Đó chính là môn ném đĩa, có tên tiếng Anh là Ultimate, có nguồn gốc ở Mỹ. Luật chơi môn ném đĩa tương đối đơn giản. Người chơi ném đĩa được chia làm hai đội, mỗi đội 5-7 người, có thể chơi chung cả nam lẫn nữ.
Sân thi đấu có chiều dài 100 m, chiều ngang 37 m, trong đó 18 m cuối mỗi đầu sân được dành cho khu vực ghi điểm gọi là End zone - tương tự như môn bóng bầu dục.
Để ghi điểm, phải ném được đĩa vào khu vực End zone, đồng thời đồng đội cũng phải bắt được đĩa trong khu vực đó. Trong khi thi đấu, cầu thủ đội này không được chạm vào người đội kia. Người cầm đĩa cũng không được chạy mà phải đứng yên tại chỗ để ném đĩa cho đồng đội trong vòng 10 giây. Thời gian thi đấu mỗi trận từ 60-90 phút. Đội giành được 15 điểm trước, đội đó sẽ giành chiến thắng chung cuộc mà không cần hết thời gian thi đấu.
Theo dõi một trận đấu ném đĩa, có thể nhận thấy, tuy là môn thể thao mang tính đối kháng, nhưng hầu như không mấy khi có va chạm, mặc dù đôi bên đều thi đấu khá quyết liệt. Anh Trần Nguyễn Quang, Chủ nhiệm CLB ném đĩa bay Hà Nội (HUC) giải thích, ném đĩa bay mang tính cạnh tranh cao nhưng đề cao tinh thần tự giác và “fair play”, nếu có va chạm sẽ tự giải quyết và các trận đấu cũng không cần có trọng tài.
Chị Nguyễn Thị Phương Trà, giáo viên khoa Việt Nam học, Đại học KHXH&NV cho biết, điều thú vị ở bộ môn này là rất thư giãn, không quá nặng như các môn khác. Đến với ném đĩa đã gần 5 năm nay, bộ môn lạ mang lại cho chị một cơ thể săn chắc, khỏe mạnh.
Chị Megan Novoa (thành viên CLB HUC) biết đến ném đĩa tại quê hương từ lâu, nhưng đến khi sang Việt Nam làm việc, chị mới bắt đầu tập chơi. “Ném đĩa giúp cho tâm hồn thư thái, khỏe mạnh sau mỗi ngày làm việc căng thẳng”, chị Megan vui vẻ nói.
Ở Việt Nam, cứ tháng 12 hàng năm đều có một giải ném đĩa quốc tế được tổ chức. Cộng đồng những người chơi ném đĩa tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Một số câu lạc bộ đang hoạt động khá sôi nổi như Saigon Ultimate Club, RMIT Ultimate Club, Big Eye tại TP HCM hay Hanoi Ultimate Club (HUC).