Trong thời tiết nồm ẩm, nhiều bệnh nhân đến thăm khám bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và da liễu. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngày 7-8/2, Hà Nội và các tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ bước vào cao điểm của đợt nồm khi thời tiết mưa phùn duy trì cả ngày, độ ẩm tăng cao trên 90%.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tình trạng mưa phùn còn duy trì ở Hà Nội đến hết ngày 11/2. Sau đó, khu vực hửng nắng trước khi đón đợt không khí lạnh vào ngày 14/2.
Sự thay đổi thời tiết, nhất là khi trời nồm ẩm, chuyển lạnh có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, da…
Gia tăng trẻ em, người già đi mắc bệnh
Trao đổi với Zing, TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế này gia tăng. Tuy nhiên, số lượng không đột biến. Hiện khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 3.500 bệnh nhi/ngày.
Theo TS Tùng, trong thời tiết nồm ẩm, nhiều bệnh nhân đến thăm khám bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và da liễu.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám cũng không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng số trẻ mắc nhóm bệnh lý liên quan thời tiết như viêm phổi, tiểu phế quản, hen chiếm tỷ lệ lớn.
Trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: LH. |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân đến khám tăng. Những ngày gần đây, đơn vị này tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân tới khám, tăng khoảng 20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày có khoảng 15-20 người bệnh, luôn trong tình trạng kín giường.
"Do thời tiết nồm ẩm, mưa rét, đa số bệnh nhân đến khám các bệnh như viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản... Bệnh nhân cần điều trị nội trú về những bệnh này cũng tăng lên. Trong đó, nhiều bệnh nhân là người già trên 60 tuổi, người có bệnh nền hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, virus kém nên dễ nhiễm bệnh hơn khi gặp kiểu thời tiết này", bác sĩ Hải cho hay.
Theo vị chuyên gia này, người già, trẻ em là đối tượng cần chú ý theo dõi các bệnh về hô hấp. Tại khoa Nội Hô hấp, không ít bệnh nhân nhập viện khi tình trạng viêm phổi đã nặng.
Cách chăm sóc sức khỏe khi nồm ẩm kéo dài
Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo vào những ngày nồm ẩm, các gia đình có thể xem xét sử dụng máy hút ẩm để giảm bớt độ ẩm. Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước gây ẩm ướt và trơn trượt, nguy hiểm khi di chuyển, vì vậy, bạn nên lau thường xuyên.
Ngoài ra, người dân, nên giữ ấm tay, chân, cổ, tránh để bị nhiễm lạnh. Nếu bị mưa ướt, bạn cần nhanh chóng thay sang quần áo khô và làm ấm cơ thể.
Vào ngày trời nồm, trẻ em có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Cha mẹ cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát. Phụ huynh nên tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Mai Hằng. |
Theo PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết thay đổi từ mùa đông chuyển sang mùa xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ, cũng gây nên các căn bệnh về đường hô hấp.
Vì vậy, người dân cần tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, cũng như các vaccine phòng bệnh hô hấp (cúm, phế cầu). Ngoài ra, người dân cũng nên giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp.
Theo TS Hương, đeo khẩu trang phù hợp và đúng cách vẫn là cách tốt để phòng các bệnh đường hô hấp. Khẩu trang cần đảm bảo che mũi, miệng và cằm khi sử dụng. Rửa tay sạch sẽ trước khi đeo, sau khi tháo ra và sau khi bạn chạm vào khẩu trang. Khi bạn tháo khẩu trang, hãy để vào túi nylon sạch, giặt hàng ngày nếu là khẩu trang vải hoặc vứt vào thùng rác nếu là khẩu trang y tế.
Rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi xì mũi, ho, hay chạm vào động vật, sau khi thay tã lót cho em bé… là rất cần thiết để kịp thời loại bỏ virus cũng như vi khuẩn.
"Dịp Tết, chúng ta thường tiếp xúc những thức ăn giàu tinh bột và chất đạm, chất béo. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng ăn uống hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, chúng ta cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất", bác sĩ Hương khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, với thời tiết nồm ẩm như hiện nay của miền Bắc, người dân không nên dùng thảm trải nhà vì dễ bị ẩm mốc, gây kích ứng đường thở và nhiều bệnh khác về da. Nếu sử dụng thảm, bạn phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch.
Khi có triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, sốt, đau họng... bạn cần đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh, không tự ý mua thuốc, đặc biệt với kháng sinh. Người dân cũng không nên sử dụng lại các đơn thuốc cũ. Những người có bệnh mạn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc, đi khám ngay khi có biểu hiện bất thường.
Phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ
Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, từ bỏ thói quen dùng hình phạt với con là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.