Hậu giãn cách xã hội, thị trường ôtô Việt vừa trải qua một tháng đầy biến động, với điểm nhấn là diễn biến tăng/giảm trái ngược của giá xe. Cụ thể, giai đoạn nửa đầu tháng 5, thông tin xe giảm giá xuất hiện tràn ngập. Hàng loạt mẫu xe đua nhau thiết lập kỷ lục giảm giá, từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng.
Không lâu sau đó, ngày 14/5, Thủ tướng đồng ý giảm 50% phí trước bạ cho xe CKD và gần như ngay lập tức, ôtô nội địa quay đầu tăng giá, gây ra những tranh cãi, ý kiến trái chiều từ cả người mua và kẻ bán.
Tháng 5 cũng là thời điểm một số mẫu xe chính thức nói lời chia tay thị trường Việt sau chuỗi ngày dài ế ẩm. Bên cạnh đó, hơn 40.000 xe thuộc nhiều thương hiệu và dòng sản phẩm khác nhau cũng được thông báo triệu hồi để khắc phục lỗi.
Thị trường sôi động sau chuỗi ngày dài ảm đạm
Sau khi chỉ thị giãn cách xã hội được dỡ bỏ cuối tháng 4, hầu hết đại lý đều ghi nhận số lượt khách tới khảo giá, đặt cọc hoặc chốt mua xe tăng đáng kể so với thời điểm trước đó.
Dù kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, vẫn có không ít người dùng tìm hiểu và mua xe. Phần vì nhu cầu sử dụng ôtô tăng cao trong mùa nắng nóng, phần vì hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá được các hãng xe tung ra.
Lượng khách tìm hiểu và mua xe tăng đáng kể trong tháng 5. Ảnh minh họa. |
Trao đổi với Zing, anh T.H., nhân viên kinh doanh một đại lý Toyota trên địa bàn Hà Nội, cho biết kể từ đầu tháng 5 lượng khách tới tham khảo và mua xe cải thiện rõ rệt so với thời điểm trước giãn cách xã hội.
"Lượng khách mua xe tăng mạnh trong tháng này đến từ nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến các chương trình ưu đãi giảm giá mạnh cho các mẫu xe nhằm kích cầu mua sắm sau dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng, khiến nhu cầu đi lại bằng ôtô cao hơn", anh T.H. chia sẻ.
Ngoài ra, nhân viên kinh doanh này nhận định thông tin giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước cũng là một chiếc phao cứu sinh cho cả người mua và người bán. Khách hàng mua được xe với chi phí lăn bánh rẻ hơn, đại lý cũng bán được nhiều xe hơn, bù lại quãng thời gian ế ẩm kéo dài từ đầu 2020 tới nay.
Song song với xe mới, thị trường ôtô cũ cũng bắt đầu nóng trở lại. Theo số liệu từ một trang mua bán xe trực tuyến, lượng tin đăng bán xe mới và cũ tăng 36%, số lượt liên hệ mua xe mỗi ngày tăng 15% so với tháng 4. Tuy nhiên trên thực tế, lượng khách mua xe cũ vẫn chưa bằng thời gian trước giãn cách xã hội.
Anh Nguyễn Thiện Hùng, chủ một đại lý xe cũ tại Quận 12, TP.HCM, cho biết: "Hậu cách ly, ôtô cũ thiết lập mặt bằng giá rẻ hơn từ 3-5% so với trước dịch. Tuy nhiên, xe mới cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, cộng với mức chiết khấu thêm của nhân viên bán hàng cho khách, khiến nhiều người có ý định mua xe cũ chuyển sang mua xe mới".
Giá xe nhiều lần chạm đáy trước khi đồng loạt quay đầu tăng trở lại
Tháng 5 nhiều lần ghi nhận mức giảm giá kỷ lục của cả xe phổ thông và xe sang nhằm xả hàng tồn kho và kích cầu mua sắm. Hàng loạt mẫu xe thuộc nhiều phân khúc khác nhau được giảm giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng từ hãng và đại lý.
Theo khảo sát của Zing, các mẫu sedan hạng B và hạng C giảm từ 10-70 triệu đồng tùy theo phiên bản và đại lý. Trong khi đó, với nhóm xe CUV/SUV, mức giảm giá dao động từ 70-150 triệu đồng cho các mẫu xe như Honda CR-V (110-150 triệu), Mazda CX-8 (95-150 triệu), Nissan Terra (60-120 triệu) hay Hyundai Tucson (70 triệu).
Thương hiệu xe Việt VinFast cũng đã có lần đầu thực hiện giảm giá cho các sản phẩm của hãng trong tháng 5. Cụ thể, dòng sedan VinFast Lux A2.0 giảm từ 233-258 triệu đồng và mẫu SUV VinFast Lux SA2.0 giảm từ 258-287 triệu đồng.
