Cặp VĐV bóng rổ Việt kiều có niềm đam mê đặc biệt với những đôi dép cao su lỗ. Ảnh: @truong_twins. |
Trương Thảo My (Kayleigh Truong) và Trương Thảo Vy (Kaylynne Truong) là cặp chị em song sinh góp phần giúp đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam giành tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên ở SEA Games 32.
Không chỉ tỏa sáng nhờ khả năng thi đấu, cặp vận động viên (VĐV) sinh năm 2001 này còn gây ấn tượng với người hâm mộ thể thao nhờ gu thời trang độc đáo. Không sử dụng sneaker đến từ các nhãn hàng nổi tiếng như nhiều VĐV bóng rổ khác, 2 cô gái ưa chuộng dép cao su lỗ thoải mái, tiện dụng.
Dép cao su của thương hiệu Crocs là món đồ thời trang yêu thích của cặp chị em song sinh. Ảnh: Kicks Geeks. |
Đam mê dép cao su lỗ
Sinh ra và lớn lên tại Houston, Texas, Mỹ, Trương Thảo My và Trương Thảo Vy hiện chơi ở vị trí hậu vệ tại Đại học Gonzaga và chỉ về nước khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Ngày 7/5, cặp chị em sinh đôi góp phần đem về chiến thắng rực rỡ cho tuyển bóng rổ Việt Nam trước đối thủ Philippines.
Cụ thể, ở trận chung kết nội dung 3x3 nữ môn bóng rổ SEA Games 32, cả 2 giúp đội giành thắng lợi với tỷ số 21-16, từ đó mang về chiếc HCV lịch sử cho Việt Nam. Không chỉ gây ấn tượng với người hâm mộ trong nước, bộ đôi VĐV này còn thu hút sự chú ý của truyền thông, khán giả quốc tế.
Ngoài sân thi đấu, 2 cô gái thể hiện phong cách thời trang tối giản, trẻ trung, năng động. Thảo My và Thảo Vy thường xuyên diện sweater, hoodie khi ở Mỹ. Khi về Việt Nam, cặp chị em này lại chuộng áo phông để đối phó với thời tiết nắng nóng.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nằm ở giày dép mà 2 nữ VĐV lựa chọn. Không xỏ chân vào những đôi sneaker đắt đỏ, bộ đôi thường xuyên sử dụng sản phẩm dép cao su có giá 49,99 USD của thương hiệu Crocs.
Ngoài phòng tập, sân thi đấu, Trương Thảo My và Trương Thảo Vy đi dép cao su lỗ trong mọi hoàn cảnh như tại sân bay, trên hàng ghế khán giả, khi vui chơi cùng bạn bè. Cả 2 đều sở hữu bộ sưu tập lên đến hàng chục đôi dép này.
Yêu thích màu sắc nổi bật, cặp chị em thường chọn dép cao su màu cam, tím, xanh lá, xanh dương. Không chỉ sở hữu số lượng lớn món đồ này này, 2 cô gái còn đầu tư cho sở thích cá nhân bằng cách sưu tầm charm (phụ kiện đính kèm), gắn lên mẫu dép có quai sặc sỡ.
Không thể ra sân vì gặp chấn thương trong một trận đấu, Thảo My xỏ chân vào dép cao su tím, ngồi trên hàng ghế khán giả cổ vũ Thảo Vy. Hình ảnh này ngay lập tức thu hút sự chú ý của khán giả, khiến người hâm mộ thích thú.
Trương Thảo My và Trương Thảo Vy sử dụng dép cao su trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: FB/Trương Twins Supporters. |
Phong cách năng động, trẻ trung được bộ đôi VĐV bóng rổ ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ảnh: FB/Trương Twins Supporters. |
Phong cách năng động, trẻ trung
Ngoài trang phục thi đấu, đồng phục trường học, Trương Thảo My và Trương Thảo Vy ưa chuộng áo quần năng động, trẻ trung. 2 cô gái đề cao sự thoải mái, tính tiện dụng của các món đồ thời trang.
Cặp chị em song sinh thường xuyên diện sweater, hoodie in chữ. Trang phục của cả 2 thường có màu sắc trung tính như đen, xám, trắng, hướng sự chú ý vào những đôi dép lỗ sặc sỡ.
Bên cạnh đó, mũ lưỡi trai và băng đô cũng là món phụ kiện yêu thích của cặp VĐV bóng rổ nữ.
Trong khi băng đô đen được sử dụng để cố định tóc trên sân thi đấu, mũ lưỡi trai lại được bộ đôi ưa chuộng khi di chuyển trên máy bay, xuống phố.
Thảo My và Thảo Vy cho thấy sự yêu thích với kiểu tóc đuôi ngựa đơn giản, gọn gàng. Khán giả chưa từng thấy cặp chị em này tẩy và nhuộm tóc. Mái tóc đen, thẳng, suôn mượt tự nhiên chính là đặc trưng của cả 2.
Trong các sự kiện đặc biệt như prom, tiệc tối, 2 cô gái lại diện đầm dạ hội bó sát hoặc áo dài. Dù sinh sống tại Mỹ, Trương Thảo My và Trương Thảo Vy nhiều lần diện áo dài, nón lá, thể hiện sự tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Cặp chị em song sinh diện đầm dạ hội và áo dài trong các sự kiện đặc biệt. Ảnh: @truong_twins. |
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.