Sức khỏe răng miệng của trẻ cũng quan trọng như sức khỏe toàn thân. Ảnh: Vocal. |
Theo các bác sĩ khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đà Nẵng, sức khỏe răng miệng của trẻ cũng quan trọng như sức khỏe toàn thân. Không theo dõi, chăm sóc đúng cách và có kế hoạch, chúng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này của con trẻ.
Nếu trẻ có các thói quen xấu sau đây, cha mẹ nên nhắc nhở và có biện pháp loại bỏ càng sớm càng tốt.
Mút tay, bú bình kéo dài, ngậm ti giả thường xuyên
Mút tay hay ngậm núm vú là một trong những tật xấu gây hại cho răng trẻ thường mắc phải. Chúng không gây sâu răng nhưng có thể dẫn tới răng trẻ bị hô sau này.
Từ 2 tuổi trở lên, trẻ vẫn còn giữ thói quen mút tay hoặc chưa cai được ti giả, bú bình sau này có thể làm cấu trúc hàm, xương và răng bị lệch lạc. Trẻ có thể bị hô, răng mọc không đều. Ngoài ra, răng cửa hàm trên có thể bị thưa và nghiêng về phía môi.
Cắn môi, mút môi
Cắn môi trên, môi dưới hay mút môi đều là những thói quen có hại trong quá trình phát triển răng ở trẻ. Nếu không can thiệp kịp thời, về lâu dài, thói quen này gây cắn hở, răng cửa hàm trên nghiêng về phía môi và có thể bị hô.
Cắn chặt răng, nghiến răng
Nghiến răng là sự nghiến hoặc xiết chặt hàm răng một cách quá mức các răng ở hai hàm trên, dưới. Hành vi này thường diễn ra vào lúc ngủ, lâu ngày tạo ra các diện mòn trên răng.
Nghiến răng được xem như phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và hiện tượng này xảy ra phần lớn ở những trẻ có hệ thần kinh dễ bị kích thích. Ngoài ra, tật nghiến răng còn gặp khi trẻ bệnh động kinh, viêm não hay tiêu hóa.
Tật nghiến răng xảy ra ở trẻ còn thường có liên quan sự tăng trưởng và phát triển của chúng như răng phát triển không đều, mọc răng... Hầu hết, trẻ bị tật này ở khoảng 6 tháng tuổi, khi răng sữa bắt đầu mọc. Trẻ hay bị lại lúc 5 tuổi, có răng vĩnh viễn mọc.
Khoảng thời gian nghiến răng ở trẻ thường không lâu dài nhưng tật nghiến răng có thể làm ảnh hưởng xấu sự phát triển hệ răng hàm. Đa số trẻ hết tự nhiên khi khoảng 12 tuổi.
Một số trẻ nghiến, siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của răng sữa hoặc gây mòn nhiều dẫn đến cắn sâu. Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau, rối loạn khớp thái dương hàm, làm nhai và há miệng khó.
Một số trẻ nghiến, siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của răng sữa hoặc gây mòn nhiều dẫn đến cắn sâu. Ảnh: Medlife. |
Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt, tạo ra vẻ mặt mất cân xứng. Trẻ có tật nghiến răng nên cho đi khám bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để kiểm tra tình trạng về các khớp cắn, viêm nhiễm vùng răng, nướu...
Bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt đôi khi phải làm khí cụ cho trẻ đeo mới có thể bỏ được các tật xấu này.
Chống cằm
Nhiều phụ huynh thường bỏ qua thói quen chống cằm của trẻ. Tuy nhiên, nếu không nhắc nhở và có biện pháp loại bỏ sớm, chống cằm có thể làm thay đổi hướng phát triển xương của hàm dưới, khuôn mặt trở nên mất cân xứng.
Ngậm khi ăn
Thói quen này thường gặp ở trẻ mới mọc răng hoặc ở cả trẻ lớn biếng ăn. Ngoài khiến cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, việc ngậm lâu khi ăn có thể làm thức ăn trong miệng chuyển hóa thành đường, từ đó bám vào răng và gây sâu răng.
Thường xuyên ăn vặt hoặc đồ ngọt
Trẻ nhỏ thường thích các món ăn vặt hoặc đồ ngọt. Điều này không chỉ làm trẻ ngang bụng, dễ bỏ bữa, tăng cân hay béo phì mà còn dễ bị sâu răng nếu chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Chải răng không đúng cách
Đa số trẻ chỉ chải răng 1 lần/ngày vào mỗi buổi sáng, ít duy trì 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ hoặc chải ngay sau bữa ăn. Bên cạnh đó, nhiều trẻ vẫn chưa biết chải răng đúng cách mà chỉ chải qua loa.
Việc này tạo cơ hội cho mảng bám, thức ăn thừa còn tích tụ trên răng. Bên cạnh đó, chải răng sai cách còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu ở trẻ.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.