Đã đăng ký cho con vào học lớp 1 nhưng thời điểm này, chị Nguyễn Phương Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang rối bời vì không biết cậu con trai mắc chứng tự kỷ của mình có theo học được như các bạn không.
Chị Hà cho biết chị hoàn toàn tự tin về nhận thức của con nhưng lại lo lắng vì hành vi sinh hoạt hàng ngày của con chưa ổn định. Ở lớp, con sẽ không thể ngồi yên như các bạn mà sẽ chạy lăng xăng, không tập trung, trêu ghẹo, đánh, thậm chí cắn các bạn.
Thế nên, chị băn khoăn giữa các phương án cho con học chậm lại một năm, chuyển con đến trung tâm chuyên biệt hay cứ "liều" cho con học trường công để con hòa nhập với các bạn.
Cô Nguyễn Thị Phương - giáo viên có kinh nghiệm gần 10 năm dạy học cho trẻ tự kỷ - cho biết việc chăm sóc đúng cách đối với trẻ tự kỷ không phải là điều dễ dàng. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy cố gắng kiên nhẫn trong việc giao tiếp với các con hàng ngày để tạo sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái.
Cô Nguyễn Thị Phương dạy học cho trẻ tự kỷ. |
Việc đi học theo đúng độ tuổi hay không phụ thuộc vào khả năng của trẻ và mong muốn của gia đình. Nhưng trước khi đi học hòa nhập ở trường mầm non hay tiểu học, trẻ cũng cần được trang bị những kỹ năng nền tảng về giao tiếp, ngôn ngữ, nhận thức, kỹ năng xã hội, tự phục vụ, kỹ năng học đường.
"Thực tế, hầu hết trẻ tự kỷ đều chậm hơn các bạn khác trong cùng độ tuổi nên đi học theo đúng độ tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Một số trẻ tự kỷ có chỉ số nhận thức ở mức trung bình, thậm chí là cao và có thể theo học bình thường, đạt kết quả học tập giống như hoặc cao hơn các bạn khác trong lớp, tuy nhiên, số đó rất ít", cô Phương cho hay.
Theo cô Phương, điểm chung của mọi trẻ tự kỷ đi học là gặp khó khăn trong việc kết bạn, duy trì mối quan hệ bạn bè, giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Một số còn nằm trong nhóm bị bắt nạt học đường vì hạn chế về các kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, việc đi học theo đúng độ tuổi sẽ giúp trẻ có cơ hội quan sát các hoạt động của bạn bè theo từng độ tuổi và giúp trẻ rèn luyện, thực hành các kỹ năng đã được can thiệp, hỗ trợ trước đó.
Việc học theo đúng độ tuổi nhận thức, ngôn ngữ là điều cần thiết vì mục tiêu đưa ra sẽ phù hợp với vùng phát triển gần của trẻ, giúp trẻ dễ đạt được tiến bộ trong quá trình học tập, can thiệp.
Tuy nhiên, việc phát hiện và tiến hành các khảo sát trẻ tự kỷ khá phức tạp. Việc khảo sát, sàng lọc trẻ tự kỷ nên được thực hiện tại các trường mầm non. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện chậm về ngôn ngữ, nhận thức hoặc có những hành vi bất thường so với các bạn trong lớp, cha mẹ chuyển con đến các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục đặc biệt hoặc đưa đến các khoa tâm bệnh/tâm thần tại các bệnh viện để được khám và đánh giá.
"Quá trình đánh giá chẩn đoán phải được thực hiện bởi nhà chuyên môn được đào tạo về chẩn đoán, với những bộ công cụ đánh giá về phát triển, chẩn đoán và được thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, việc đưa đến những nhà chuyên môn để đánh giá là rất cần thiết", thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em Nguyễn Danh Tùng chia sẻ.
Theo thạc sĩ Tùng, để hỗ trợ học sinh tự kỷ tốt hơn, chúng ta cần một mô hình tuyệt vời để phát triển trẻ em nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng bao gồm 3 thành tố chính là gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhận thức của mọi người về trẻ tự kỷ còn khá hạn chế, rất nhiều người vẫn nhầm lẫn tự kỷ và trầm cảm.
Một số người còn cho rằng tự kỷ có thể bị lây, thậm chí, một số người còn nghĩ tự kỷ là điên, khùng nên không dám cho con mình chơi, tương tác cùng. Hiện nay, nhận thức của xã hội về trẻ tự kỷ đã được tăng lên rất nhiều, cái nhìn của mọi người đã tốt hơn, đúng hơn song vẫn còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, 2 thành tố còn lại đóng vai trò lớn để hỗ trợ trẻ tự kỷ là gia đình và nhà trường (bao gồm các trung tâm can thiệp, giáo viên can thiệp, những nhà chuyên môn).