Thông báo tuyển thí sinh tham dự Đường lên đỉnh Olympia năm 20 được đơn vị sản xuất công bố tối 13/8, đang là tâm điểm chú ý trong cộng đồng Olympian (thí sinh dự thi Olympia) cũng như khán giả.
Theo đó, 2 tiêu chí chưa từng có tiền lệ: “Hồ sơ nào gửi trước sẽ được xem xét trước” và “Khi đủ 144 bộ hồ sơ hợp lệ, chương trình sẽ dừng nhận hồ sơ” khiến nhiều thí sinh hoang mang.
Zing.vn vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đội ngũ sản xuất chương trình xung quanh vấn đề này.
Phía BTC Đường lên đỉnh Olympia chưa đưa ra phản hồi nào trước một số băn khoăn, thắc mắc từ thí sinh và khán giả. Ảnh: Fanpage Olympia. |
"Không biết ý chương trình muốn sao?"
Xem xong thông báo tuyển thí sinh năm 20, một cựu thí sinh ở TPHCM từng vào tới cuộc thi quý năm 2015 băn khoăn về việc chương trình nói sẽ nhận "đủ 144 hồ sơ hợp lệ”.
Người này nghĩ tới 2 khả năng: Chương trình nhận nhiều hồ sơ sau đó lọc đủ 144 bộ tương ứng 144 thí sinh dự thi thì dừng xét và nhận (giống các năm trước) hoặc BTC chỉ nhận đúng 144 hồ sơ rồi xem xét luôn, không nhận thêm nữa.
"Khả năng thứ 2 có thể nảy sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, 'hợp lệ' là sao? Thứ hai, ví dụ thí sinh ở Hà Nội nộp nhiều đơn trong số 144 hồ sơ, số lượng dự thi ở đây sẽ nhiều hơn hẳn tỉnh thành khác. Điều này không công bằng", cựu thí sinh nói.
Thành viên O15 nói thêm các năm trước, chương trình chia ra 5-6 đợt ghi hình, mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tháng. Trong thời gian đó, thí sinh có thể nộp đơn đăng ký tham gia, miễn là trước đợt ghi hình cuối. Thậm chí, một học sinh có thể gửi nhiều đơn.
Hàng năm, nhiều trường có chất lượng tốt thường tổ chức thi tuyển để chọn đại diện tham gia. Thời điểm có thể rơi vào khoảng tháng 9,10 - gần đợt ghi hình đầu - hoặc tháng 1,2 năm sau. Bởi vậy, quy định mới BTC đưa ra có thể gây ảnh hưởng tới kế hoạch tổ chức, chọn thí sinh ở trường.
"Có thể chương trình muốn dồn hồ sơ về cùng thời điểm nhận để lọc cho dễ. Tuy nhiên, thay vì đưa ra giới hạn nhận 144 hồ sơ, BTC nên quy định deadline cụ thể cho việc tiếp nhận đơn đăng ký thì rõ ràng hơn", cựu thí sinh bày tỏ.
Các bước nộp hồ sơ đăng ký dự thi Đường lên đỉnh Olympia năm 18 được đánh giá không "phức tạp", "mơ hồ" như yêu cầu năm 20. |
Dù đã nhanh chóng gửi hồ sơ dự thi từ sáng 14/8 - nửa ngày sau khi chương trình bắt đầu nhận hồ sơ, Trần Anh Tuấn (học sinh lớp 11 trường THPT Tánh Linh, Bình Thuận) vẫn chưa hết lo lắng.
"Em và một bạn cùng trường vốn định xin dấu nhà trường để cùng đăng thi vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, chương trình đưa ra thông báo với tiêu chí mỗi trường chỉ được chọn một thí sinh dự thi và hồ sơ nào gửi trước được xem xét trước khiến chúng em rất bất ngờ, phải thay đổi kế hoạch", nam sinh nói với Zing.vn.
Theo Tuấn, chữ "hợp lệ" trong điều kiện tuyển chọn hồ sơ khá mơ hồ. Bởi vậy, cậu băn khoăn không biết đơn đăng ký của mình có được chọn xem xét hay không.
"Em mong chương trình sẽ chia đều cơ hội cho thí sinh từ mọi miền. Nếu có thể, em mong BTC ra tiêu chuẩn tuyển thí sinh hợp lý về thời gian, số lượng như các năm trước", 10X Bình Thuận chia sẻ.
Thí sinh tỉnh xa thiệt thòi
Một thí sinh Olympia năm 19 cho biết cộng đồng Olympian vẫn chưa hết xôn xao khi nói về bản thông báo tuyển thí sinh năm 20.
Theo người này, sự đón nhận thông báo theo hướng tích cực gần như không có, nhưng phản ứng tiêu cực, buồn bã, lo lắng của các thí sinh chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký là khá nhiều.
Thành viên O19 khẳng định nếu năm ngoái "luật đăng ký mới" được áp dụng, bản thân đã không có cơ hội đi thi.
Theo đó, người này nộp đơn khá muộn, ngày 30/11/2018, sát thời điểm ghi hình 3. Sau khi đã xác định đợi đợt sau, ngày 6/12, thí sinh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ BTC thông báo đủ điều kiện dự thi.
Olympian này đánh giá quy định năm nay tạo cho chương trình tính hấp dẫn hơn khi thí sinh phải chạy đua giành một suất đi thi. Bên cạnh đó, nhà đài cũng sẽ tách được 144 thí sinh khá sớm.
Tuy nhiên, các thí sinh ở tỉnh xa thiệt thòi hơn các em ở miền Bắc do mất thời gian gửi bản đăng ký đến nơi.
"Khi nghe tới việc chương trình đưa ra một số thay đổi, mình mong điều đó là đổi mới format hay thêm câu hỏi thú vị... chứ không phải bổ sung quy định để tạo sự bất lợi cho thí sinh ở xa", thí sinh năm 19 nói.
Bên cạnh các ý kiến tranh cãi, nhiều thí sinh thích thú trước câu hỏi mới ở cuối bản đăng ký, bởi câu trả lời càng thú vị, học sinh càng dễ gây ấn tượng. Ảnh: BTC. |
Trước đó, một cựu thí sinh chia sẻ với Zing.vn một số bất cập có thể xảy ra khi chương trình chỉ nhận 144 hồ sơ tính theo dấu bưu điện.
Thứ nhất, tình trạng hồ sơ có cùng ngày đóng dấu và vượt quá 144 có thể xảy ra.
Thứ hai, việc giới hạn đến 144 hồ sơ tuyển sinh sẽ dẫn đến việc một số tỉnh thành ồ ạt gửi hồ sơ sớm để chiếm chỗ. Bởi vậy, những tỉnh thành ở gần thủ đô Hà Nội sẽ có lợi thế hơn các địa phương xa.
Thứ ba, việc muốn mau chóng gửi hồ sơ để tranh suất dự thi sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng thí sinh giảm.
"Chương trình nên nhận 200-300 hồ sơ đăng ký rồi lựa chọn sẽ công bằng hơn cho tất cả thí sinh", cựu thí sinh nói.