Ngay từ năm tổ chức đầu tiên của sự kiện Classic Hanoi Concert, cách đây 2 năm, cái tên mà người yêu nhạc cổ điển Việt Nam hướng tới nhiều nhất là Sir Simon Rattle, vị nhạc trưởng tài danh, huyền thoại sống của âm nhạc cổ điển thế giới, người sau khi để lại dấu ấn đậm nét tại Dàn nhạc Giao hưởng Berlin đã gắn bó và tạo nên tiếng tăm cùng Dàn nhạc Giao hưởng London (LSO).
Nhưng phải sau 2 năm liên tục tổ chức, cuối cùng ở đêm hòa nhạc tối 5/10, Sir Simon Rattle mới chính thức có mặt tại Việt Nam cùng LSO. Và ông đã thực sự làm thỏa lòng mong đợi của công chúng yêu nhạc cổ điển Việt Nam nói riêng mà cả những khán giả nước ngoài có mặt tại Hà Nội những ngày thu tháng 10 này.
Nhạc trưởng Sir Simon Rattle chỉ huy dàn nhạc. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nổi tiếng là một nhạc trưởng có trí nhớ tuyệt vời, người có thể chỉ huy những bản giao hưởng đồ sộ của Gustav Mahler mà không cần bản nhạc trước mặt, Sir Simon Rattle cũng là một nhạc trưởng có sức hút đặc biệt khi đứng trên bục chỉ huy.
Lịch làm việc dày đặc và dù đã ở tuổi ngoại lục tuần nhưng nhạc trưởng người Anh vẫn thể hiện một trường cảm xúc mạnh mẽ và sự tập trung cao độ khi nốt nhạc đầu tiên cất lên cho tới nốt nhạc cuối cùng.
Đêm nhạc mở đầu với bản quốc ca Việt Nam trang nghiêm và hào hùng. Với cá nhân người viết, mỗi khi nghe bản quốc ca được trình diễn bởi một dàn nhạc giao hưởng quốc tế lớn là một lần cảm xúc thật đặc biệt. Điển hình là trong buổi trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng New York đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với sự chỉ huy của nhạc trưởng Alan Gilbert tại nhà hát Lớn Hà Nội. Và trong đêm 5/10 là Dàn nhạc Giao hưởng London cùng Sir Simon Rattle. Để ý có thể thấy mỗi bản trình diễn của những dàn nhạc quốc tế với bản quốc ca Việt Nam không hề giống nhau nhưng sự hào hùng thì dường như là mẫu số chung không thể thay thế.
Dàn nhạc với tuổi đời 115 năm này vốn đã gây dựng được tiếng tăm nhờ một mảng trình diễn rất đặc biệt, nhạc phim và các dự án “giao hưởng hóa” các tác phẩm âm nhạc của những nhóm nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng như Queen, The Beatles… Không ít “tai già” và các tay chơi âm thanh lâu năm ở Việt Nam sở hữu các bản ghi âm này như những đĩa nhạc “phải có trong bộ sưu tập”.
Thực tế, ở 2 lần biểu diễn trước cũng tại phố đi bộ Hà Nội, LSO đã nhận được sự tán thưởng đặc biệt khi chơi những tác phẩm như nhạc phim Star Wars hay Indiana Jones. Tuy nhiên, năm nay LSO mang đến cho khán giả Việt Nam một buổi diễn với những tác phẩm thuần cổ điển.
Nhạc mục chính bắt đầu bằng bản Roman Carnival Overture của Hector Berlioz. Phần hai của chương trình là chùm 3 tác phẩm của Gustav Mahler, Antonin Dvorak và Johannes Brahms thể hiện sự tinh tế đặc biệt trong lựa chọn và xây dựng nhạc mục tác phẩm. Đây không chỉ là một “lược sử rút gọn” của âm nhạc cổ điển thời kỳ Lãng mạn và Cận đại mà các tác giả, tác phẩm được lựa chọn trình diễn cũng có mối liên hệ, gắn kết đặc biệt.
100 nhạc công quốc tế biểu diễn trên phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Có lẽ Gymnopedie No 1 của nhà soạn nhạc người Pháp Erik Satie là tác phẩm “khó” cho người nghe nhất trong buổi diễn. Nếu đã từng biết đến và thưởng thức bộ 3 tác phẩm Gymnopedie hẳn sẽ dễ cho người nghe đặc biệt là khán giả đại chúng hơn khi tiếp xúc với bản nhạc này. Đặc biệt đây cũng không phải tác phẩm dễ cảm nhận trong một không gian trình diễn ngoài trời, ít nhiều vẫn không tránh được sự tác động của những âm thanh xung quanh không gian trình diễn.
Buổi diễn khép lại với The Young Person’s Guide to the Orchestra của nhà soạn nhạc người Anh Benjamin Britten. Một tác phẩm rất đáng giá cho những người nghe mới bắt đầu tiếp xúc và muốn thực sự hiểu hơn về dàn nhạc giao hưởng. Đây cũng là tác phẩm thể hiện rõ nét đẳng cấp và tài năng các nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng London.
Từ một chủ đề âm nhạc của Henry Purcell, Britten đã xây dựng một bản nhạc triển khai cho từng bè thậm chí từng nhạc cụ trong dàn nhạc để thấy sự phong phú của âm nhạc cổ điển.
Buổi hòa nhạc kết thúc trong những tràng pháo tay không ngừng của khán giả may mắn trực tiếp thưởng thức buổi diễn cũng như rất nhiều người xem qua màn hình lớn được đặt trên phố đi bộ. Những tràng pháo tay không chỉ thể hiện sự tán thưởng mà dường như cả sự cảm ơn cơ hội thưởng thức âm nhạc cổ điển đích thực bởi một dàn nhạc và nhạc trưởng hàng đầu thế giới.
Nhiều bạn trẻ theo dõi chương trình nhạc giao hưởng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Không có “giai điệu thân quen” nào được cất lên ở phần encore (biểu diễn ngoài nhạc mục) nhưng dường như đó chính là thông điệp mà LSO muốn gửi gắm tới người nghe nhạc, hãy nghe bằng trái tim và tâm hồn, hãy mở lòng với âm nhạc và nhạc cổ điển hay nhạc bác học sẽ đơn giản chỉ là âm nhạc mà thôi. Những mặc định “khó lắm”, “không hiểu” đôi khi lại chính là rào cản hạn chế sự thưởng thức của chúng ta.
Giống như chính Sir Simon Rattle từng chia sẻ: “Các bạn hãy tới thưởng thức âm nhạc và điều tôi mong nhất là các bạn sẽ về tìm những tác phẩm mà chúng tôi trình diễn để nghe lại. Vì đó chính là thưởng thức.”
Những người yêu nhạc cổ điển ở Việt Nam đã có được một đêm nghe nhạc không thể tuyệt vời hơn. Và giờ đây, điều mà họ mong chờ là năm sau LSO sẽ trở lại.