Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ khoa chia sẻ về 'chiêu độc' điểm cao

Thủ khoa tuyệt đối Trần Xuân Bách cho biết nếu có ngày tận thế, được sở hữu khả năng phi thường cậu sẽ đẩy lùi ngày này. Bách cùng với các thủ khoa, tân SV cũng chia sẻ những bí quyết ôn thi hiệu quả.

Thủ khoa chia sẻ về 'chiêu độc' điểm cao

Thủ khoa tuyệt đối Trần Xuân Bách cho biết nếu có ngày tận thế, được sở hữu khả năng phi thường cậu sẽ đẩy lùi ngày này. Bách cùng với các thủ khoa, tân SV cũng chia sẻ những bí quyết ôn thi hiệu quả.

Hơn một tháng từ ngày các bạn trẻ bước chân vào giảng đường đại học, tới thời điểm này, các thủ khoa vẫn còn những bỡ ngỡ về một cuộc sống mới.

Vào ngày 20/10 tới, hàng chục thủ khoa cùng các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được trao học bổng tại chương trình Tân sinh viên 2012, do Thành đoàn Hà Nội và công ty HM Việt Nam phối hợp tổ chức.

Chiều nay (19/10), 4 gương mặt tiêu biểu kỳ tuyển sinh năm nay - đồng thời cũng là gương mặt được nhận học bổng của chương trình trên: Trần Xuân Bách (đạt điểm tuyệt đối), Nguyễn Ngọc Thiện (29 điểm), Nguyễn Thị Huyền (28,5), Lê Thị Hằng đã có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả.

Các bạn trẻ Trần Xuân Bách, Lê Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện của Zing.

Những "độc chiêu" để đạt điểm cao


- Mình thực sự ngưỡng mộ các bạn thủ khoa ở đây, các bạn đều đạt được số điểm mà ai cũng muốn. Mình năm nay cũng đỗ đại học với điểm số 23, vẫn còn kém xa các bạn. Thực sự thì mình rất muốn biết các bạn thủ khoa trau dồi kiến thức, nâng cao, tìm hiểu như thế nào để có được kết quả cao như vậy. Rất mong được các bạn thủ khoa chia sẻ , đặc biệt là 2 môn Toán, Hóa. (Nguyễn Đăng Long, 18 tuổi, Hà Nội).

Nguyễn Ngọc Thiện: Muốn học khá, theo mình là phải tích cóp nhiều cái "một tí": chăm chỉ một tí, cẩn thận một tí, ham học hỏi một tí. Nhiều bạn ở lớp mình học tốt nhưng hơi vội vàng, hấp tấp, hoặc không vững tâm lý nên thường mất điểm không đáng.

Với hai môn Toán, Hóa, cần làm nhiều bài tập để tích lũy kinh nghiệm và phương pháp giải. Nhiều khi một mình mình thì không nghĩ ra phương pháp giải, hoặc phương pháp không tối ưu nhưng nhiều người "hợp sức" thì sẽ tìm ra chìa khóa để giải quyết. Ví dụ, lớp mình thường hay đem những bài khó ra để "mổ xẻ", ai có cách giải bài hay thì đóng góp.

- Khâm phục với sự vượt khó của bạn, xin được gửi lời hỏi thăm và chia buồn với bạn nhé (Bạn Lê Thị Hằng). Hiện mình là sinh viên, trước mình học khối A không được tốt lắm. Em mình cũng sắp thi đại học rồi cũng theo khối A. Vậy bạn có thể chia sẻ cách học khối A thế nào cho tốt không? (Phan Văn Công, 22 tuổi, Nghệ An).

- Lê Thị Hằng: Trước hết, mình cảm ơn lời động viên của bạn. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm học khối A như sau. Theo mình, trên lớp bạn nên lắng nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, và đánh dấu những công thức quan trọng bằng bút màu. Về nhà, bạn cần làm thêm bài tập trong sách tham khảo và những đề thi Đại học, Cao đẳng của những năm trước để củng cố thêm kiến thức.

Hy vọng một vài chia sẻ của mình sẽ giúp ích được cho em của bạn! Chúc em bạn sang năm thi tốt.

- Em cũng thích thi vào ngành Dược, nên em muốn hỏi chị Huyền. Ôn thi vào trường Dược thì có gì khác so với những trường khác không ạ? Môn Sinh và Hóa thì nên làm bài tập từ những cuốn sách nào? Ngoài ra, em nghe nói con gái học Dược thì khổ lắm, chị đã thấy khổ chưa? (Khánh Huyền, 16 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai).

Nguyễn Thị Huyền: Vì là đề chung nên việc ôn thi không có gì khác biệt. Mình chỉ cần đầu tư thêm các môn mình thi. Chăm chỉ là yếu tố quyết định vì một sinh viên Dược đòi hỏi điều đó nhiều hơn. Vì trường thi khối A nên môn Sinh mình không được nhiều. Môn Hóa mình chủ yếu sưu tầm đề của các trường để tìm ra dạng bài mới để làm thêm và rèn luyện những dạng bài mình đã biết.

Thường các dạng bài tập mình làm đề của các trường chuyên luyện thi và tổ chức thi thử, như trường Nguyễn Huệ, trường Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, chuyên Sư phạm.. Những bộ đề của các trường có rất nhiều và thực sự hữu ích cho mình.

Ở Dược thì đúng là học thì khổ, nhưng nếu mình chịu khó... khổ thì sau này đầu ra sẽ đỡ vất vả hơn.

Lê Thị Hằng và Nguyễn Thị Huyền tại buổi giao lưu.

- Cảm ơn bạn Nguyễn Thị Huyền đã trả lời câu hỏi của mình. Mình hỏi thêm một câu nữa. Đề Vật lý 2 năm gần đây hơi khó. Bạn có thể bày cách giải các câu hỏi trắc nghiệm Vật lý mà vẫn dư thời gian 90 phút không? (Nguyễn Minh Cảnh, 19 tuổi, Madrak, Đắk Lắk).

Nguyễn Thị Huyền: Hầu hết thời gian mình luyện đề thì chỉ để thời gian là 60 phút (chứ không phải là 90 phút như thường lệ). Cho nên đến khi vào phòng thi thì mình có cảm giác là chỉ có 60 phút thôi và phải giải quyết trong khoảng thời gian đó. Chính vì thế khi mình xong bài thì vẫn còn dư khá nhiều thời gian (khoảng 30 phút), mình rà lại bài và phát hiện 2-3 câu sai.

Còn về phương pháp giải trắc nghiệm thì hầu hết mình làm các bài dạng đơn giản. Sau đó thì làm những bài khó hơn, đòi hỏi sự kết hợp các phương pháp khác nhau.

Ngoài ra mình còn phải rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay để sử dụng cho bài làm. Mỗi lần cầm bút lên rồi đặt xuống thì mất thời gian, nên mình hạn chế dùng giấy nháp mà thao tác trên máy tính là chủ yếu (thường thì các bạn nam giỏi hơn rất nhiều khi dùng máy cầm tay). Chẳng hạn như ở trường THPT của mình, các bạn nam sử dụng chiếc máy tính đó rất nhanh và thường bảo mình bấm như "gà mổ". Cho nên làm bài tập thì mình sẽ sử dụng máy tính và quen dần.

-  Em rất khâm phục chị Huyền, đến từ vùng cao Lai Châu, vậy bí quyết nào để chị sắp xếp việc học có hiệu quả? (so với các nơi như HN hay HCM thì điều kiện học tập cũng như giáo dục sẽ không bằng). (Quỳnh Trang, 15 tuổi, Hà Nội).

Nguyễn Thị Huyền: Bình thường mình học hai buổi một ngày nên tối về học khoảng 3-4 tiếng. Mình nắm vững kiến thức ở sách giáo khoa là chủ yếu, ngoài ra thì làm bài tập của thầy cô giao. Quan trọng là nắm vững nội dung và bản chất bên trong nên không mất quá nhiều thời gian.

- Năm nay em đang học lớp 12, chuyên khối A, em muốn thi vào trường HV Ngoại thương nhưng thấy môn Vật lý còn non, anh chị có thể cho em biết phương pháp giải nhanh bài tập Vật lý không? (Bùi Nhật Linh, 17 tuổi, quận 1, TP.HCM).

Trần Xuân Bách: Học Vật lý cần phải nắm vững lý thuyết và nhớ được nhiều công thức. Ngoài ra, bạn cần phải luyện tập nhiều qua các bài tập trắc nghiệm và cả tự luận. Chỉ có luyện tập mới có thể giúp các bạn ghi nhớ công thức và nắm chắc lý thuyết.

Còn về phương pháp giải nhanh, mình nghĩ nên tham khảo thầy cô và các sách "phương pháp giải nhanh". Hơn nữa, các bạn cần suy nghĩ, tự tìm tòi phương pháp phù hợp cho riêng mình, theo cách hiểu của mình.

- Động lực nào để anh chị học tốt? Theo anh chị cách học để thi đại học như thế nào là hiệu quả nhất? (Phan Thị Nhã Phương, 17 tuổi, Quảng Trị).

Trần Xuân Bách: Theo mình, có rất nhiều động lực để các bạn học tập tốt, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ước mơ của chính các bạn. Ước mơ đó sẽ là động lực mạnh mẽ cho các bạn trong quá trình học tập. Khi các bạn gặp khó khăn trong học tập, đôi khi cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ tất cả thì hãy dừng lại đúng lúc và nghỉ ngơi, nghĩ về ước mơ của mình. Sau đó, các bạn sẽ cảm thấy có thêm sức mạnh để học tập và thực hiện ước mơ đó.

Tâm lý tốt cho mùa thi

- Em đã thi ĐH và rớt năm 2011. Hiện em học cao đẳng và muốn thi lại đại học nhưng thấy nản quá, chị hãy cho em lời khuyên nhé! (Nguyễn Minh Cảnh, 19 tuổi, Madrak, Đắk Lắk, Nguyễn Hoàng, 20 tuổi, Ngô Quyền, Hải Phòng).

Nguyễn Thị Huyền: Mình cũng quen những anh chị hơn tuổi đã từng thi trượt đại học, nhưng sau đó họ thi lại và đã đỗ, thậm chí còn đỗ với điểm số khá cao, 25-26 điểm.

Theo mình, việc thi lại đại học thì bạn không nên gây áp lực cho bản thân. Với bất kỳ môi trường đào tạo nghề nào thì cũng không cần đặt một mục tiêu khá cao. Trước hết, bạn nên lựa chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân mình. Sau đó thì tự đề ra kế hoạch học tập và thực sự quyết tâm.

Nếu việc học hành mà quá vất vả, áp lực thì mình thường nghĩ về tương lai, mình sẽ làm được gì nếu có bằng cấp. Thường thì mình nghĩ là "khổ trước sướng sau" nên nó trở thành động lực cho mình quyết tâm ôn luyện. Mong rằng bạn cũng sẽ mạnh mẽ ôn thi trở lại để theo đuổi được niềm đam mê.

- Mình muốn hỏi bạn Thiện: Năm nay mình cũng thi lại đại học nhưng cũng như lần trước không kiểm soát được tâm lí trước lúc đi thi, và trong phòng thi. Cho mình hỏi làm thế nào để khắc phục và có một tâm lý ổn định?

Nguyễn Ngọc Thiện: Nên rút ra kinh nghiệm từ những lần thi thử và lần thi trước đó của bạn. Nhận ra những lỗi trước đây mình mắc phải và khắc phục thì sẽ không lặp lại sai lầm. Và bạn sẽ kiểm soát được tâm lý.

Trước khi thi thì bạn nên đặt mục tiêu phù hợp với học lực của mình. Điều đó giúp bạn không cảm thấy "ngợp" khi bước vào phòng thi.

- Cho mình hỏi là khi ôn thi các bạn có gặp áp lực tâm lý nào không? (Minh Duy, 17 tuổi, TP.HCM).

