Công an Hà Nội cho biết gần đây, chị N.L. (chủ cơ sở kinh doanh ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất) nhận được cuộc gọi của người đàn ông giới thiệu tên Lê Thanh Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thạch Thất.
Qua điện thoại, người tên Tuấn nói Đội Cảnh sát PCCC&CNCH huyện có tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH trong một ngày để cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ. Anh ta đề nghị chị L. đăng ký tham gia, sau đó cảnh sát sẽ gửi giấy mời, tài liệu về cơ sở kinh doanh của chị L.
Vài ngày sau, chị L. nhận được bưu kiện do shipper chuyển đến và yêu cầu thanh toán 950.000 đồng. Tin tưởng đó là tài liệu do cảnh sát gửi, người phụ nữ nộp tiền. Song khi bóc bưu phẩm, chị L. chỉ nhận được cuốn sách Luật Phòng cháy chữa cháy, không có giấy mời. Gọi vào số máy của người tên Tuấn, chị L. không thể liên lạc được.
Bưu kiện mà chị N.L nhận được. |
Với tình huống trên, Công an Hà Nội cho hay đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài chị L., cơ quan chức năng cũng nhận tin báo của một số cơ quan, doanh nghiệp và người dân phản ánh có người giả danh cán bộ cảnh sát PCCC&CNCH, yêu cầu chuyển tiền để tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC&CNCH.
Thủ đoạn của người mạo danh là gọi điện đến các đơn vị, doanh nghiệp, trường học, người dân, nhất là những cơ sở mới hoạt động, giới thiệu mình là cán bộ PCCC. Họ yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác PCCC, bán sách, tài liệu hoặc bán phương tiện PCCC&CNCH với giá cao.
Trước khi giao dịch mua bán sách và tài liệu, những người mạo danh đề nghị bên mua trả tiền trước khi nhận bưu phẩm. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, thì bên mạo danh cắt liên lạc.
Công an Hà Nội khẳng định khi có kế hoạch, lực lượng chức năng sẽ gửi công văn kiểm tra thông báo đến cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp trước 3 ngày làm việc. Cảnh sát PCCC&CNCH công an thành phố không gửi bất cứ tài liệu, phương tiện nào dưới hình thức chuyển phát nhanh; không yêu cầu công dân, doanh nghiệp chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tham gia các lớp tập huấn.
Nhà chức trách khuyến cáo mọi người cảnh giác, nhắc nhở người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên. Khi thấy ai đó nghi vấn lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho công an địa phương.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.