Chiều 18/10, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng An toàn thực phẩm, cho biết Bộ Y tế đang tiến hành kiểm tra toàn diện chất lượng nước mắm trên thị trường. Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/10.
Bà Nga cũng khẳng định kết quả kiểm tra nhiều mẫu nước mắm có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố chiều 17/10 là cuộc điều tra độc lập của hội. Kết quả này đang được Bộ Y tế kết hợp Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác minh.
Còn theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng asen tổng cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1 mg/l. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm sẽ xác minh và làm rõ kết quả kiểm tra của Vinastas.
“Khi tiếp nhận các thông tin về an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, xác minh. Kết quả sẽ được báo cáo thủ tướng và người dân. Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định trong thời gian chưa có kết luận của cơ quan chức năng, người dân không nên hoang mang”, bà Nga cho hay.
Người tiêu dùng chọn mua nước mắm tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: HTD. |
Về thông tin nước mắm được chế tạo từ nước và hóa chất, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khẳng định: “Chúng tôi chưa thấy loại nào được gọi là nước mắm mà không chứa thành phần nước mắm trong đó. Những cơ sở dùng các chất phụ gia nằm trong danh mục cho phép thì về nguyên tắc, nếu không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, nó không nguy hại. Quy chuẩn quốc tế không giới hạn số lượng phụ gia tối đa được dùng trong một loại thực phẩm”.
Theo bà Nga, Việt Nam có nhiều quy chuẩn trong lĩnh vực nước mắm, trong đó vao gồm quy chuẩn về kim loại nặng, vi sinh vật.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho biết việc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tuyên bố 95,65% nước mắm có độ đạm cao có chứa nhiều asen - nhưng không nói rõ là arsen hữu cơ hay vô cơ - có thể ảnh hưởng đến những nhà sản xuất nước mắm chứa nhiều đạm. Hiện nay, việc sản xuất nước mắm nhiều đạm đang được khuyến khích.
PGS Thịnh cho rằng, hội cũng không đưa ra cảnh báo mức độ an toàn cho sản phẩm, mà để người tiêu dùng tự phân tích, tìm hiểu nên càng hoang mang.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học (Đại học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho biết việc công bố thông tin nước mắm nhiễm asen không rõ ràng. Thông tin đưa ra không cho biết đây là kết quả của phòng thí nghiệm nào, có đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định hay không. Thông tin đưa ra cũng không có ý kiến của chuyên gia an toàn thực phẩm.
“Đây là công bố khiến dư luận rất hoang mang. Nếu phân tích có trách nhiệm, phải đưa ra ra mức độ asen không nguy hiểm, người dân có thể ăn nước mắm, chứ không thể mập mờ như vậy”, PGS. Trần Hồng Côn nói.
Ngày 17/10, Vinastas công bố khảo sát các mẫu nước mắm bán trên thị trường về các chỉ tiêu ATTP. Kết quả cho thấy, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Đặc biệt, 67% số mẫu nước mắm có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể: 101/150 mẫu có hàm lượng asen trên 1 mg/lít, và thậm chí 5 mg/lít (hàm lượng asen cho phép là 1 mg/lít). Đặc biệt, theo kết qua khảo sát, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, hàm lượng asen càng tăng. 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40 đều có hàm lượng asen vượt ngưỡng.