Các mẫu xe VinFast giảm giá hàng trăm triệu đồng trong tháng 5. |
Tại phân khúc xe sang, BMW X7 nhận mức giảm 650 triệu đồng trực tiếp vào giá bán. Ngoài ra, tùy theo thỏa thuận của khách hàng với từng đại lý, tổng ưu đãi dành cho mẫu SUV cỡ lớn này có thể lên tới trên dưới 1 tỷ đồng. Đây được xem là mức giảm giá lớn nhất kể từ khi Thaco phân phối X7 chính hãng tại Việt Nam.
Giảm giá mạnh, tuy nhiên nhiều mẫu xe, đặc biệt là xe CKD, cũng đã nhanh chóng có những cú quay đầu tăng giá ngay trong tháng 5, sau khi xuất hiện thông tin giảm 50% phí trước bạ cho xe sản xuất hoặc láp ráp trong nước.
Nhiều đại lý đồng loạt điều chỉnh giảm bớt khuyến mãi cho các mẫu xe CKD từ 10-20 triệu đồng với lý do bù lỗ cho quãng thời gian trước, dù chính sách giảm phí trước bạ còn chưa chính thức có hiệu lực. Động thái này nhận được phản ứng từ đa số người dùng.
Anh Hoàng Tùng (Quận Long Biên, Hà Nội), người tìm hiểu mua Toyota Vios 1.5E CVT, cho biết trước giãn cách xã hội, một đại lý báo giá 515 triệu đồng cho Vios 1.5E CVT, giảm 25 triệu so với giá niêm yết nhưng nay khi anh liên hệ lại, xe đã có giá 525 triệu đồng.
"Với các mẫu xe giá rẻ, phí trước bạ giảm 50% không giúp tiền lăn bánh của xe giảm quá nhiều. Tuy nhiên, đó vẫn là số tiền mà nhà nước hỗ trợ, kích cầu để người dân mua xe chứ không phải lý do để đại lý tăng giá bán", anh Tùng chia sẻ.
Toyota Vios là một trong những mẫu xe bị cắt giảm khuyến mãi sau khi xuất hiện thông tin giảm 50% phí trước bạ cho xe nội địa. |
Có thể nói, những người mua xe ở thời điểm hiện tại hẳn sẽ cảm thấy băn khoăn khi đưa ra quyết định cuối cùng bởi giá xe biến động theo từng ngày. Nhiều khả năng, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong tháng 6, khi chính sách giảm phí trước bạ cho xe CKD vừa chính thức được thông qua.
Ôtô hứa hẹn tiếp đà tăng giá
Trao đổi với Zing, chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn cho rằng giá xe có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới cả nền kinh tế, và các đại lý ôtô cũng đã có một giai đoạn rất khó khăn. Khi có thêm chính sách hỗ trợ, họ sẽ tìm cách có thêm lợi nhuận, cụ thể là giảm bớt các chương trình khuyến mãi do đại lý tự tổ chức, hoặc thậm chí bán "bia kèm lạc" nếu lượng khách hàng trở nên dồi dào", ông Sơn cho biết.
Đồng quan điểm với ông Sơn, chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng cũng nhận định trong thời gian tới, các hãng xe và đại lý sẽ tiếp tục cắt giảm khuyến mãi hoặc dần đưa giá xe CKD về đúng với mức niêm yết.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng các hãng xe cũng sẽ đưa ra những điều chỉnh về giá bán cho những dòng xe nhập khẩu, tránh tình trạng chênh giá quá nhiều giữa xe CKD và xe CBU. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định giá xe CBU sẽ giảm.
"Hiện tại, đa phần các dòng xe phổ thông tại Việt Nam được nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Indonesia. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy ở các quốc gia này tạm đóng cửa, nguồn xe nhập về nước ta cũng sẽ giảm mạnh. Nếu nhu cầu cho các mẫu xe CBU tăng cao trong khi nguồn cung giảm, không loại trừ khả năng giá xe cũng sẽ tăng so với thời gian trước", ông Thắng nhận định.
Nhiều mẫu ôtô đô thị dừng bán, hàng chục nghìn xe được triệu hồi
Tháng 5 là thời điểm nhiều mẫu xe đô thị chính thức rút khỏi Việt Nam. Cụ thể, Suzuki Celerio, Mitsubishi Mirage hay Honda Jazz không còn nằm trong danh mục sản phẩm của các hãng. Các mẫu xe nói trên đều có doanh số ảm đạm kéo dài trước khi bị dừng bán vì không cạnh tranh được với các đối thủ cùng phân khúc.
Có thể nói việc cắt giảm bớt các mẫu xe kém hiệu quả cũng là cách để các hãng xe thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn khó khăn từ đại dịch cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Honda Jazz hiện đã bị rút khỏi danh mục sản phẩm của hãng và khả năng cao sẽ bị khai tử tại Việt Nam. |
Hơn 42.000 xe được triệu hồi để khắc phục lỗi cũng là thông tin đáng chú ý trong tháng. Toyota triệu hồi hơn 30.000 xe Innova, Fortuner và Camry tại Việt Nam để khắc phục lỗi bơm nhiên liệu. Cuối tháng 5, Chevrolet triển khai đợt triệu hồi với 12.456 xe Cruze, Orlando và Trax dính lỗi túi khí.