Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Three seasons’: Mùa hi vọng mới là mùa chính của Sài Gòn

“Ba mùa” (Three Seasons) rất đặc biệt. Đó là bộ phim Mỹ đầu tiên hợp tác với Việt Nam và được quay hoàn toàn tại Việt Nam, ba năm sau khi Tổng thống Bill Clinton xóa bỏ cấm vận.

Trailer phim 'Ba mùa' "Ba mùa" là tác phẩm của đạo diễn gốc Việt Tony Bùi, được quay hoàn toàn tại Việt Nam, ra mắt vào năm 1999.

Ba mùa cũng là bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Tony Bùi, được thực hiện khi anh mới 26 tuổi. Và lần đầu tiên trong lịch sử của LHP độc lập Sundance (Mỹ), tác phẩm này giành cả hai giải thưởng phim hay nhất do cả ban giám khảo lẫn khán giả bình chọn, cùng một giải quay phim xuất sắc nhất.

Cùng với cái tên Trần Anh Hùng nổi danh tại nước Pháp, Tony Bùi là đại diện nổi bật của thế hệ những nhà làm phim Việt kiều ở Mỹ chọn Việt Nam làm đề tài, bối cảnh và sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính cho bộ phim.

Khác với những bộ phim Mỹ thành công lớn trong hai thập niên 70 - 80 lấy chủ đề chiến tranh Việt Nam nhưng được quay ở một nước thứ 3, Ba mùa mô tả đời sống hiện đại của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung khoảng 20 năm sau khi cuộc chiến kết thúc với chất thơ, sự mê hoặc và bí ẩn đan xen. Đặc biệt, phim được quay hoàn toàn tại Việt Nam.

Mùa nắng, mùa mưa và mùa hi vọng

Ba mùa không có một câu chuyện chủ đạo mà bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ đan xen vào nhau, như những mảnh ghép tưởng rời rạc nhưng tạo thành một bức tranh sống động và đầy màu sắc. Những sự tương phản và đối lập xen kẽ nhau xuyên suốt bộ phim.

Truyền thống và hiện đại, chất thơ và sự bí ẩn, sự trần trụi và thơ mộng, cuộc sống đường phố khắc khổ và làn sóng Tây hóa bắt đầu xâm lấn trong những khách sạn, nhà hàng 5 sao...

Tony Bùi đã tài tình nắm bắt những khoảnh khắc diễn ra trên bề mặt cuộc sống đang cuộn chảy lẫn những lớp ẩn sâu bên trong tâm hồn của những kẻ đang tìm kiếm hay hi vọng một điều gì đó cho cuộc sống phần nhiều đang bế tắc của họ.

Phim kinh dien Viet Nam: Ba mua anh 1
Poster phim Ba mùa

Đúng vậy, Ba mùa theo lý giải của Tony Bùi là mùa nắng, mùa mưa và mùa hi vọng. Câu chuyện của 6 nhân vật chính trong bộ phim tưởng độc lập nhưng thực ra gắn kết với nhau theo từng đôi, tạo thành những cặp câu chuyện song hành.

James Hager (ngôi sao Hollywood Harveil Keitel đóng, ông đồng thời là nhà sản xuất của bộ phim) là một cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Sài Gòn để tìm đứa con gái mà ông bỏ lại sau chiến tranh. Hàng ngày ông ta ngồi trên chiếc ghế trước cổng khách sạn, nhìn mông lung vô định về phía trước.

Ông gặp Woody (Nguyễn Hữu Được), cậu bé con lai bán hàng rong (kẹo cao su, bật lửa) trong chiếc hộp gỗ có dây đeo trên cổ. Trong một lần Woody vào quán bar để mời James mua đồ, cậu bé được ông ta mời một chai bia và khi tỉnh dậy, cả ông người Mỹ lẫn hộp đồ của cậu ta đều biến mất. Nghĩ ông ta đánh cắp hộp đồ của mình, Woody bắt đầu những cuộc tìm kiếm trong màn mưa của Sài Gòn.

Hải (Đơn Dương đóng), một người đạp xích lô thường đậu trước cổng các khách sạn hạng sang để chở khách nước ngoài. Và tại đó, anh gặp Lan (Zoe Bùi), một cô gái điếm phục vụ ở các khách sạn đang chạy trốn một cuộc truy đuổi.

Sự bí ẩn, một chút bất cần và vẻ đẹp lạ lẫm của cô gái gọi chinh phục Hải ngay từ lần đầu tiên, để rồi hàng ngày anh đều đứng trước cổng đợi cô sau mỗi lần phục vụ khách, cho dù cô luôn tìm cách khước từ.

Những cuộc tìm kiếm của riêng mình

Và cặp nhân vật song hành tiếp theo là Kiến An (Ngọc Hiệp), một cô gái được thuê hái sen trắng trong một đầm sen, nơi có ngôi đền của ông chủ không bao giờ thấy mặt, rồi mang ra phố bán. Trong một lần hái sen trên đầm, Kiến An cất tiếng hát bài được phổ nhạc từ những câu ca dao xưa (bộ phim sử dụng bản nhạc Đố ai của nhạc sĩ Phạm Duy).

Tiếng hát của cô đã đánh thức những ký ức của người chủ của đầm sen -  thầy Đào (Trần Mạnh Cường), một bệnh nhân mắc bệnh phong và chọn cách lánh mình trong bóng tối của ngôi đền giữa đầm sen. Từ đó, ông cho cô vào phòng gặp mình và đề nghị Kiến An chép lại những vần thơ mà ông sáng tác...

Mỗi nhân vật trong số họ đều có những cuộc tìm kiếm của riêng mình, những cuộc tìm kiếm vừa vô vọng vừa hi vọng mà người này vừa là lý do vừa là chất xúc tác cho những cuộc tìm kiếm của người kia và ngược lại.

Hình ảnh cậu bé Woody đi tìm James và thùng đồ bị đánh cắp của mình phần nào gợi nhớ đến bộ phim tân hiện thực kinh điển của Ý là Kẻ cắp xe đạp (The Bicycle Thief). Cậu bé lai có cái tên Tây này đi tìm người đàn ông Mỹ mà cậu nghĩ đánh cắp thùng đồ của mình, trong khi ông ta cũng đang đi tìm kiếm đứa con gái lai mà ông ta đã bỏ rơi trong chiến tranh.

Câu chuyện tình đơn phương lãng mạn giữa anh xích lô nghèo và cô gái điếm khiến ta liên tưởng đến những bộ phim câm lãng mạn thời đầu của Charlie Chaplin.  Mỗi người trong số họ đều có những cuộc tìm kiếm khác nhau.

Hải tìm kiếm sự đồng điệu, trong khi Lan tìm kiếm một đời sống khá giả như những kẻ cô đang phục vụ để chạy trốn khỏi bi kịch nghèo đói, bất công mà mẹ cô từng gánh chịu, như câu nói của cô với Hải, “mặt trời mọc cho họ chứ cho phải cho mình đâu anh?”.

Phim kinh dien Viet Nam: Ba mua anh 2
Ngọc Hiệp trong Ba mùa.

Cho dù khác biệt như vậy, Hải vẫn dành cho Lan một sự quý mến và trân trọng niềm hi vọng của cô. Khi nghe cô thổ lộ mơ ước được ngủ một đêm trong một căn phòng máy lạnh, anh đã tham gia một cuộc đua xích lô để lấy tiền thưởng giúp giấc mơ của cô trở thành sự thật.

Khi nghe cô kể về kỷ niệm thời học trò trong sáng với những cánh phượng mùa hè cài lên mái tóc, anh cũng biến ký ức của cô trở lại một lần nữa trên con đường phượng đỏ trong một cảnh tuyệt đẹp ở đoạn cuối của phim. 

Hơn cả một tình yêu đơn phương dành cho cô, sự nhẫn nại và bao dung của Hải dường như muốn tìm kiếm và đánh thức những vẻ đẹp trong sáng  mà cô đã đánh mất bởi đời sống mưu sinh.

Câu chuyện của thầy Đào và Kiến An lại là một cuộc tìm kiếm vẻ đẹp của tâm hồn và tinh thần của người phương Đông, nơi những đóa sen trắng biểu tượng cho vẻ đẹp thanh khiết đã đánh mất trong quá khứ, nơi người ta quan niệm thể xác chỉ là chốn trú ngụ tạm thời của linh hồn...

Một Sài Gòn trần trụi và thơ mộng

Câu chuyện của những cặp nhân vật song hành ấy diễn ra trên một Sài Gòn vừa hiện thực vừa đầy chất thơ hiện ra qua những bước chân và nơi chốn mà họ đặt chân đến hoặc gặp nhau, đi qua nhau.

