Sự chán ghét đối với ngày đầu tuần thậm chí còn trở thành hội chứng tâm lý mang tên "nỗi sợ thứ hai". |
Theo NDTV, lý do Tổ chức Kỷ lục Guiness thế giới trao danh hiệu này bởi thứ hai mang đến cho nhiều người cảm giác buồn chán, chậm chạp.
Trước đó, thứ hai vốn bị biết đến là ngày mà số đông không ưa thích nhất.
Lý do chính: sau thứ bảy và chủ nhật nghỉ ngơi, thứ hai là ngày đầu tiên mà mọi người phải quay trở lại với guồng quay của mình.
Thứ hai đầu tuần là ngày bị nhiều người ghét nhất trong tuần. Ảnh: Medium. |
Thứ hai cũng là ngày nhiều người cảm thấy thiếu năng lượng và làm việc ít hiệu quả nhất so với những ngày còn lại.
Sự chán ghét của số đông dành cho ngày đầu tiên của tuần mới còn được biết đến với cái tên Blue Monday (hội chứng ngày thứ hai).
Cụm từ này để chỉ tình trạng xuống tinh thần của con người sau hai ngày nghỉ cuối tuần. Họ thường nuối tiếc hai ngày nghỉ trôi qua nhanh, mong muốn được nghỉ thêm, thậm chí mang gương mặt ủ rũ cùng tâm trạng cáu kỉnh xuất hiện ở chỗ làm.
Thuật ngữ này lần đầu tiên được công bố vào năm 2005 và dần trở nên phổ biến để ám chỉ việc con người uể oải, mệt mỏi, không muốn học tập, làm việc khi bắt đầu tuần mới.
Học sinh, sinh viên, dân văn phòng đều dễ gặp tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, năng suất giảm vào ngày đầu tuần. Ảnh: iStock. |
Nguyên nhân chính của hội chứng này không phải do những tổn thương thực thể, mà chính là do tình trạng rối loạn tâm lý và do đột ngột thay đổi thói quen của cơ thể mà cơ thể chưa kịp thích nghi.
Thông tin mà Tổ chức Kỷ lục Guiness thế giới vừa đưa khiến nhiều người dùng mạng thích thú.
"Khi kỷ lục thế giới cũng ghi nhận sự ghét bỏ đối với thứ hai, tôi có thể chính thức đổ lỗi cho nó vì sự gắt gỏng, chậm chạp của mình khi đi làm đầu tuần", một người dùng bình luận trên Twitter.
"Tôi thường xin nghỉ các ngày thứ hai với lý do như mọi người đều đã biết", một người dùng khác cho biết.