Nguyễn Thị Huyền: Áp lực là do mình tạo ra mà thôi. Không có bố mẹ nào mà không muốn con mình thành công. Đối với mình mà nói thì mình hầu như không suy nghĩ nhiều về điều này, bố mẹ mình không đòi hỏi quá cao, thi trượt thì thi lại, nếu không cao đẳng, trung cấp đều không thành vấn đề. Nếu biến những điều kỳ vọng của cha mẹ thành động lực chứ không phải áp lực thì mọi thứ lại trở nên rất rõ ràng. Còn đề thi khó hay dễ, tâm lý phòng thi gây áp lực thì cái này có thể rèn luyện được.

Nguyễn Ngọc Thiện: Chắc chắn khi đi thi thì ai cũng muốn đỗ và đó chính là áp lực của sĩ tử. Nhưng áp lực có tính hai mặt của nó, vừa là sức ép, vừa là động lực. Phải biết cách biến sức ép thành động lực. Quan trọng là mình lựa chọn mục tiêu phù hợp và cố gắng thực hiện hết sức mình. Sau đó, kết quả ra sao mình cũng không hối tiếc.

Khi vào phòng thi, hãy hít thở sâu và tin rằng mình có thể làm tốt như mình vẫn thường làm. Đó là bí quyết để có thể tự tin làm tốt bài thi.

- Các bạn khi đi thi đại học, trước khi vào phòng các bạn có tâm lý là nhất thiết phải đỗ được đại hoc hay không, hay chỉ là làm bài hết sức có thể, tới đâu được thì tới. Đề thi đại học ngày càng xuất hiện nhiều câu hỏi khó, khi bình thường ôn thi, gặp bài khó thì bình thường các bạn làm gì? (Bá Vương, 17 tuổi, Hà Nội).

Nguyễn Ngọc Thiện: Trước khi thi thì có thể hồi hộp nhưng trong khi thi thì nên thoải mái.

Khi làm đề thi trắc nghiệm, mình nên có một chiến thuật cụ thể. Mình thành làm bài thi theo nhiều vòng. Vòng 1, mình sẽ làm những câu dễ ăn điểm, để tạo tâm lý vững chắc. Nếu làm theo trình tự đề thi mà 10 câu đầu toàn câu đầu toàn câu khó thì dễ làm cho mình hoang mang. Vòng 2, mình mới quay trở lại những câu chưa làm được. Vòng 3 dành cho những câu hóc búa nhất.

- Đỗ thủ khoa vào các trường ĐH lớn có tạo áp lực với các bạn khi bước vào lớp học không? Ngoài học ra, các bạn có thích các hoạt động xã hội hay thể thao gì không? (Kiều Oanh, 18 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội).

Nguyễn Thị Huyền: Thực ra mình không thấy áp lực gì. Các bạn ở trong lớp cũng như mình, về hoàn cảnh thì mọi người đều tương đương nhau, học lực không có khoảng cách quá lớn, đầu vào chỉ cách nhau khoảng 1-2 điểm.

Hồi học cấp 3 thì vì nhiều thời gian, trường mình học lại là trường nội trú nên không có nhiều hoạt động ngoại khóa. Khi lên đại học thì có khác hơn. Mình đã tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Còn hiện tại thì xuống Hà Nội gần một tháng nên mình chưa tìm hiểu thêm để tham gia.

Môi trường ĐH thú vị

- Cho em hỏi chị Hằng, em rất khâm phục nỗ lực của chị. Chị cảm thấy thế nào với môi trường học của mình hiện tại? Chị có đi làm thêm không? Mơ ước công việc của chị là gì thế? (Bá Trung, 15 tuổi, Nghệ An).

- Lê Thị Hằng: Cảm ơn em. Môi trường học hiện tại của chị rất tốt. Ở trường của chị khối lượng kiến thức khá nặng, như kỳ này chị học 5-6 môn, dù ít môn nhưng phải học rất nhiều. Nó đòi hỏi mình phải tự học hỏi, tự tìm hiểu rất nhiều. Thầy cô không giao bài tập và kiểm tra bài hàng ngày như thời cấp 3 mà tự bản thân mỗi người phải tự học. Các thầy cô vừa dạy lý thuyết vừa có những bài tập cơ bản, có ví dụ dễ hiểu. Bạn bè trong lớp rất thân thiện và hòa đồng.

Hiện tại, chị đang bận công việc gia đình nên chưa sắp xếp được thời gian để đi làm thêm. Nhưng sắp tới chị sẽ tìm một công việc phù hợp để làm như gia sư chẳng hạn. Trong tương lai, chị mong muốn sẽ học tập tốt và trở thành một kế toán trưởng giỏi.

- Hằng thân mến, với hoàn cảnh của mấy bạn như vậy, liệu các bạn nghĩ mình xẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền mà lơ đãng việt học hành của mình hay không? (Phan Trung Hiếu, 19 tuổi, 365/ Nơ Trang Lơng/ phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa/ tỉnh Đăk Nông)

Lê Thị Hằng: Chào bạn, đúng là sức cám dỗ của đồng tiền rất lớn, nhất là khi mình đang gặp khó khăn. Nhưng mình tin vào bản thân, niềm tin vào cuộc sống sẽ giúp mình chiến thắng tất cả. Học tập tốt sẽ đem lại cho mình nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Hiện tại, dù có đi làm thêm thì mình vẫn luôn đặt chuyện học tập lên hàng đầu.

- Chào Lê Hằng! Đọc bài viết của về em mà chị thấy cảm động và rất thương em. Chị cũng đang làm công việc kế toán của một doanh nghiệp nhà nước, nếu em cần chị giúp gì em về lĩnh vực này và trong khả năng, chị rất muốn giúp em. Chị muốn hỏi sau những biến cố gia đình, ngoài những nỗ lực bản thân, em có nguồn động viên nào đặc biệt. (Mai Hương, 30 tuổi, HN).

Lê Thị Hằng: Cảm ơn những lời chia sẻ của chị! Từ khi bố mẹ mất, em trai chính là người luôn ở bên em và là động lực giúp em vượt qua khó khăn. Có những lúc em cũng cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng vì mình là chỗ dựa duy nhất cho em trai nên em không thể buông xuôi.

Bạn bè và thầy cô cũng luôn ở bên em những lúc khó khăn nhất, vì thế em không cảm thấy mình cô độc. Những lời động viên, chia sẻ của mọi người giúp em có thêm niềm tin vào cuộc sống.

- Anh rất là ngưỡng mộ tai năng của các em. Với cuộc sống ở thủ đô hiện tại, các em có gặp nhiều khó khăn không? (Nguyễn Quốc Chí, 19 tuổi, Hà Nội).

Trần Xuân Bách: Cuộc sống trước đây của em rất khác so với cuộc sống ở thành thị hiện tại. Khi bước vào môi trường mới, em cảm thấy gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là phong cách sống mới, thời gian, sinh hoạt cũng khác.

Cuộc sống xa nhà, xa bố mẹ là một thử thách lớn, đòi hỏi bản thân em phải có nhiều kĩ năng sống hơn. Cách học tập cũng thay đổi so với trước đây. Phương pháp học tập của cấp 3 dựa nhiều vào thầy cô, còn học ở đại học chủ yếu là tự học. Nhưng em nghĩ rằng, với khả năng của mình. Em sẽ sớm thích nghi và có thể hòa nhập tốt với môi trường mới.

- Xin hỏi bạn Thiện: Bước vào môi trường học mới còn nhiều bỡ ngỡ, thực sự mình không biết phải học như thế nào, sắp xếp việc học ra sao cho có hiệu quả. Bạn có thể chia sẽ kinh nghiệm, phương pháp học tập trong môi trường đại học được không? Còn một điều nữa, theo bạn, học ngành hot (kế toán, Tài chính ngân hàng...) có thực sự quan trọng? (Mỹ Linh, 18 tuổi, Quảng Bình).

 

Nguyễn Ngọc Thiện: Mình thấy học đại học khá khác so với cấp 3. Lớp học đông, các khung giờ học khá "oái oăm" khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Nhưng ngoài những việc đó, mình cảm thấy học đại học chủ động hơn. Để có thể học hiệu quả, không cần bí quyết gì quá đặc biệt mà chỉ cần chuẩn bị bài trước ở nhà.

Bởi vì trên lớp thầy cô giảng khá nhanh, để thao kịp, mình phải nắm được khung bài giảng qua giáo trình trước. Kỳ đầu chỉ học các môn đại cương, nặng về lý thuyết nên mình nghĩ chỉ cần chăm chỉ là được.

Còn về ngành học, mình nghĩ quan trọng là bản thân thích gì, chứ không phải vì nó có "hot" hay không.

 

- Chào anh Thiện, cho em hỏi quan điểm của anh như thế nào về lối sống của sinh viên hiện nay? (Nguyễn Văn Lộc, 20 tuổi, ấp 2, An Viễn, Trảng Bom, Đồng Nai).

Nguyễn Ngọc Thiện: Mình nghĩ mỗi người có một lối sống riêng, thật khó mà nhận xét.

Với riêng mình, để không sa ngã vào những tệ nạn xã hội, mình thường tham khảo ý kiến của các anh chị khóa trên. Những kinh nghiệm của đàn anh, đàn chị giúp mình chọn được hướng đi đúng đắn. Nói chung, vẫn phải có sự hài hòa giữa học tập và phát triển kỹ năng mềm để trở thành con người toàn diện hơn.

 

Khi thủ khoa mê game

- Chào Xuân Bách! Khi mình đọc được Bách là một cậu bé rất mê game và thích khai thác mọi thứ trên internet. Mình có một thắc mắc là sao bạn không theo công nghệ thông tin? Hoặc làm việc ở một công ty game? Mà lại theo trường ĐH Y? (Nguyễn Thanh Mai Anh, 22 tuổi, Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trần Xuân Bách: Chơi game chỉ là một cách giải trí của mình sau những giờ học căng thẳng và còn là thời gian để vui vẻ và giải trí cùng với bạn bè nhưng chơi game không phải là niềm đam mê thực sự của mình. Mình vẫn theo đuổi một ước mơ là trở thành một bác sĩ từ những năm học cấp 3.

Làm bác sĩ có thể giúp đỡ được gia đình và nhiều người khác. Từ ước mơ đó, mình đã phấn đấu học tập và theo đuổi niềm đam mê của mình. Công nghệ thông tin rất có ích trong tất cả các công việc hiện nay. Mình nghĩ là mình vẫn sẽ học tập và học hỏi thêm về công nghệ thông tin vì nó cũng rất có ích cho ngành Y học.

- Mình thường thấy những bạn trẻ mê game thường không có kết quả tốt. Vậy bạn làm thế nào mà me game lại thủ khoa như thế? (Nguyễn Duy Hải, 19 tuổi, 25/72 FTTN, quận 12, TP.HCM).

Trần Xuân Bách: Không hẳn game đã là xấu, đôi khi chơi game còn luyện cho chúng ta nhiều khả năng và cả độ nhanh nhạy. Hơn nữa, chơi game còn là một cách giải trí tốt sau những giờ học căng thẳng. Quan trọng là chúng ta phải biết cân bằng thời gian giữa việc học và chơi. Nếu ta làm được việc đó, thì việc học cũng sẽ có hiệu quả và không nhàm chán.

- Em muốn hỏi anh Trần Xuân Bách, anh nói mình không phải là "mọt sách", mê chơi game, vậy thời gian anh dành cho việc học có nhiều không? Tại thành sao anh lại muốn trở thành bác sĩ? (Đậu Thị Giang, 17 tuổi, Quận 6, TP.HCM).

Trần Xuân Bách: Mình thật sự không phải là "mọt sách". Thời gian mình dành cho học tập cũng không quá nhiều. Nhưng việc học là liên tục, không nên bỏ dở ngày nào. Các bạn nên sắp xếp lịch học tập điều độ, cũng nên biết cách giải trí phù hợp để cho việc học có thêm hiệu quả và không trở nên nhàm chán.

Thủ khoa với tình yêu và ngày tận thế

- Bạn Trần Xuân Bách thân mến, mình có điều này rất tò mò, đó là điên rồ nhất bạn đã từng làm là gì? Bạn muốn thực hiện điều gì nhất nếu sắp tới có tận thế? (Trần Lan Anh, 19 tuổi, 307, TT Kim Liên, Hà Nội).

