Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông tư thi tốt nghiệp sai luật: Bộ Giáo dục sẽ sửa

Xung quanh quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013, một số chuyên gia giáo dục cho rằng quy chế này đang vi phạm luật khiếu nại tố cáo và hạn chế người tố cáo tiêu cực.

Thông tư thi tốt nghiệp sai luật: Bộ Giáo dục sẽ sửa

Xung quanh quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013, một số chuyên gia giáo dục cho rằng quy chế này đang vi phạm luật khiếu nại tố cáo và hạn chế người tố cáo tiêu cực.

Ngày 26/2, Bộ GD - ĐT ban hành thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2013. Trong đó, quy chế mới quy định người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào.

Ngay sau khi quy chế này được đưa ra, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia không đồng tình và cho rằng quy chế mới đang hạn chế người tố cáo gian lận thi cử.

Hạn chế người tố cáo tiêu cực?

Nhận xét về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013, thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng quy chế này của Bộ GD - ĐT đã vi phạm luật báo chí, luật khiếu nại tố cáo.

Thầy Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh: “Bộ GD - ĐT không có quyền ban hành một quy định trái với các luật khác như vậy”.

Thầy Khoa dẫn ra lập luận việc Bộ yêu cầu người có bằng chứng vi phạm phải gửi tới nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày là cũng không đúng với luật khiếu nại tố cáo. Theo quy định của luật khiếu nại tố cáo, thời gian tố cáo vi phạm có thể kéo dài vài năm.

Về quy định không được phát tán thông tin cho người khác, trong đó có cả báo chí, theo ông Khoa điều này càng khiến cho việc sai phạm khó được đưa ra ánh sáng.

Thầy Đỗ Việt Khoa.

Thầy Khoa kể lại, bản thân ông đã từng chuyển các bằng chứng vi phạm trong thi tốt nghiệp THPT tới tỉnh nhưng tỉnh cũng không bao giờ giải quyết, gửi tới Bộ lãnh đạo Bộ cũng bỏ chạy không ai dám giải quyết vụ việc.

“Vậy thì chúng tôi chỉ còn tin tưởng ở báo chí vì đó là công cụ đấu tranh hữu hiệu duy nhất hiện nay. Vậy thì không chuyển báo chí thì chuyển cho ai?”, thầy Khoa nhấn mạnh.

Đối với quy chế mới về thi tốt nghiệp THPT, thầy Khoa cho rằng sẽ có rất ít học sinh đứng lên chống tiêu cực vì sợ phiền hà.

Cũng đồng tình với ý kiến của thầy Đỗ Việt Khoa, PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho rằng quy định mới không đúng với pháp luật, trái với luật khiếu nại tố cáo.

PGS Văn Như Cương.

PGS Văn Như Cương khẳng định: “Vì vậy Bộ GD-ĐT nên xem lại quy định này. Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 tưởng là mở ra nhưng thực tế là đóng lại”.

Vị hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho rằng trong một xã hội mà có hiện tượng tiêu cực thì phát hiện ra tiêu cực là điều hết sức quan trọng. Vì nếu không phát hiện tiêu cực thì tiêu cực vẫn nằm im ở đó.

Khi phát hiện ra tiêu cực mọi người phải có quyền được có ý kiến, được đăng lên báo, tố cáo đến cơ quan chức năng.

“Thứ nhất, nếu tôi tố cáo không đúng thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm và xử lý và thậm chí đưa ra tòa án. Còn nếu tôi đúng, thì cơ quan có thẩm quyền phải phải xử lý. Đây là nguyên tắc đầu tiên trong việc chấp nhận tố cáo”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Theo quy chế mới này, trường hợp như người tố cáo gian lận thi cử tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô năm 2012 sẽ vi phạm quy chế và bị xử lý.

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, quy định mới sẽ khiến những người muốn tố cáo không còn có nhiệt huyết để phản ánh tiêu cực vì chẳng mang lại được lợi ích gì.

