thế giới, ghi nhớ và định vị số lượng địa danh gấp 100 lần được ghi trên bản đồ khổ lớn nhất. Anh nhận diện và tìm bất cứ vùng đất nào trên trái đất từ độ cao cách mặt đất 400 dặm (thực hiện bằng Google Earth).

Khi Vũ sang Thái Lan xác lập kỷ lục trí nhớ, ông Tanya Phonanan - chủ tịch Sách kỷ lục Thái Lan chia sẻ: “Tôi xác lập kỷ lục trí nhớ cho bạn là để thức tỉnh người trẻ Thái Lan. Tôi muốn họ thấy một người Việt Nam có trí nhớ siêu phàm. Tôi muốn họ khâm phục thậm chí là ganh tị với trí nhớ của bạn. Có như thế họ mới phấn đấu thành người như bạn”.

Để có được khả năng này, Vũ bộc bạch: "Tôi đọc rất nhiều. Và tôi nghĩ rằng, tất cả những ai rèn luyện trí nhớ đều xem Tony Buzan - cha đẻ của phương pháp tư duy Mind map - là người thầy lớn nhất”.

Là kỷ lục gia của trí nhớ siêu phàm nhưng Dương Anh Vũ lại có những câu chuyện ít người biết: "Tôi không thể nhớ số điện thoại của chính mình và bạn gái. Tôi cũng không nhớ ngày sinh nhật của cô ấy. Đó là lý do người yêu chủ động chia tay, còn tôi không muốn làm tổn thương người nào thêm".

Trong cuộc sống, Anh Vũ liệt kê Facebook và điện thoại di động vào những thứ mất thời gian. Anh dùng email để giải quyết công việc.

Trải qua nhiều bước ngoặt, cung bậc cảm xúc trong học tập, Dương Anh Vũ nói về bản thân mình: “Nhiều người nghĩ tôi sẽ phải học nhiều lắm để có được như ngày hôm nay. Nhưng thực chất tôi dành phần lớn thời gian để suy ngẫm. Tôi như người nông dân, làm gì cũng cố gắng hết sức, cần mẫn và chú tâm”.

Nói về thành công của mình, kỷ lục gia có trí nhớ siêu phàm chia sẻ lại tác phẩm của nhà văn Alexandri Dumas: "Tất cả sự khôn ngoan của con người chỉ nằm ở hai điều, đó là hy vọng và chờ đợi".

Bái phục học trò

Thầy Nguyễn Đức Thạch - giáo viên dạy Văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận) được Vũ coi là người có tầm ảnh hưởng nhất trong cuộc sống. Người thầy rất bất ngờ, thậm chí "bán tín, bán nghi" khi cậu học trò học kém năm nào có được thành công ngoài sức tưởng tượng.

Thầy Nguyễn Đức Thạch kể lại: "Dương Anh Vũ đã từng khóc hai lần trước tôi. Lần đầu tiên, Vũ học tại lớp luyện thi đại học khi đang là học sinh lớp 11. Em học kém Toán – Lý – Hóa kém và luôn tự ti. Tôi động viên trò, nếu hiểu biết các môn xã hội thì cánh cửa luôn rộng mở.

Lần thứ hai Vũ khóc khi muốn tham gia cuộc thi HSG mà không được. Tôi nói với em: "Về nguyên tắc, học sinh bổ túc văn hóa không được dự cuộc thi này. Em hãy nhớ, kiến thức là câu chuyện cả cuộc đời. Những gì ta đã được chỉ là sàn chung, cần hướng đến đỉnh phía trước.

Năm đó, Vũ là người thi đỗ ĐH điểm cao trong số học trò của tôi. Những năm sau này, nghe bạn bè kể lại Dương Anh Vũ học giỏi nhất khoa, điều hành các câu lạc bộ. Tôi nghĩ “Cả cuộc đời này không còn ai giỏi hơn sao”. Còn bây giờ, tôi bái phục học trò.

Tôi mới nói trước học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường về Dương Anh Vũ. Đó là tấm gương đã vượt qua mặc cảm bản thân để tự tin thử sức, phát huy hết năng lực".

 

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm