Chim đại bàng là một trong những loài nằm trong danh mục các loài động vật hoang dã, thuộc nhóm quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, hành vi nuôi nhốt nếu không được cơ quan chức năng cấp phép đều vi phạm pháp luật.
Mê nuôi vật cưng
Anh Ngô Hồng Thiện (ngụ phường Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai), có gần 5 năm nuôi chim ưng và đại bàng. Anh Thiện cho biết đại bàng non thường có cân nặng khoảng 0,5 kg. Sau 2 năm tuổi, nó sẽ quý và đắt hơn. Khi trưởng thành chim nặng khoảng 4-5 kg, sải cánh có thể đạt trên 2 m.
Huấn luyện, thuần dưỡng chim “vua”. |
Đa số chim đại bàng được nuôi đều phải nhập từ nước ngoài về, có giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc, người chơi mới yên tâm. Bởi số tiền mua chúng không hề nhỏ, nếu xảy ra sự cố, người chơi phải kịp thời liên hệ nơi “bảo hành”.
Hiện tại, anh Thiện sở hữu một đại bàng biển trưởng thành (3 tuổi) và một con khác ở thời kỳ huấn luyện. Chim “vua” được anh coi như “bảo bối”.
Đặc điểm của loài chim lớn là mỏ và móng vuốt dài, sắc như dao nhọn, có khả năng sát thương rất lớn. Để bế và cho chim đậu trên vai hoặc cánh tay, người chơi thường mang bao tay da nhằm tránh móng vuốt.
“Nhà” ở cho đại bàng không quá cầu kỳ như những giống chim cảnh khác. Người chơi chỉ cần lấy gốc cây khô có nhiều nhánh dựng lên rồi buộc chân đại bàng vào.
“Miễn sao không gian xung quanh rộng rãi để chim có thể di chuyển, vỗ cánh. Nhưng cũng có người chịu chơi làm hẳn chiếc chuồng lớn với diện tích gần chục mét vuông” - anh Thiện nói.
Người chơi cũng không ít lần mất ăn quên ngủ, luôn phải theo dõi chặt chẽ, kiểm soát trọng lượng cơ thể chúng để có phương pháp nuôi dưỡng hợp lý. Khi chim hơn một năm tuổi, chủ bắt đầu huấn luyện, cho nhiều thức ăn, như chuột, chim cút, chim sẻ… để đại bàng phát triển lông, cân nặng. Mỗi ngày cho chim ăn 2 bữa, với khối lượng khoảng 0,3-0,5 kg thịt các loại.
“Người nuôi chim đại bàng cần có khả năng tài chính, quỹ thời gian dư dả và vốn hiểu biết về đặc tính sinh sống của chúng. Không phải ai cũng nuôi được đại bàng vì nó là loài khó tính, quen sống trong hoang dã, chỉ cần nuôi sai cách là chim không thể ở lâu” - anh Thiện chia sẻ.
Phải có giấy phép
Anh Đặng Ngọc Bình (ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa), cho biết số lượng người chơi chim “vua” ngày càng tăng. Hiện nuôi đại bàng là mốt chơi độc được nhiều người sành chơi, nhiều tiền của tìm nuôi.
Đại bàng mua về nuôi đa số là chim non nhằm dễ huấn luyện và thuần hóa. Hầu hết vật nuôi này đều lấy từ các “mối” lớn ở TP HCM hoặc những người chơi trong nhóm bán lại.
“Theo tôi biết, đại bàng được nuôi hiện nay phải mua từ nước ngoài, giá một con chim non từ 700.000 đến 2 triệu đồng tùy loại” - anh Bình nói thêm.
Câu lạc bộ nuôi chim “vua” của nhóm bạn trẻ ở Biên Hòa. |
Dù thú chơi này đang trở thành phong trào và được nhiều người hưởng ứng nhưng những người nuôi đại bàng hay các giống chim hoang dã ở Đồng Nai hiện chưa một ai có giấy phép cấp nuôi của cơ quan chức năng, dù họ có giấy tờ chứng nhận mua bán, nguồn gốc rõ ràng.
Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết: “Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì chim đại bàng nằm trong nhóm 2B, thuộc loài động vật quý hiếm, cần được bảo vệ. Tất cả những hành vi săn bắt, tàng trữ cũng như buôn bán, nuôi nhốt các giống đại bàng này đều trái pháp luật”.
“Ngoài ra, với Nghị định 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo… các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nếu trường hợp chủ nhân chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, phải đăng ký với kiểm lâm sở tại để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Dù nuôi bất cứ giống chim hoang dã nào cũng phải có giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện của cơ quan chức năng, không có sẽ bị xử lý” - ông Dũng nói thêm.