Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thú chơi xe đạp 'khủng' giá ngàn USD

Nhiều người không ngần ngại bỏ ra hàng ngàn đô "tậu" một chiếc xe đạp để thỏa mãn thú chơi của mình.

Thú chơi xe đạp 'khủng' giá ngàn USD

Nhiều người không ngần ngại bỏ ra hàng ngàn đô "tậu" một chiếc xe đạp để thỏa mãn thú chơi của mình.

Trong vài năm gần đây, nhiều bạn trẻ Hà Nội tìm đến xe đạp địa hình như một thú vui mới. Không ít người mạnh tay chi hàng ngàn USD để sắm cho mình chiếc xe leo núi ưng ý. Hiện tại, ở Hà Nội có gần chục câu lạc bộ của những người đam mê xe đạp địa hình (hay còn gọi là MTB) như: MTB Hà Nội, Lake Bike, Êmong, N.H.O.E Bikes (New House Of Energy Bikes)...

Một chiếc xe đạp địa hình như thế này có giá cả ngàn đô.

Gia Huấn (22 tuổi, ở Đại La, Hà Nội), thành viên nhóm N.H.O.E đầu tư hẳn một shop MTB chuyên phục vụ những người có cùng sở thích. Cậu cho biết mở shop vừa để có tiền nuôi đam mê vừa có thêm nhiều cơ hội học hỏi. Huấn đặt phụ tùng xe từ nhiều nước và tự tay lắp ráp theo ý tưởng của khách. Tùy theo yêu cầu cũng như mức độ chơi của khách, Huấn sẽ độ lại để "lên đời" cho MTB. "Nhà có xưởng sửa xe máy nên từ nhỏ, em đã quen với việc lắp ráp. Hiện nay em đang sở hữu một chiếc MTB giá khoảng 30 triệu. Chiếc xe đó em tự lựa chọn phụ tùng và lắp ráp theo sở thích của bản thân", Huấn chia sẻ.

Từng bộ phận có thể tháo rời, thuận tiện trong quá trình vận chuyển hoặc đi xa.

Huấn cho biết, hiện trào lưu chơi xe đạp ở Hà Nội phần lớn thiên về xe địa hình (Mountain bike), chia làm 3 dòng cơ bản: Hard tail (đuôi cứng), All Mountain và Freeride - DH. Ở Việt Nam chủ yếu là xe Hard tail và All Mountain vì loại thứ ba là xe đổ đèo, rất khó điều khiển mà giá lại cao, khoảng 170 triệu đồng. All Mountain là loại xe có phần khung giảm xóc trước và sau, có thể đi trên mọi loại địa hình, còn Hardtail chỉ có giảm xóc trước và chỉ đi được trên những địa hình đổ nhẹ nên giá thành rẻ hơn. Hardtail dòng bình dân có giá khoảng 10 triệu đồng, còn All Mountain từ 15 đến 30 triệu đồng.

Quy trình lắp ráp các bộ phận trước giờ luyện tập của các thành viên Câu lạc bộ N.H.O.E tại chân cầu Vĩnh Tuy (Thanh Trì, Hà Nội).

Theo Cường, thành viên nhóm N.H.O.E, dân chơi xe đạp chuyên nghiệp thường đặt mua các loại phụ tùng riêng rẽ, từ khung sườn, phuộc xe, tay lái, bộ vành... của các hãng sản xuất khác nhau. Mỗi phụ tùng thường là loại tốt nhất, nên khi "độ" thành một chiếc xe hoàn chỉnh có giá không dưới 1.000 USD.

Thú chơi mạo hiểm này cũng thu hút được rất nhiều bạn nữ tham gia.

Không chỉ nam giới, nhiều bạn nữ cũng "đắm đuối" với xe đạp. Với Thủy, 25 tuổi, xe đạp giúp cô rèn luyện sức khỏe. "Nếu là dân chơi xe đạp dòng địa hình thì nhất thiết phải sắm các phụ kiện đi kèm như găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo bay... đúng 'chất'. Giá bán cả bộ phụ kiện này cũng dao động khoảng 3 triệu đồng, còn nếu chi khoảng 5-7 triệu đồng mới sắm được hàng Thái, Nhật, Mỹ...".

Với một số dân chơi chuyên nghiệp thì việc "chinh phục" tốc độ...

...sẽ đem lại cảm giác chiến thắng được nguy hiểm trong sự sợ hãi.

Cảm giác sở hữu những chiếc xe đạp hàng khủng rất tuyệt, nhưng cảm xúc khi cưỡi chúng vượt qua những địa hình khó, bay trên không trung còn tuyệt hơn nhiều. Huấn chia sẻ: "Với nhiều thành viên, khi chinh phục được thử thách, họ thường gọi đó là 'vượt qua nỗi sợ hãi trong... sung sướng', hay những pha đổ đèo cả người và xe nảy bật lên cao thật sự tuyệt vời. Cảm giác đó được nhóm em gọi là cảm giác chiến thắng được nguy hiểm trong sợ hãi".

Theo Khám phá

Theo Khám phá

Bạn có thể quan tâm