Chiều 10/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố Tống Văn Vịnh (phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh) và 8 bị can khác về các tội Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc. Các quyết định tố tụng đã được VKSND phê chuẩn.
Công an Hà Nội cho biết qua nắm địa bàn, đầu tháng 9, Phòng Cảnh sát hình sự thấy xuất hiện một số công ty lợi dụng danh nghĩa công ty cổ phần mua bán nợ để hợp thức hóa việc đòi nợ thuê.
Thủ đoạn của các công ty này là mua tên miền trang web, lập trang Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi. Công ty có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ hoạt động có quy định "ngầm".
Hình ảnh nhóm bị can đe dọa anh T.A. Ảnh: Công an cung cấp. |
Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, nhóm cầm đầu cho nhân viên đi gửi thông báo cho con nợ, gửi thông báo cho công an cơ sở về thời gian đến làm việc. Họ mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên công ty, đi ôtô có dán chữ "Công ty mua bán nợ" đến đỗ tại nhà con nợ để thị uy.
Các nhóm đòi nợ còn đi đông người gây sức ép, chửi bới, đe dọa nạn nhân. Nếu ai đó không đưa tiền, họ "ăn nằm" tại nhà, công ty, gây xáo trộn cuộc sống gia đình bị hại.
Từ những chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự xác định Tống Văn Vịnh cầm đầu nhóm tại Công ty cổ phần mua bán nợ Hưng Thịnh, hoạt động với cách thức như trên, đến đe dọa đòi tiền anh Đ.T.A. (trú phường Khương Đình, Thanh Xuân).
Ngày 1/11, cơ quan điều tra đã bắt giữ Vịnh và 8 bị can. Họ gồm Mai Đại Hoàn, Nguyễn Văn Tuân, Tống Văn Quyền, Phạm Văn Dũng, Mai Thanh An, Trần Lâm Thế, Phạm Văn Châu, Tống Văn Minh.
Khi khám xét, công an thu giữ 114 bộ hồ sơ mua bán nợ ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, ôtô Toyota dán biển hiệu Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh, 50 triệu đồng là khoản Tống Quang Vịnh nhận của anh Đ.T.A. hôm 31/10, cùng nhiều giấy tờ liên quan việc mua bán nợ.
Bị can Tống Văn Vịnh. Ảnh: Y.H. |
Theo cáo buộc, năm 2010, bà Mai (quê Vĩnh Phúc) góp 2,5 tỷ đồng để kinh doanh với anh Đ.T.A. (giám đốc công ty tin học ở Hà Nội). Sau đó, công ty làm ăn thua lỗ nên bà Mai yêu cầu anh T.A. trả lại tiền nhưng bất thành. Qua mạng xã hội, bà Mai biết đến Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh, nên ngày 10/10, bà này bán khoản tiền 2,5 tỷ đồng trên để phía Hưng Thịnh đi thu hồi.
Trong các ngày 15, 17 và 22/10, Vịnh chỉ đạo và trực tiếp cùng các bị can đến nhà anh T.A. đe dọa, chửi bới anh này và gia đình, gây sức ép để đòi 2,5 tỷ đồng. Vịnh còn đọc và yêu cầu anh T.A. viết giấy nợ 1,5 tỷ đồng và hẹn trả trước 200 triệu đồng. Mỗi tháng tiếp theo phải trả 100 triệu đồng cho đến hết số tiền 1,5 tỷ.
Ngày 31/10, Vịnh tiếp tục đi cùng 5 đàn em đến nhà anh T.A. yêu cầu đưa 200 triệu đồng. Vịnh viết phiếu thu tiền và nhận 50 triệu đồng, thì bị Phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, các bị can đã khai nhận hành vi. Kết quả đấu tranh xác định bà Mai và Công ty cổ phần mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội chỉ ký hợp đồng giả cách, không thanh toán tiền mua nợ. Các bị can đã sử dụng hợp đồng mua bán nợ để hợp pháp hóa việc đi đòi tiền, bản chất là đòi nợ thuê, khi đòi được tiền thì ăn chia theo tỷ lệ 50/50.
Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện Tống Văn Vịnh, Trần Lâm Thế, Mai Thanh An, Phạm Văn Châu và Tống Văn Minh còn có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua số lô, số đề.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.