Ngày 12/4, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân và ý kiến của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình tổng thể (lần 2), Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện, trình Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua ngày 27/7.
Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Chương trình cấp tiểu học. |
Cụ thể, cấp tiểu học có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc như sau: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5), Khoa học (ở lớp 4, lớp 5), Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương).
Các môn học tự chọn bao gồm Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).
Ở cấp THCS, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Chương trình cấp THCS. |
Các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.
Các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.