Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ đoạn của nữ quái trốn nã giả cán bộ ngân hàng đi lừa đảo

Người đứng tên mở tài khoản không biết đã bị Linh lén lút đăng ký với ngân hàng số điện thoại di động của cô ta để nhận thông tin giao dịch với ngân hàng.

Cuối tháng 7, Cơ quan điều tra công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã xác minh, làm rõ thêm 2 vụ giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, liên quan đến Nguyễn Thị Phượng Ly (tên gọi khác là Nguyễn Khánh Linh - 30 tuổi, ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

Trốn truy nã vẫn phạm tội

Còn trẻ tuổi, nhưng Phượng Ly đã bộc lộ bản chất của tội phạm lừa đảo chuyên nghiệp. Năm 2014, cô ta bị TAND TP Hà Nội xét xử, tuyên phạt 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi ấy, Ly đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tạm hoãn thi hành án. Lợi dụng điều đó, cô ta bỏ trốn và bị truy nã đặc biệt. 

Đầu năm 2015, Ly là bị đơn tố cáo với cái tên Nguyễn Khánh Linh, liên quan đến việc giả danh cán bộ ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của anh Cường, trú ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Anh Cường quen Linh tại một cửa hàng bán đồ thời trang cao cấp. Lần gặp nhau ấy, Linh giới thiệu với anh Cường cô ta là cán bộ tín dụng ngân hàng, đang thuê trọ ở phường Long Biên, quận Long Biên. 

Ly đã làm thẩm mỹ để trốn truy nã.
Linh đã làm thẩm mỹ để trốn truy nã.


Thời gian ngắn sau đó, khi đã kết thân, Linh hứa hẹn sẽ giúp anh Cường vay ngân hàng nhiều tỷ đồng để làm ăn. Linh đã mở tài khoản đứng tên anh Cường, nhưng lại giao dịch bằng số điện thoại của cô ta. 

Từ đó, siêu lừa đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt được gần 2 tỷ đồng của anh Cường. Biết bị lừa, anh Cường tìm đến nhà trọ của Linh thì được chủ nhà cho hay, cô gái trẻ ấy chỉ đến “ở thử” trong 2- 3 ngày, rồi đã chuyển đi ngay sau lần anh Cường đến chơi.

Cuối tháng 3/2015, Nguyễn Thị Phượng Ly đã bị trinh sát Đội 8 - Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) bắt giữ. Cùng với vụ lừa đảo anh Cường, họ đã thực hiện hàng loạt vụ lừa khác. Đó là màn kịch đối với bà Hạnh, ở phường Long Biên, quận Long Biên. Đầu tháng 2/2015, bà Hạnh rao bán mảnh đất tại phường Long Biên với giá hơn 1,2 tỷ đồng

Ngay sau đó, một phụ nữ tự xưng tên là Linh, cán bộ một ngân hàng, đến đặt vấn đề mua bán. Quá trình xem đất, nữ cán bộ ngân hàng chê mảnh đất không có vượng khí. Mấy ngày sau, có khách khác đến hỏi mua. Song tình huống mới nảy sinh, là “sổ đỏ” mảnh đất đang được thế chấp ngân hàng. Trong cơn bí, bà Hạnh chợt nhớ ra và liên hệ nhờ cô cán bộ ngân hàng Linh giúp đỡ. 

Theo hướng dẫn của Linh, bà Hạnh yêu cầu người mua đất đặt cọc trước 1 tỷ đồng, rồi chuyển cho Linh để được nhận lại “sổ đỏ”. Tiền trao, nhưng chờ mãi không thấy “sổ đỏ” đâu; bà Hạnh tìm đến nơi nữ cán bộ ngân hàng thuê trọ, chỉ thấy cảnh vườn không nhà trống.

Thận trọng khi giao dịch qua tài khoản

Một cán bộ công an quận Long Biên cho biết, qua trao đổi thông tin với Phòng Cảnh sát hình sự, công an quận Long Biên nắm được Nguyễn Thị Phượng Ly còn liên quan đến 2 vụ lừa đảo khác, chiếm đoạt được hơn 3 tỷ đồng

Khoảng tháng 8/2014, Ly hứa hẹn với bà Mai, trú ở quận Long Biên, giúp vay vốn ngân hàng để mở quán Internet với điều kiện phải trả 3% hoa hồng số tiền được vay. Lập xong bộ hồ sơ khống để vay vốn, Ly hướng dẫn bà Mai tự nhận là chủ hiệu tạp hóa ở phố Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm, khi cán bộ ngân hàng “xịn” đến kiểm tra. Khi được ngân hàng cho vay 800 triệu đồng, bà Mai lập tức được Ly đưa đến một ngân hàng khác và hướng dẫn gửi toàn bộ tiền vào tài khoản đã được mở trước đó vài ngày, đứng tên bà Mai.

Hai ngày sau, khi đến ngân hàng rút tiền theo lời dặn của Ly, bà Mai nhận được hồi âm: 800 triệu đồng đã được chuyển vào 2 tài khoản khác, dưới hình thức rút tiền bằng dịch vụ rút qua mạng Internet. Kể từ đó, bà Mai không liên lạc được với cô ta, nên đã làm đơn tố cáo đến công an quận Long Biên. 

Điều tra, Công an quận Long Biên xác định 2 chủ tài khoản được nhận 800 triệu đồng là 2 người trú ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Khi được cơ quan điều tra mời đến, 2 người này cũng mới biết bị lừa, và trình bày họ có nhu cầu vay vốn ngân hàng, nên đã nhờ Ly giúp. Việc mở tài khoản và rút tiền đều làm theo hướng dẫn của cán bộ ngân hàng. Thậm chí, họ đã chuyển hơn 200 triệu đồng cho nữ quái để nhờ “lo lót”.

Đại diện cơ quan điều tra công an quận Long Biên cho biết, đã có văn bản kiến nghị gửi đến ngân hàng, để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm soát đối với khách hàng cũng như nhân viên, trong quá trình giao dịch mở tài khoản và rút tiền. Các phi vụ lừa mà Ly thực hiện đều thông qua dịch vụ Internet banking. Người đứng tên mở tài khoản không hề biết đã bị Ly lén lút đăng ký với ngân hàng số điện thoại di động của cô ta để nhận thông tin giao dịch với ngân hàng. 

Sau khi được ngân hàng giải ngân, lập tức Ly sử dụng mạng Internet để rút tiền khỏi tài khoản và chiếm đoạt. “Quá trình thẩm định, thiết lập hồ sơ cho vay vốn, đôn đốc, nhân viên ngân hàng cần trao đổi rõ mọi vấn đề với người mở tài khoản. Lãnh đạo ngân hàng cần kiểm tra việc tuân thủ quy trình công tác của nhân viên để tránh tình trạng nhóm tội phạm câu kết với cán bộ ngân hàng thực hiện hành vi phạm tội”, đại diện công an quận Long Biên kiến nghị.

http://anninhthudo.vn/phap-luat/thu-doan-cua-nu-quai-tron-truy-na-gia-danh-can-bo-ngan-hang-di-lua-dao/624587.antd

Theo Minh Hà/An ninh thủ đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm