Ngày 29/10, Công an TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đặng Văn Thực (SN 1990, ở tỉnh Gia Lai) và Đặng Thanh Tùng (SN 1993, ở tỉnh Lâm Đồng) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo
Đáng nói là thủ đoạn và cách thức thực hiện hành vi lừa đảo của Đặng Văn Thực và Đặng Thanh Tùng với các nạn nhân.
Theo thông tin ban đầu, tháng 9, trong thời gian làm công nhân tại tỉnh Đồng Nai, 2 đối tượng Thực và Tùng đã bàn nhau việc lên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan lấy số điện thoại rồi tạo tài khoản Facebook mạo danh lãnh đạo các cơ quan này.
Đặng Văn Thực và Đặng Thanh Tùng tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC. |
Bước tiếp theo các đối tượng này chủ động kết bạn với cán bộ cấp dưới hoặc mạo danh là người thân để nhờ mua hàng hóa, vay mượn tiền rồi chiếm đoạt.
Cụ thể, đầu tháng 10, Tùng lập tài khoản mạo danh lãnh đạo một đơn vị để nhắn tin mượn tiền một số cán bộ, lãnh đạo ở tỉnh Đắk Nông. Ngày 16/10, Tùng và Thực đã lập tài khoản mạng xã hội của lãnh đạo một đơn vị Nhà nước tại TP.HCM để mượn tiền của cấp dưới khi người này đang đi công tác tại tỉnh Đắk Nông với số tiền 30 triệu đồng. Lừa được số tiền trên, các đối tượng chia nhau tiêu xài.
Đến ngày 28/10, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an TP Gia Nghĩa đã bắt giữ 2 đối tượng tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trộm ảnh thật, lập Facebook mạo danh hỏi vay tiền khắp nơi
Khá nhiều người rơi vào tình huống bỗng một ngày nhận được hàng loạt cuộc điện thoại của người thân hỏi thăm khi họ nhận được tin nhắn vay mượn tiền.
Anh N.L. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ từng là nạn nhân khi bị các đối tượng lấy cắp ảnh thật, lập một Facebook đúng họ tên, sau đó kết bạn với những người anh quen rồi nhắn tin vay mượn tiền.
Theo anh N.L, có nhiều người vì cả tin, khi thấy ảnh thật, họ tên đúng nên đã vội vàng kết bạn. "Khi được bạn bè gọi báo, phát hiện có kẻ lập Facebook mạo danh để lừa đảo, tôi đã phải thông báo công khai việc bị mạo danh, không có nhu cầu mượn tiền ai để không bị ai mắc lừa", anh N.L. chia sẻ.
Mới đây nhất, kẻ xấu đã sử dụng hình ảnh thật, lập Facebook mạo danh nhà báo Nguyễn Hưng và áp dụng cách liên tục kết bạn với những người quen của nhà báo.
Dù đã là bạn bè trên Facebook thật với nhà báo Nguyễn Hưng từ trước, khi thấy có tài khoản mạo danh mời kết bạn mới, ông T.D. (45 tuổi, ở Hà Nội), đã đồng ý kết để bóc trần sự thật.
Được kết bạn, kẻ mạo danh chat rất thân thiện: "Đang làm gì vậy". Tiếp đó, kẻ mạo danh nêu lý do đang rất vội, và ngỏ ý "anh nhờ chút việc".
Biết dấu hiệu của kẻ lừa đảo, ông T.D. tiếp tục thăm dò: "Vâng anh. Anh có gì chỉ đạo". Lập tức, kẻ mạo danh hỏi: "Tài khoản em còn tiền không, chuyển anh mượn 12 triệu, tối anh gửi lại".
Không cần đợi người trả lời nói có tiền hay không, cho vay hay không, kẻ mạo danh liền nhắn số tài khoản 1043136846 ngân hàng Vietcombank, chủ tài khoản Nguyễn Văn Hưng.
Nhận được thông tin, ông T.D. vờ đồng ý và nói: "Em gửi luôn". Sau đó, hỏi lại "anh nhận được chưa. Anh nhớ chuyển lại cho em đúng lời hứa nhé".
Khi kẻ mạo danh không hồi âm, ông T.D. tiếp tục gọi bằng video qua messenger nhưng đối tượng dí bận và chặn luôn tài khoản vừa kết bạn với ông T.D.
Nhà báo Nguyễn Hưng sau khi phát hiện có kẻ lấy cắp hình ảnh cá nhân, lập tài khoản Facebook để mạo danh, lừa đảo, cũng đã chụp lại thông tin tài khoản Facebook giả mạo này, đăng trên trang cá nhân của mình, để cảnh báo mọi người tránh bị lừa đảo.
Công an chỉ rõ các bước lừa đảo của kẻ mạo danh
Từ những vụ lừa đảo nêu trên, Bộ Công an cảnh báo, qua mạng xã hội, đối tượng truy cập vào trang Facebook cá nhân (tài khoản thật) của lãnh đạo các sở, ban, ngành... sau đó thu thập thông tin và lấy hình ảnh cá nhân.
Tiếp sau đó, các đối tượng thiết lập một tài khoản Facebook khác (tài khoản mạo danh) với tên tương tự và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện. Kết bạn với những người có trong danh sách bạn bè, chủ yếu là bạn bè của tài khoản thật.
Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn được để mượn số tiền lớn, nhờ chuyển tiền cho người thân hoặc chuyển tiền để phục vụ công tác của cơ quan.
Số tiền này thường được yêu cầu gửi vào số tài khoản ngân hàng của một người khác hoặc số tài khoản có họ tên tương tự với người bị mạo danh, được chúng mua lại trên mạng và sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Cơ quan công an thông báo và đề nghị quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, không vội chuyển tiền khi chưa thực hiện các bước xác thực danh tính như gọi qua số điện thoại, gọi video.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự.