Nặn mụn có thể khiến da bị tổn thương lâu dài. Ảnh: Averr Aglow. |
Mụn trứng cá là tình trạng da liễu dễ gặp và gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và tâm lý của nhiều người. Bên cạnh đó, những dấu vết nó để lại cũng cần được quan tâm.
Việc xác định được loại sẹo mụn trứng cá bạn đang gặp phải giúp xây dựng thói quen chăm sóc da hướng đến mục tiêu làm mịn hoặc mờ sẹo, theo Glamour. Sẹo xuất hiện khi da cố gắng tự chữa lành sau một đợt mụn. Chúng bao gồm các loại như sẹo lõm, sẹo rỗ chân đá nhọn, sẹo rỗ chân vuông.
Sẹo lõm - hố, rãnh sâu và thấp hơn bề mặt da lành xung quanh. Những vết sẹo nhỏ và hẹp, giống như lỗ chân lông sâu được gọi là sẹo rỗ chân đá nhọn. Trong khi đó, sẹo rỗ chân vuông nhìn giống vết lõm hình tròn hoặc hình bầu dục trên da mặt.
Bên cạnh việc xác định rõ loại sẹo, các chuyên gia gợi ý một số thói quen giúp loại bỏ vết sẹo, thâm do mụn.
Không nên nặn mụn
Làm sạch da là một trong những điều cần lưu ý. Tiến sĩ Yannis Alexandrides nhấn mạnh: "Lượng sữa rửa mặt bạn sử dụng rất quan trọng. Nếu sử dụng quá ít có thể khiến các bụi bẩn và lớp trang điểm chưa được làm sạch, gây tắc nghẽn lỗ chân lông".
Trong quá trình trị sẹo, bạn nên để ý đến thành phần có trong sữa rửa mặt và làm sạch da đúng cách. Ảnh: Healthline. |
Trong khi đó, bác sĩ da liễu Anjali Mahto khuyên nên tìm các loại sữa rửa mặt có chứa axit salicylic. Thành phần này có khả năng chống viêm, kháng khuẩn. Nó hoạt động sâu trong lỗ chân lông để hòa tan hỗn hợp dầu và tế bào chết có thể tích tụ, gây mụn.
Một trong những thói quen ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình làm mờ sẹo là nặn mụn. Nhiều người khó cưỡng lại cảm giác muốn nặn mụn. Tuy nhiên, hành động này có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và tổn thương da lâu dài.
"Khi mụn lành, nó sẽ để lại vết đỏ hoặc nâu trên bề mặt da. Nếu mụn được nặn ra, tổn thương có thể sâu hơn", Julie Morris, y tá thẩm mỹ tại Effortless Skin, cho biết.
Điều này cũng không đồng nghĩa với việc ngừng nặn mụn sẽ không gây ra sẹo. Nó chỉ giúp giảm nguy cơ bằng cách khiến các tổn thương bớt trầm trọng hơn.
Trong trường hợp nhất định phải nặn mụn, bác sĩ Pimple Popper khuyến khích sử dụng một ít dầu tràm trà sát khuẩn để giữ vết thương sạch sẽ trước khi sử dụng miếng dán trị mụn.
Lưu ý về thành phần trong các sản phẩm chăm da
Thông thường, chứng tăng sắc tố sau viêm sẽ tự biến mất theo thời gian. Quá trình này thường mất khá nhiều thời gian, khoảng 6-12 tháng để mất hẳn màu của tăng sắc tố sau viêm. Thời gian này có thể lâu hơn, tùy thuộc vào loại da.
Bạn có thể đẩy nhanh quá trình với huyết thanh vitamin C. Axit L'ascorbic là vitamin C tiêu chuẩn vàng để sử dụng luôn và có thể ngăn chặn tyrosinase - một loại enzyme gây ra sắc tố.
Bác sĩ da liễu Anjali Mahto nhấn mạnh sử dụng vitamin C giúp làm sáng da và hỗ trợ sản xuất collagen.
Serum vitamin C, gel chống sẹo giúp hỗ trợ quá trình trị sẹo do mụn. Ảnh: Foreo. |
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại gel chống sẹo. Một số sản phẩm được thiết kế để giảm thiểu độ sâu và đổi màu của sẹo trong một thời gian nhờ sự pha trộn của BHA, vitamin C và chất chống viêm centella asiatica. Trong khi đó, nhiều hãng cho ra mắt serum kết hợp axit amin với vitamin C để mang lại làn da đều màu.
Nếu bạn đang có sẹo hoặc mụn trứng cá, cách tốt nhất để giải quyết cả hai là sử dụng sản phẩm có thành phần giúp tái tạo bề mặt.
Julie Morris gợi ý: "Axit glycolic và axit lactic (nhẹ hơn trên da) giúp giảm thiểu độ sâu và mức độ nghiêm trọng của sẹo. Đồng thời, các thành phần này giữ cho lỗ chân lông thông thoáng". Tiến sĩ Alexandrides đồng tình với gợi ý này.
Ngoài ra, nếu mụn trứng cá đã sạch và sẹo là mối quan tâm chính của bạn, Julie Morris và Tiến sĩ Alexandrides khuyên nên thử điều trị tại phòng khám. Y tá Julie Morris cho biết các phương pháp như mài da vi điểm, tái tạo bề mặt bằng laser... đang được nhiều phòng khám áp dụng.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm da. Bạn nên tiêu thụ rượu, đường và tinh bột ở mức vừa phải. Trong khi đó, trái cây, rau và nước là những lựa chọn thông minh, giúp thải độc tố ra khỏi da.