Sau sinh, trẻ ngủ ít hơn bình thường, hay thức chơi vào ban đêm là nỗi ám ảnh với nhiều gia đình. Tuy nhiên, số lượng trẻ ngủ ít hay nhiều theo định lượng của các cha mẹ khi nào là nguy hiểm thì không phải ai cũng biết.
Trẻ sơ sinh trong một tháng đầu đời gần như ngủ suốt cả ngày và đêm, trẻ chỉ dậy khi đói, đi vệ sinh (đại tiện, tè ướt tã lót). Do thể tích dạ dày trẻ nhỏ nên sẽ nhanh đói, sau 1-2 tiếng trẻ có thể thức dậy khóc đòi ăn.
Theo bác sĩ Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị Sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Trung ương, trong một tháng đầu trẻ sơ sinh có thể ngủ từ 16-18 tiếng và thức rất ít. Do nhu cầu ăn ngủ của mỗi bé khác nhau, nhiều trẻ mới sinh ngủ từ 16-18 tiếng nhưng cũng có bé chỉ ngủ 12-14 tiếng.
Chuyên gia này khẳng định cha mẹ không nên định lượng giấc ngủ con nhiều hay ít bằng cách so với một đứa trẻ khác.
Trẻ sơ sinh ngủ từ 10-15 tiếng được coi là bình thường. Ảnh: Thehealthsite. |
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường rất ngắn cho nên nhiều cha mẹ nghĩ con khó ngủ và không ngủ được. Nhưng trên thực tế, cũng giống như người lớn trẻ sơ sinh khi ngủ sẽ trải qua 5 giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Khi bắt đầu ngủ trẻ vẫn tỉnh táo.
- Giai đoạn 2: Con sẽ thiu thiu ngủ, ngủ gà, uốn mình, vặn thừng... Trẻ có thể mở mắt, cử động chân tay, xoay người qua lại.
- Giai đoạn thứ 3: Trẻ ngủ sâu, chìm vào giấc ngủ hoàn toàn.
- Giai đoạn 4: Trẻ sẽ bắt đầu lơ mơ tỉnh dậy và có những cử động vặn mình, uốn người như ở giai đoạn 2 khi bắt đầu vào giấc ngủ.
- Giai đoạn thứ 5 trẻ sẽ tỉnh táo, không còn mơ màng.
Do giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất ngắn (1-2 tiếng) và trải qua 5 giai đoạn, vì vậy cha mẹ sẽ cảm thấy con khó ngủ, không ngủ được do có những cử động trên khuôn mặt, tay, chân. Tuy nhiên, khi con có dấu hiệu ngủ dưới 10 tiếng/ngày, cha mẹ cần phải đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm tìm ra nguyên nhân.
Những ngày mới chào đời, trẻ có thể ngủ vào ban ngày và hay thức vào ban đêm. Đó là do trẻ vẫn duy trì thói quen ngủ ở trong bụng mẹ. Thói quen thức đêm của trẻ sẽ thay đổi khi con lớn hơn.