Ngày 21/4, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ án vận chuyển hơn 214 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng) ra nước ngoài trái phép.
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường, bị đưa ra xét xử về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo buộc, năm 2014- 2018, Nguyễn Ngọc Phương đã sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước do ông ta thành lập, điều hành, chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa trong nước nhằm hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Ở trong nước, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường dùng 7 pháp nhân (một số pháp nhân nhờ người đứng tên công ty); ở nước ngoài sử dụng 3 doanh nghiệp tại Hồng Kông (Trung Quốc) do chính ông Phương thành lập và điều hành.
![]() |
Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Bộ Công an. |
Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với 3 doanh nghiệp ở Hồng Kông nêu trên và hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với nhau để hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Tiền được Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo chuyển ra nước ngoài qua 3 ngân hàng trong nước rồi đổ vào tài khoản của 3 công ty ở Hồng Kông thông qua các hợp đồng nhập khẩu khống.
Theo cáo buộc, bị can Nguyễn Ngọc Phương đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Từ năm 2014 đến 2018, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới là Phạm Thị Thu Thủy, Đinh Thị Diệu Thúy phối hợp tính toán số tiền cần vay trong mỗi hợp đồng tín dụng, số tiền cần chuyển ra nước ngoài để cân đối lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, bị can Phương giao bà Thủy làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân. Trên cơ sở làm việc với ngân hàng, Phạm Thị Thu Thủy trao đổi với Đinh Thị Diệu Thúy về số tiền được giải ngân để lên phương án lập khống hồ sơ rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Để hợp thức hồ sơ nhập khẩu, Đinh Thị Diệu Thúy còn làm giả hồ sơ hải quan nộp cho ngân hàng nhằm giải ngân và thanh toán quốc tế với số tiền còn lại theo mỗi hợp đồng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường, Thủy và Thúy đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới dùng 6 doanh nghiệp trong nước lập khống hồ sơ nhập khẩu với 3 doanh nghiệp ở Hồng Kông để chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài thông qua 3 ngân hàng trong nước với tổng số tiền hơn 214,1 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng).
Cáo buộc cho rằng, ngoài ra, Nguyễn Ngọc Phương có hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam 212 triệu USD (khoảng hơn 4.773 tỷ đồng). Như vậy, bị can Phương đã cầm đầu thực hiện chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hồng Kông và từ Hồng Kông về Việt Nam) với tổng số 425,1 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng.
CQĐT phát hiện thấy có dấu hiệu của hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân để cung cấp cho các ngân hàng; các sai phạm trong quá trình xét duyệt cấp tín dụng, giải ngân, thanh toán quốc tế xảy ra tại một số tổ chức tín dụng; các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong quá trình hoạt động của các công ty do giám đốc công ty Vàng Phú Cường quản lý điều hành; dấu hiệu sai phạm của công ty kiểm toán trong việc kiểm toán báo cáo tài chính các công ty của bị can Phương.
Với các dấu hiệu tội phạm trên, CQĐT tách hành vi để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Pháp luật về cư trú - Những điều cần biết" đề cập những quy định pháp luật về nơi cư trú, đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, xác nhận thông tin về cư trú.