Trong phần thẩm vấn chiều 13/7, nhóm luật sư dành nhiều thời gian xét hỏi nhân chứng Phan Thanh Hữu (trùm buôn lậu xăng dầu) và bị cáo Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu Cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) để làm rõ cáo buộc đưa và nhận hối lộ hơn 8 tỷ đồng giữa nhóm buôn lậu và nhóm cựu sĩ quan biên phòng.
Tại tòa, ông Hùng thừa nhận cáo trạng, đồng thời khai ra thủ đoạn "biến" khoản tiền hàng tỷ đồng nhận hối lộ thành tiền vay nợ nhằm thoát tội.
Hợp thức tiền hối lộ để trốn tội
Theo cáo buộc, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020, ông Hùng đã nhận hối lộ hơn 6,3 tỷ đồng từ Phan Thanh Hữu để không chỉ đạo Đồn Trường Long Hòa kiểm tra, kiểm soát các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu. Ông Hùng còn được trùm buôn lậu nhờ giúp kết nối, đặt vấn đề với các lãnh đạo khác bảo kê cho đường dây buôn lậu xăng.
Ông Hữu khai trong khoảng thời gian trên, đã chi mỗi tháng 500 triệu đồng cho bị cáo Hùng. Tổng số tiền hối lộ là 8 tỷ đồng. Sau đó, 2 người này bàn nhau đưa hối lộ bị cáo Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh) mỗi tháng 100 triệu đồng.
Nhóm luật sư tham gia thẩm vấn. Ảnh: Thông tấn Quân sự. |
Ngoài ra, họ chi cho bị cáo Lê Văn Phương (cựu thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng CSGT Trà Vinh) và Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) mỗi người 30 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền ông Hùng đã giúp Phan Thanh Hữu hối lộ ông Trên là một tỷ đồng, ông Phương 360 triệu và ông Hải 330 triệu.
Đồng tình với những lời khai trên, bị cáo Hùng khai sau khi biết Hữu bị Công an Đồng Nai bắt giữ hồi tháng 2/2021, bị cáo đã gặp nhóm nhận tiền nêu trên để bàn cách thoát tội.
Theo lời khai, ông Hùng cùng 3 bị cáo còn lại thống nhất nếu cơ quan chức năng điều tra, họ nói số tiền mà ông Hữu chi hối lộ hàng tháng là tiền trả nợ cho khoản vay từ trước. Sau đó, ông Hùng gửi tin nhắn cho 3 người còn lại với nội dung vay tiền để hợp thức.
Sau khi bị bắt giữ vào ngày 19/5/2021, ông Hùng không thừa nhận đã giúp Phan Thanh Hữu đưa tiền hối lộ cho các bị cáo Trên, Phương và Hải. Tuy nhiên, quá trình điều tra và truy tố sau đó, ông Hùng nói đã "nhận thức lại đúng hành vi của mình nên bị cáo khai đúng sự thật".
Cựu đại tá biên phòng khai bị bức cung
Cũng trong chiều 13/7, đại diện VKSND quân sự Bộ đội Biên phòng quay lại xét hỏi bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang) sau khi ông này cho rằng mình bị mớm cung, bức cung.
"Bị cáo có tài liệu gì không?", công tố viên quân sự đặt câu hỏi. Cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang quả quyết có một điều tra viên và 2 kiểm sát viên cùng một người nữa đã bức cung bị cáo trong quá trình làm việc.
Ông Thế Anh đề nghị HĐXX cho phép bị cáo chỉ ra nơi có bằng chứng bức cung. Ngoài ra, bị cáo cho rằng những lời khai này tại tòa cũng là một trong các chứng cứ. Tuy nhiên, chủ tọa và đại diện VKS ngắt lời, yêu cầu bị cáo nếu có chứng cứ bị ép cung thì đưa ra, nếu chỉ dựa vào lời nói sẽ rất khó xem xét.
Trong 14 bị cáo, duy nhất ông Thế Anh bị truy tố 2 tội danh. Ảnh: Thông tấn Quân sự. |
Cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang kiến nghị HĐXX cho thu thập sổ ghi lịch trình trích xuất bị can trong trại tạm giam để đối chiếu. Bị cáo cũng đề nghị tòa triệu tập giám thị trại giam để cung cấp cuốn sổ này.
Theo ông Thế Anh, bị cáo bị tạm giam trong hơn một năm và được Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đưa đi lấy cung khoảng trên 30 lần. Tuy nhiên, các sổ trích xuất chỉ nêu bị cáo có 9 lần đi hỏi cung mà không nêu rõ hơn 20 lần còn lại.
Trước việc ông Thế Anh đề nghị cung cấp sổ trích xuất bị can, HĐXX ngắt lời và yêu cầu bị cáo phải đưa ra chứng cứ về việc bị bức cung. Sau đó, đại diện VKS chuyển sang xét hỏi về mối quan hệ giữa ông Thế Anh và Phan Thanh Hữu.
Sau khi bị cáo Thế Anh phủ nhận không quen biết, không nhận tiền và cũng không có số điện thoại của ông Hữu, Đại diện VKS đã trình chiếu danh sách thể hiện những lần liên lạc giữa 2 người. Trong khi kiểm sát viên khẳng định danh sách trên do công ty viễn thông cung cấp và đã được đánh giá, xem xét trước khi được xem là chứng cứ, thì ông Thế Anh cùng luật sư bào chữa cho rằng đó chỉ là văn bản đánh máy, không đảm bảo tính khách quan.
Trước những lời phản cung của bị cáo, đại diện VKS đã công bố lời khai của một số nhân chứng cho thấy cựu đại tá Nguyễn Thế Anh đã liên hệ, nhờ họ giúp đỡ bị cáo Nguyễn Văn An trốn sang Lào. Tuy nhiên, bị cáo vẫn quả quyết không nhận hối lộ.
Cuối phiên xử chiều 13/7, chủ tọa cho biết còn rất nhiều nội dung đang gây tranh cãi giữa bị cáo, luật sư và cơ quan công tố. Do đó, HĐXX đề nghị các bên tiếp tục nêu quan điểm trong phần tranh luận vào sáng mai (14/7).