Những cảnh có cậu bé Woody xuất hiện hầu hết là những cảnh mưa, nhất là lúc cậu bé đứng bán hàng trước cổng khách sạn hoặc đi tìm kẻ đã lấy cắp thùng đồ của mình.

Chiếc xích lô của Hải chở Lan đi thường là những cảnh đêm, đi từ những con phố trung tâm, những khách sạn hạng sang qua những khu nhà ổ chuột, những con đường tất bật mưu sinh. Kiến An luôn xuất hiện trong những cảnh hái sen buổi sáng trên đầm với màu sắc bảng lảng mờ ảo và có chút gì đó huyền hoặc.

Ống kính của nhà quay phim Lisa Rinzler đã ghi lại trọn vẹn vẻ đẹp vừa trần trụi vừa thơ mộng của Sài Gòn, một thành phố dường như mới thức giấc và đang lao về phía trước trong dòng chảy cuồn cuộn của phương Tây hóa.

Trong một cảnh quay, hình ảnh tấm quảng cáo có chữ Coca-cola đầy chủ ý lớn đập vào mắt người xem. Những góc máy từ trên cao mô tả một Sài Gòn hỗn tạp, trong khi những cú travelling theo nhân vật trong cảnh đua xích lô ghi lại những hình ảnh khổ cực của một đời sống bừa bộn khác lướt qua ống kính.

Những cảnh mưa đêm đặc biệt gợi nhớ đến vẻ đẹp ẩm ướt nóng bức của xứ sở nhiệt đới, trong khi những cảnh trên đầm sen buổi sáng tạo nên vẻ đẹp thanh khiết của tâm hồn.

Sự đối lập của Sài Gòn cũng được thể hiện trong những cảnh phim tương phản cao độ: những khu nhà ổ chuột xập xệ và những khách sạn hạng sang, những cuộc sống lề đường và những đại công trường mới mọc lên.

Phim kinh dien Viet Nam: Ba mua anh 3
Ba mùa giành hai giải thưởng tại LHP Sundance.

Và rất nhiều hiện thực trần trụi khác của Sài Gòn: mãi dâm, nghèo đói, trộm cắp... cũng được diễn tả lại qua những góc máy đầy sáng tạo. Dù vậy ta không có cảm giác đang xem một bộ phim tài liệu hay “tân hiện thực” kiểu mới mà là một tác phẩm đậm màu sắc ngụ ngôn về sự đánh mất và những cuộc tìm kiếm, về sự vô vọng song hành với hi vọng.

Và đến cuối chặng hành trình của mỗi nhân vật, cho dù Tony Bùi để những kết thúc mở, anh chàng đạo diễn trẻ vừa lãng mạn bay bổng vừa đầy tham vọng kể một câu chuyện đa tuyến có cấu trúc xoắn bện này vẫn mang đến cho chúng ta niềm tin về sự thay đổi.

Và mùa hi vọng mới đích thực là mùa chính của Sài Gòn, của Ba mùa.

Ba mùa

Open City Films & Hãng phim Giải Phóng (1999). 

Đạo diễn: Tony Bùi

Kịch bản: Timothy Linh Bùi & Tony Bùi

Quay phim: Lisa Rinzler

Âm nhạc: Richard Horowitz       

Diễn viên: Đơn Dương, Ngọc Hiệp, Zoe Bùi, Harveil Keitel, Nguyễn Hữu Được

Giải thưởng: Phim hay nhất do Ban giám khảo (Grand Jury Prize) và Khán giả bình chọn (Audience Award), Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Sundance của Mỹ năm 1999. Đề cử Gấu vàng tại LHP Berlin 1999.

‘Cánh đồng hoang’ - bản hùng ca trữ tình của điện ảnh Việt

Là tác phẩm duy nhất của điện ảnh Việt Nam giành giải thưởng cao nhất ở một LHP quốc tế, sau gần 40 năm "Cánh đồng hoang" (1979) vẫn là một trong những bộ phim kinh điển nhất.

'Bao giờ cho đến tháng Mười': Kinh điển từ những điều giản dị

"Bao giờ cho đến tháng Mười" trở thành một kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam sau chiến tranh và giành nhiều giải thưởng quốc tế.




Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm