Đã gần 17 năm trôi qua nhưng những ký ức về buổi khai trương Trung tâm Nghệ thuật đương đại (UCCA) tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn hiện hữu như bức tranh sống động cho đến tận ngày nay.
UCCA đã biến các tòa nhà trong khu phức hợp đạn dược cũ trở thành một trong những không gian nghệ thuật đương đại lớn nhất của Trung Quốc, hay còn gọi là Khu nghệ thuật 798.
Sự kiện có sự tham gia của giám tuyển Hans-Ulrich Obrist, giám đốc Victoria Miro Glenn Scott, nhà sưu tập Uli Sigg, cũng như các nghệ sĩ đình đám Rebecca Horn và Sarah Sze. Ngoài ra, 250 khách VIP cũng bay đến tham dự sự kiện này.
Mặt tiền của UCCA. Ảnh: UCCA. |
Claudia Albertini, quản lý cấp cao tại Massimo de Carlo, nhớ lại những khoảnh khắc tuyệt vời đó. Chia sẻ với Artnet News, Albertini cho biết sự kiện này không chỉ làm tăng vị thế của Khu nghệ thuật 798, nghệ thuật đương đại Trung Quốc cũng có thêm cú hích tích cực để phát triển trong tương lai.
“Đó là một thời kỳ điên rồ, có rất nhiều kỳ vọng về sự bùng nổ từ giữa những năm 2000 dẫn đến Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Không chỉ thu hút du khách nước ngoài, công chúng trong nước ngày càng đổ sự quan tâm vào nghệ thuật hơn. Vào thời điểm đó, bạn có thể bán bất cứ thứ gì được đặt trong phòng trưng bày”, Albertini chia sẻ.
Kỷ nguyên mới được mở ra
Thập kỷ 2000 đã chứng kiến một thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Trung Quốc, nơi thị trường nghệ thuật đương đại thứ cấp đạt được những mức giá kỷ lục.
Những nhà sưu tập đáng chú ý nổi lên trong thời kỳ này, bao gồm Zhang Lan, doanh nhân và chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Southern Beauty (Thượng Hải, Trung Quốc). Hay Chen Dongshen, Giám đốc điều hành của công ty bảo hiểm Taikang Life Insurance, người đã chi 5,8 triệu USD cho tác phẩm Ode to the Huanghe River (1972) của nghệ sĩ Chen Yifei vào năm 2007.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sự hình thành của giai đoạn "quốc tế hóa" trong cảnh nghệ thuật của Trung Quốc vào đầu thế kỷ mới.
Guy và Myriam Ullens. Ảnh: Luc Castel. |
Những năm trong thập kỷ 1990, các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc đã xuất hiện trên sân khấu quốc tế. Nhưng phải kể đến tháng 11/2000, khi triển lãm nghệ thuật thứ 3 tại Bảo tàng nghệ thuật Thượng Hải diễn ra, sự kiện này đã đánh dấu một bước chuyển lớn.
Theo nhà sử học nghệ thuật Trung Quốc Lü Peng, triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô lớn đầu tiên trên toàn quốc được công nhận do một bảo tàng nghệ thuật chính phủ tổ chức. Đây là dấu hiệu cho thấy tính hợp pháp của nghệ thuật đương đại.
Triển lãm có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, bao gồm Anselm Kiefer và Lee Ufan. Tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc “quốc tế hóa” như Ai Weiwei và Cai Guo-Qiang cũng được trưng bày. Song song với đó, các tác phẩm nghệ thuật nội địa cũng phát triển.
Tác phẩm Không đề (1995) của Fang Lijun. Ảnh: Uli Sigg. |
Ngày nay, Hàn Quốc được biết đến là quốc gia có sản phẩm văn hóa thu hút sự chú ý toàn cầu. Nhưng trong thập kỷ 2000, trọng điểm nghệ thuật đương đại đã từng thuộc về Trung Quốc.
Kejia Wu, một trong những người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật đương đại phía đông (EMAC), trung tâm nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận đầu tiên tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận định sự ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc trong thập kỷ đó.
“Họ bị mê hoặc bởi những câu chuyện nghệ thuật về Trung Quốc. Họ muốn hiểu rõ hơn và sẵn lòng tạo ra nhiều cơ hội hơn để biết nhiều hơn về nó”, ông chia sẻ.
Khi các “ông lớn” trong giới nghệ thuật phương Tây bắt đầu ủng hộ mạnh mẽ nghệ thuật đương đại Trung Quốc, thị trường thứ cấp cũng được đà phát triển theo.
Theo Artnet News, doanh số bán đấu giá nghệ thuật đương đại Trung Quốc trên thị trường toàn cầu tăng gần 200% từ năm 2003 đến năm 2007. Tiềm năng của thị trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các nhà đấu giá quốc tế, như Christie's và Sotheby’s.
Tác phẩm Xuan Bei (2008) của nghệ sĩ Qiu Anxiong. Ảnh: MoMa. |
Một ví dụ nổi bật trong thập kỷ đó là Qiu Anxiong, nghệ sĩ lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm nghệ thuật Thượng Hải vào năm 2006. Ít lâu sau, năm 2008, nghệ sĩ đã có mặt tại triển lãm quốc tế Art Basel.
Theo ông Kejia Wu, tốc độ phát triển của một nghệ sĩ như Qiu thật khó tin, đặc biệt nếu so sánh với thời bây giờ.
Thời hoàng kim đã qua
Tuy nhiên, "kỷ nguyên vàng" không kéo dài mãi mãi. Khủng hoảng tài chính năm 2008 và những thách thức kinh tế sau đó đã tác động đáng kể đến sự phồn thịnh. Thị trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã phải đối mặt với những biến động và thách thức mới.
Dù vậy, thời gian gần đây, nghệ thuật đương đại Trung Quốc vẫn tích cực sáng tạo và có thêm sự xuất hiện của thế hệ mới các nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Nhưng thị trường ngày nay rất khác so với thời kỳ hoàng kim những năm 2000.
Ngay cả một số nhà sưu tập lớn nhất, như Hui Ka Yan (hoặc Xu Jiaxin), Chủ tịch tập đoàn Evergrande, công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, hay Liu Yiqian và Wang Wei, nhà sáng lập của Bảo tàng Long (Thượng Hải, Trung Quốc), bắt đầu thanh lý bộ sưu tập nghệ thuật của họ.
“Từ đầu thập kỷ 2010 đến nay, mọi xu hướng đã trở nên phức tạp hơn. Một số nghệ sĩ sẽ tiếp tục tồn tại. Tôi không nghĩ rằng sự phát triển sẽ biến mất, chỉ là khó có thể đạt được tốc độ giống thời 'hoàng kim' đã qua”, ông Wu nói.