Chống tiêu cực không chỉ bằng một quy định

Trước những ý kiến phản hồi của dư luận về Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013, sáng qua (28/2) đại diện Bộ GD - ĐT cho biết đã tiếp nhận và đang trong quá trình làm việc với Bộ Tư pháp để hoàn thiện thông tư này.

 

Bộ sẽ bổ sung nội dung mới và công bố lại quy chế thi tốt nghiệp 2013 sớm nhất vào cuối tuần này.

Hôm qua, tại phiên họp chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định "Quả thật việc này không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục đã chỉ đạo rà soát lại và trên tinh thần trái như vậy thì phải sửa theo đúng quy định pháp luật".

Nói về việc chống tiêu cực trong giáo dục, thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng thực tế việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang máy ghi hình, ghi âm vào phòng thi, đây là những công cụ thu thập chứng cứ sai phạm và là tín hiệu tốt.

Nhưng mọi người đừng tin tưởng và hy vọng rằng quy định này chống được tiêu cực hoàn  toàn. Vì muốn chống tiêu cực trong giáo dục còn rất nhiều việc phải làm. Không chỉ có tiêu cực về thi cử mà còn có tiêu cực về tham nhũng, về tài chính…

“Vì vậy việc chống tiêu cực phải được làm đồng bộ, chứ không chỉ có cho học sinh đi thu thập chứng cứ để Bộ GD-ĐT xử lý”, thầy Khoa nhấn mạnh.

Người đương thời Đỗ Việt Khoa cho rằng quy định hiện nay đã giao quyền xử lý tiêu cực thi cử cho UBND và các Sở GD-ĐT các tỉnh nhưng do vẫn còn sự nể nang từ cấp trên nên việc xử lý vi phạm không hiệu quả. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT có muốn xử lý cũng không có quyền can thiệp. Điều này thấy rõ ở việc xử lý tiêu cực ở Phú Xuyên A năm 2006 hay tiêu cực ở Đồi Ngô năm 2012 vừa qua, địa phương giải quyết qua loa đại khái.

Về giải pháp đưa ra, thầy Khoa kiến nghị: “Nếu Bộ GD-ĐT nên chấp nhận đưa bằng chứng ra báo chí tạo sức ép dư luận để các địa phương đó phải xử lý nghiêm túc các sai phạm”.

Đồng tình với ý kiến này, PGS Văn Như Cương cũng cho rằng báo chí phải đóng vai trò tích cực trong vấn đề phản ánh và chống tiêu cực .

“Vai trò báo chí rất quan trọng, nhưng phải khai thác đúng phải có những bằng chứng chắc chắn, điều tra cụ thể rồi mới có thể đưa lên. Vụ việc gian lận tại Đồi Ngô vừa qua, chính báo chí vừa rồi đã làm được việc đó”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

Trên Người Đưa Tin, luật gia Giang Văn Quyết (chi hội Đông Đô, Hà Nội) cho rằng quy định này của Bộ GD – ĐT có phần khá lạ lùng, vì khác biệt so với sự công khai minh bạch trong cơ chế quản lý nhà nước mà chúng ta vẫn đang có chủ trương khuyến khích kêu gọi.

Việc phản ánh các thông tin tiêu cực bằng các hình thức khác như gửi cho cơ quan báo chí, truyền thông, đáng lẽ cần phải được khuyến khích chứ không thể ngăn cấm những quyền cơ bản này. Ngay cả luật khiếu nại tố cáo cũng ghi nhận quyền dân sự của người dân.

Tuy nhiên, luật gia cũng cho rằng không nên tùy tiện phát tán những clip, bằng chứng phản ánh tiêu cực lên mạng internet mà trước tiên nên cung cấp thông tin bằng chứng đó cho cơ quan đơn vị có thẩm quyền xử lý giải quyết.

An Hoàng – Thiên Trường

Theo Infonet

An Hoàng – Thiên Trường

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm