Không ai còn nhận ra chân sút từng có 10 bàn chỉ sau hai lần tham dự World Cup nữa. Ở tuổi 29, Mueller chỉ còn là cái bóng của chính mình và là gánh nặng của "Die Mannschaft".
Rốt cuộc điều gì đã xảy ra với Mueller? Lý do gì biến chân sút từng được xem là người kế thừa của “vua dội bom” Gerd Mueller tại cả Bayern Munich lẫn ĐT Đức trở nên vô hại đến vậy?
Mueller không còn là “kẻ cắp không gian”
Nhiều nhà chuyên môn từng tốn không ít công sức hòng cắt nghĩa Thomas Mueller là… cầu thủ như thế nào. Tại sao Mueller lại có thể ghi tới 10 bàn tại các VCK World Cup chỉ sau hai lần tham dự? Phần lớn đều bất lực. Không ai có thể dưa ra một định nghĩa trọn vẹn về số 13 của ĐT Đức.
Mueller cao 1,86 m nhưng gầy, không phải mẫu ngôi sao chơi bóng dựa vào nền tảng thể lực sung mãn kiểu Cristiano Ronaldo. Cẳng chân của tiền đạo người Đức không giống với một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Kỹ thuật của Mueller cũng không gây ấn tượng mạnh. Nhưng cứ tới World Cup là Mueller lại ghi bàn.
Mueller ghi bàn và Đức vô địch World Cup, đó là câu chuyện của năm 2014. Ảnh: Getty Images. |
Người Đức bắt đầu đặt biệt danh riêng cho Mueller. Họ gọi anh là “Ramdeuter” (tiếng Việt là “kẻ cắp không gian”) bởi khả năng tận dụng không gian, đánh hơi khoảng trống của Mueller là độc nhất vô nhị. Người Đức luôn tin rằng thứ năng lực đặc biệt ấy sẽ giúp Mueller luôn rực sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia, nhất là tại các kỳ World Cup.
Nhưng 10 bàn trong 2 kỳ World Cup 2010 và 2014 không đảm bảo cho Mueller thành công tại kỳ World Cup thứ ba trong sự nghiệp. Tất cả những gì mà số 13 của ĐT Đức làm được trên đất Nga đơn giản là con số 0 tròn trình. 0 bàn thắng, 0 kiến tạo, 0 ấn tượng.
Trước Mexico, Mueller chơi trọn 90 phút, tung ra 45 đường chuyền với tỷ lệ chính xác chỉ 71%. Anh là một trong những “hố đen” của Die Mannschaft khi bóng cứ đến vị trí của Mueller là mất.
Trước Thụy Điển, Mueller tiếp tục chơi trọn vẹn 90 phút. Và bất chấp việc anh là cầu thủ được chấm điểm cao thứ ba của Đức (sau Toni Kroos và Marco Reus), thì đó vẫn là một trận cầu thất bại toàn diện của Mueller.
Thomas Mueller là điển hình cho thất bại của Đức tại World Cup 2018. |
Anh mất tích trong hàng phòng ngự cao lớn của Thụy Điển, và ngay cả trong những lần chạm bóng thì tiền đạo người Đức cũng để nó dễ dàng rơi vào chân đối thủ.
Tới trận gặp Hàn Quốc, Mueller bị cất trên ghế dự bị và chỉ vào sân từ phút thứ 61. Phần còn lại của trận đấu có lẽ không cần phải nhắc lại, bởi nếu Mueller tạo ra được điều tích cực nào đó, Đức có lẽ đã không phải dừng bước ngay tại vòng bảng World Cup lần đầu tiên sau tròn 80 năm.
Mueller đã không còn là “Ramdeuter” nữa. Anh chỉ là tiền đạo hạng xoàng.
Sự suy tàn
Trên thực tế, việc Mueller đánh mất chính mình không phải vấn đề mới. Trong 2 năm gần đây, tiền đạo người Đức sa sút không phanh. Mùa 2016/17, Mueller chỉ có 9 bàn trên mọi đấu trường, một con số thụt giảm đáng kinh ngạc nếu so với con số 32 bàn ở mùa 2015/16 dưới thời Pep Guardiola.
Mùa giải 2017/18 vừa kết thúc, Mueller có 15 bàn. Dĩ nhiên, những con số không thể phản ánh mọi mặt của vấn đề. Nhưng nếu chiếu vào trường hợp của Mueller, thì nó lại cho thấy tính toàn diện nhất định.
Mueller đã sa sút không phanh trong hai mùa giải qua, World Cup 2018 là đỉnh điểm. Ảnh: Reuters. |
Sự sa sút của Mueller là hệ quả của việc Pep Guardiola rời khỏi Bayern. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha là mẫu HLV bậc thầy trong việc khai thác những khoảng trống. Và Mueller hưởng lợi rất rõ từ điều ấy. Quãng thời gian thi đấu dưới trướng Pep cũng là lúc giá trị của Mueller cao nhất (67,5 triệu bảng, theo transfermarkt.co.uk).
Khi Bayern chia tay Pep, Mueller lộ rõ sự chới với. Hai trận chiến với Real Madrid tại bán kết Champions League mùa vừa rồi là ví dụ điển hình. Mueller vẫn chọn được những khoảng trống, nhưng dứt điểm thiếu chuẩn xác, bỏ lỡ nhiều cơ hội rất ngon ăn
Sự dịch chuyển về mặt triết lý bóng đá cũng là yếu tố khiến Mueller không còn là chính mình. 2010 và 2014 là những thời điểm bóng đá bị ảnh hưởng mạnh bởi triết lý bóng đá nhấn mạnh khả năng sở hữu bóng của Pep. Đó là hậu thuẫn lớn giúp Mueller có cơ hội tỏa sáng tại sân chơi World Cup.
Nhưng vào lúc này, năm 2018, cách chơi kiểm soát bóng của Pep chỉ là một trong số những triết lý đang có được thành công. Thậm chí ở sân chơi đỉnh cao là Champions League, lối đá này còn bị sự hùng hổ của Liverpool nơi Juergen Klopp hủy diệt.
Mueller đá đánh mất chính mình sau khi rời khỏi vòng tay Pep Guardiola. Ảnh: Getty Images. |
Nếu phải được chọn lựa giữa Mueller với một trong ba ngôi sao của Liverpool là Roberto Firmino, Mohamed Salah hay Sadio Mane, tất cả HLV đều sẽ đưa mắt tới bộ ba của đội bóng Anh. Họ nhanh hơn, khỏe hơn và có khả năng thích nghi với nhiều loại hình chiến thuật hơn Mueller.
Chỉ có ông Loew là vẫn bấu víu vào Mueller cùng danh xưng Ramdeuter (có lẽ) đã hết thời của anh. Cái giá mà ông, lẫn ĐT Đức phải trả thật quá đắt.
29 tuổi, Mueller có lẽ đã đi vào vết xe đổ của Robbie Fowler, chân sút khét tiếng của Liverpool và ĐT Anh trong những năm giữa của thập niên 90 chỉ bởi khả năng dứt điểm thiện nghệ trong vòng cấm nhưng dần bị đào thải vì sự xuất hiện của những trung phong với tốc độ xé gió như Michael Owen hoặc toàn diện như Ruud Van Nistelrooy, Thierry Henry.
Fowler rời Liverpool năm 26 tuổi, giã từ ĐT Anh năm 27 tuổi. Mueller, sau thất bại thảm hại tại World Cup 2018, nên nghiêm túc nghĩ tới điều tương tự với Bayern và ĐT Đức.