Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thời trang trả thù

Ngoài mua sắm trả thù, tồn tại một khái niệm khá tương tự mang tên thời trang trả thù. Song, không nhiều người hình dung được phong cách ăn mặc này thực chất như thế nào.

Màu đen thường được xem là đặc trưng nhận diện phong cách ăn mặc báo thù. Ảnh: Town & Country Magazine.

Thời trang trả thù dần khẳng định sự tồn tại trong lòng công chúng nhờ vào sự quan tâm ngày một đông đảo về chiếc váy “báo thù” (revenge dress) của Công nương Diana.

Bên cạnh đó, càng nhiều người dùng việc ăn mặc để đáp trả lại thực trạng hỗn loạn bắt nguồn từ sự biến động về xã hội, chính trị hay kinh tế.

Chỉ riêng trên mạng xã hội TikTok, từ khóa “chiếc váy báo thù” (revenge dress) nhận về 9 tỷ lượt xem. Trong khi đó, lượng tìm kiếm liên quan đến “trang phục trả thù” (revenge dress outfit) lên tới con số 200 triệu.

Gần đây nhất, album Midnight của ca sĩ Taylor Swift cũng mang hơi thở của xu hướng “trả thù”. Nổi bật, trong bài hát Vigilante Shit của cô có lời: “Lately, she’s been dressing for revenge - Gần đây, cô ấy đang ăn diện để trả thù”.

Từ những năm 1990 đến nay, dùng quần áo để “báo thù” không phải là một việc quá xa lạ. Thực tế có không ít người mong muốn được trải nghiệm kiểu ăn mặc độc đáo này.

Tuy nhiên, thời trang trả thù thực sự trông như thế nào ngoài đời thực?

Thực hư

Trên các nền tảng mạng xã hội, xu hướng ăn mặc trả thù thường xuyên “trending” (dẫn đầu tìm kiếm) và thường chỉ xoay quanh một vài mẫu đồ như đầm ôm sát, váy dài lấp lánh, găng tay opera, áo khoác da dáng dài, bốt cao đến đùi và váy maxi hở lưng.

Có thể nói, phong cách thời trang này được xem là một công cụ hỗ trợ người mặc khơi gợi và đáp trả lại những trải nghiệm quá khứ không mấy tốt đẹp.

Kiana Bonollo, nhà sáng tạo kiêm nhà thiết kế, hiện tham gia thiết kế quần áo cho những người phụ nữ có mong muốn trả thù. Theo đó, cô cho ra đời “Heartbreaker”. Đây là bộ sưu tập thời trang bắt nguồn từ sự “báo thù” bao gồm 5 trang phục với 3 tông màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng.

Tất cả các bộ đồ trả thù đều mang đậm hơi thở của sự đáp trả mãnh liệt. Theo đó, chúng có thể giúp người mặc trở nên quyền lực và tự tin hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, từng thiết kế đều toát lên vẻ quyến rũ khó cưỡng: từ chiếc áo corset da màu đỏ phối cùng chiếc quần hồng cho đến chiếc đầm đuôi cá với đường cắt cúp ngực ấn tượng.

Bonollo tiết lộ rằng “Heartbreaker” được lấy cảm hứng một phần từ cuộc sống của cô, cụ thể là kỷ niệm không quá tích cực với người yêu cũ. Đối phương luôn tỏ ra khó chịu khi cô mặc đồ gợi cảm hay để lộ dù chỉ một ít da thịt. Vì vậy, cô xem bộ sưu tập lần này như một cách để phản ánh và lên án những trải nghiệm không hay ho đó.

Khơi nguồn cảm hứng

Ngay cả khi mọi người trở nên sáng tạo hơn với đa dạng kiểu ăn mặc trả thù, chiếc váy Công nương Diana mặc năm 1994 vẫn được công nhận là niềm cảm hứng tiên quyết cho xu hướng thời trang này. Nhà thiết kế thời trang, Gunnar Deatherage bổ sung rằng Diana chính là nữ hoàng của trang phục báo thù.

Amy Roberts và Sidonie Roberts, hai nhà thiết kế trang phục cho bộ phim The Crown (bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc sống Công nương Diana), cũng có chung quan điểm như trên.

Sidonie Roberts từng trả lời trong một cuộc họp báo rằng chiếc váy của Công nương có thể xem là đại diện cho cuộc hôn nhân tan vỡ, đồng thời là sự tái sinh của một người phụ nữ độc lập.

Khi mặc chiếc váy lên người, bà như tìm thấy được tiếng nói riêng của mình và ngày càng trở thành một biểu tượng thời trang huyền thoại theo cách riêng.

Về phía Roberts, anh nhận thấy việc lựa chọn mặc màu đen là dấu hiệu lớn nhất cho thấy cuộc đời của Công nương Diana đã có một chuyển biến quan trọng. Thực tế, khi đó, chồng của bà là vua Charles công khai thừa nhận mình ngoại tình.

Ngoài ra, các thành viên hoàng gia chỉ mặc đồ đen khi để tang hoặc tiếc thương một ai đó. Vì thế, việc Công nương Diana chọn mặc màu đen ngoài khuôn khổ đám tang là một bất ngờ không hề nhỏ.

Từ đó, bộ đồ của bà trở thành một biểu tượng và những chiếc váy đen ngắn thường được xem là trang phục “trả thù”, Charles cho hay.

Len lỏi trong văn hóa đại chúng

Hiện nay, nhiều người vẫn xem việc mặc đồ đen đồng nghĩa với sự trả thù trong văn hóa đại chúng (pop culture).

Chẳng hạn, năm 1997, Diva Mariah Carey đã xuất hiện ấn tượng trên thảm đỏ của lễ trao giải MTV Awards trong bộ áo ngắn và chân váy dài màu đen. Đáng nói, sự kiện này diễn ra ngay sau khi cô chia tay chồng cũ Tommy Mottola.

Năm 2017, ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift đã vướng phải lùm xùm với Kanye West và Kim Kardashian. Sau sự kiện này, cô xuất hiện trước công chúng với trang phục màu tím đậm và đen.

Cùng năm đó, ca sĩ Selena Gomez cũng mặc một chiếc váy da màu đen đến dự lễ trao giải Âm nhạc Mỹ, sau khi cô chia tay với nhạc sĩ The Weeknd.

Tiêu biểu vào đầu năm nay, nữ diễn viên Julia Fox đã mở màn buổi biểu diễn thời trang mùa thu 2022 của LaQuan Smith với một chiếc váy dài màu đen sau khi cô chia tay Kanye West.

Theo Deatherage, đen là một trong những màu quyền lực nhất. Dù màu sắc này thường được xuất hiện trong tang lễ và để bày tỏ sự tiếc thương, chúng vẫn mang một sức mạnh tiềm ẩn tương đương sự báo thù.

Thực chất, ăn mặc trả thù vẫn mang một phần tưởng nhớ nhưng là dành cho sự buông bỏ con người trong quá khứ của người mặc. Với Taylor Swift, cô đã rũ bỏ hình tượng “gái ngoan hiền”, còn Julia Fox thì tiến đến xây dựng một hình tượng mới trong sự nghiệp.

Thời trang báo thù cũng là cơ hội để mỗi người tuyên bố và khẳng định chính mình. Mỗi khi cần chứng tỏ một quan điểm hoặc gây ấn tượng với người khác, Deatherage sẽ mặc lên người một bản phối thật chỉn chu.

Bên cạnh đó, bộ cánh báo thù lý tưởng của anh thường là trang phục đen tuyền từ đầu đến chân kết hợp với kính mắt sang trọng đắt tiền.

Trong khi đó, Bonollo chọn cách tái tạo lại những bộ đồ trả thù nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô cho rằng xu hướng thời trang này thường xoay quanh việc mặc một thứ gì đó màu đen, quyến rũ và lộ một chút da thịt.

Mặc quần thể thao đi làm

Bạn hoàn toàn có thể biến tấu chiếc quần vốn dành cho các hoạt động thể thao thành trang phục sành điệu chốn công sở.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Thiên Trang

Bạn có thể quan tâm