Những chiếc xe đạp được dán sticker phản đối quyền phá thai ở Paris. Ảnh: CNN. |
Kể từ khi ra mắt vào năm 2007, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng Vélib' ở Paris đã chứng tỏ sức hút đối với du khách và người dân địa phương. Họ coi đó như một cách dễ dàng để đi vòng quanh thủ đô nước Pháp, đặc biệt là vào mùa hè, khi các chuyến tàu điện ngầm nóng và đông đúc.
Tuy nhiên, năm nay, những chiếc xe đạp phổ biến này đã vô tình bị kéo vào một cuộc tranh cãi. Điều đó bắt nguồn từ một cuộc tranh luận gay gắt đang diễn ra trong lòng xã hội Pháp và châu Âu.
Trong những tuần gần đây, các nhà hoạt động đã dán nhãn quảng bá về những thông điệp bất ngờ từ chiến dịch phản đối quyền phá thai trên một số xe đạp Vélib', làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Các chính trị gia và nhóm ủng hộ quyền của phụ nữ lên án động thái này.
Phản ứng dữ dội
Các sticker (nhãn dán) bắt đầu xuất hiện vào tháng 5. Người dân Paris và du khách thức dậy và thấy những chiếc xe đạp công cộng được dán đề can thể hiện quá trình phát triển từ một bào thai thành một cậu bé trông vui vẻ đang đạp xe với khẩu hiệu: “Và nếu bạn để cậu bé sống?”.
Đề can này đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ các quan chức chính phủ. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo gọi điều này là "không thể chấp nhận được và bất hợp pháp”.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới của Pháp Isabelle Rome tuyên bố nước này sẽ không để bất kỳ ai làm tổn hại đến quyền phá thai.
Bộ trưởng Y tế Francois Braun mô tả chiến dịch dán nhãn này là "đáng xấu hổ". "Chính phủ sẽ luôn đứng về phía phụ nữ để đảm bảo quyền lựa chọn của họ”, ông tuyên bố.
Chiến dịch này liên quan đến một tổ chức có tên Les Survivants (tạm dịch: Những người sống sót), theo một tuyên bố được đăng trên website của tổ chức sau khi các nhãn dán bắt đầu xuất hiện.
Dịch vụ cho thuê xe đạp của Vélib trở nên phổ biến với người dân địa phương và khách du lịch kể từ khi ra mắt vào năm 2007. Ảnh: Shutterstock. |
Les Survivants cho biết tên của họ dùng để chỉ những người sinh sau năm 1975 đã “sống sót” trước mối đe dọa phá thai. Quyền phá thai đã được hợp pháp hóa tại Pháp vào năm đó.
Trong tuyên bố ngày 24/5, nhóm khẳng định hành động đó là lời đáp trả đối với những nỗ lực nhằm biến việc phá thai thành một quyền hiến định ở Pháp.
Suzy Rojtman, người phát ngôn của Tổ chức Quốc gia Pháp về Quyền Phụ nữ, cho biết chiến dịch này thể hiện nhu cầu cấp thiết đối với Pháp trong việc đạt được luật về phá thai.
“Những người dán những sticker này ‘sẽ rất vui mừng khi được xem xét lại quyền phá thai’”, Rojtman, một nhà vận động nữ quyền từ năm 1974, nói với CNN.
“Chúng tôi lo lắng, cảnh giác vì chúng tôi biết quyền này luôn có thể bị thách thức và Mỹ đã chứng minh điều này”, bà Rojtman chia sẻ thêm.
Cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu
Hồi năm 2022, Tòa án Tối cao Mỹ đã lật ngược phán quyết Roe v. Wade, vốn coi việc phá thai là một quyền hiến định của liên bang. Động thái đó đã gây ra một làn sóng chấn động khắp xã hội Pháp.
Đáp lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự ủng hộ với “những người phụ nữ có quyền tự do đang bị Tòa án Tối cao Mỹ hủy hoại”.
Trong những tháng tiếp theo, chính phủ Pháp đã trình một dự luật đưa quyền phá thai vào hiến pháp. Đề xuất này đã bị đình trệ sau khi các nhà lập pháp ở Hạ viện và Thượng viện bất đồng về cách diễn đạt liên quan đến dự luật.
Các nghị sĩ tại Hạ viện Pháp, nơi đảng của ông Macron chiếm nhiều ghế nhất, đã bỏ phiếu cho dự luật khẳng định việc phá thai là “quyền” trong hiến pháp, trong khi Thượng viện Pháp do phe bảo thủ thống trị chỉ đồng ý liệt kê việc phá thai là “quyền tự do”. Trong văn cảnh pháp lý của Pháp, “quyền” được chính phủ bảo vệ một cách tích cực hơn là “quyền tự do”.
Sticker được dán trên những chiếc xe đạp cho thuê của Vélib’. Ảnh: Twitter/Isabelle Rome. |
Bế tắc đó diễn ra trong bối cảnh một số nước láng giềng của Pháp chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ với quyền phá thai, đáng chú ý nhất là ở Italy. Tại quốc gia này, gần 70% bác sĩ từ chối thực hiện phá thai, khiến việc này trở nên khó khăn với nhiều phụ nữ.
Ở Tây Ban Nha, đảng Nhân dân trung hữu và đảng Vox cực hữu đã thách thức luật phá thai của nước này - vốn có hiệu lực từ năm 2010. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có động thái tương tự. Ba Lan và Hungary đã hạn chế tiếp cận phá thai.
Trong khi đó, Vélib’, công ty điều hành hệ thống xe đạp công cộng ở Paris, cho biết họ không hài lòng khi thấy những chiếc xe đạp của mình bị cuốn vào cuộc tranh luận.
Họ gọi chiến dịch dán nhãn này là không văn minh và khẳng định điều đó “có thể đã khiến công chúng bối rối”. Vélib’ cho biết họ đã bắt đầu hành động pháp lý đối với nhóm chống phá thai này.
“Thật sốc khi một số người phớt lờ tất cả quy định về quảng cáo”, Sylvain Raifaud, Chủ tịch của Vélib, tuyên bố. Ông đồng thời nhấn mạnh thủ phạm phải bị đưa ra trước công lý.
"Dù là gì đi nữa, quảng cáo trên xe đạp công cộng ở Paris đều bị nghiêm cấm”, AA dẫn lời ông.
Bên cạnh đó, ông Raifaud cũng hứa đưa những chiếc xe đạp về trạng thái ban đầu càng nhanh càng tốt. Vélib’ vẫn chưa xác nhận có bao nhiêu xe đạp bị ảnh hưởng và khi nào chúng sẽ về trạng thái ban đầu.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.