Con trai tôi có nhiều nốt phát ban nghi bị sởi. Xin hỏi, nếu không may mắc phải, con tôi có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, các trẻ học cùng cháu hay không?
Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae, hình cầu, đường kính 120-250 nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, sức nóng.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
Trong vòng 7-21 ngày sau khi tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình, rồi đến tay, chân và bay mất cũng theo trình tự này.
Khi mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc các biến chứng như viêm tai, viêm phổi, tiêu chảy...
Cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng sởi. Ngoài ra, sởi có khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp, nên khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng.
Những trường hợp nghi hoặc mắc sởi cần được phát hiện và cách ly sớm. Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh sởi, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.