Trần Xuân Bách: Thật ra mình không hề tin vào "ngày tận thế". Nhưng nếu như chuyện đó có thật, trước ngày kinh khủng đó, mình sẽ cố gắng để được ở cùng gia đình, tận hưởng cảm giác ấm áp của bố mẹ, ông bà, anh chị. Những khoảnh khắc đó rất quý giá.

Hoặc nếu có khả năng phi thường, mình sẽ làm tất cả mọi thứ để đẩy lùi "ngày tận thế" đó.

- Chào bạn Bách, tại sao bạn lại lựa chọn ngành Y trong khi với vẻ ngoài như thế bạn có thể đi làm người mẫu, diễn viên, nhanh kiếm được nhiều tiền, sớm giúp đỡ người khác hơn? (Minh Ngọc, 18 tuổi, TP.HCM).

Trần Xuân Bách: Mình nghĩ là làm người mẫu hoặc diễn viên không phù hợp với khả năng và tính cách của mình. Mình là người trầm tính, không hay bộc lộ bản thân vì thế công việc bác sĩ phù hợp với mình hơn. Hơn nữa, bác sĩ giúp đỡ được người khác theo cách rất thực tế.

- Em cũng có ước mơ thi vào ĐH Ngoại thương. Cho em hỏi anh Thiện, sau một tháng học ở trường ĐH Ngoại thương, anh cảm thấy môi trường mới như thế nào ạ? Em cũng nghe kể con gái Ngoại thương xinh lắm, nếu chọn người yêu giữa xinh và thông minh thì anh sẽ lựa chọn ra sao? (Chipxinh, 15 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Ngọc Thiện: Mình ngày càng cảm thấy yêu thích môi trường học ở ngoại thương hơn. Ở đây mình được tiếp xúc với những người bạn tài năng, thực sự thế, một môi trường thật năng động mà ai cũng có thể hoàn thiện mình hơn. Đặc biệt mình thích những câu lạc bộ ở trường, giúp mình trải niệm những hoạt động mà mình chưa bao giờ được trải qua từ những năm cấp 3.

Ở trường nhiều bạn rất xinh, rất giỏi nữa, nếu phải chọn thì thật là khó, mình nghĩ là cái gì đến thì nó sẽ đến.

Khâm phục nghị lực của cô bé mồ côi

- Trước tiên anh xin chúc mừng vì kết quả học tập của Hằng. Anh hỏi em một câu nhé! Những lúc nào em thấy khó khăn nhất và điều gì đã giúp em vượt qua tất cả? (Phạm Ngọc Tuấn, 29 tuổi, An Lão, Hải Phòng).

Lê Thị Hằng: Cảm ơn những chia sẻ của anh. Mẹ mất từ năm em mới học lớp 7, vì thế, khoảng thời gian khó khăn nhất với em là lúc bố ra đi. Em phải gánh vác tất cả mọi chuyện trong nhà và chăm lo cho em trai, thật sự lúc đó em cũng không biết sẽ phải xoay sở  như thế nào. Nhưng nhờ có sự an ủi, giúp đỡ của họ hàng, hàng xóm, và bạn bè, em đã vượt qua tất cả. Dù bố mẹ đã mất nhưng em sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Em tin bố mẹ vẫn luôn dõi theo hai chị em em.

- Hằng thân mến! Sau những mất mát mà cháu đã trải qua, cháu có dự định gì để lo cho mình và cho em trong cuộc sống hiện tại đang vốn rất khó khăn và cháu có đủ sức để vượt qua không? (Huỳnh Thị Ngọc Dung, 42 tuổi, 3/2b Đường 10, KP 4, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Lê Thị Hằng: Trong thời gian tới, cháu sẽ tìm kiếm một công việc làm thêm để đủ tiền trang trải cuộc sống cho hai chị em. Dù cuộc sống khó khăn nhưng cháu sẽ luôn cố gắng để vượt qua. Hiện tại, cháu nghĩ quan trọng nhất mình cần học thật chăm chỉ, không ngừng phấn đấu để sau này có thể kiếm được một công việc tốt với một mức lương ổn định.

- Mình rất khâm phục bạn Lê Thị Hằng. Mẹ mất sớm cha cũng mất vậy mà em vẫn quyết tâm đi thi dù không được như nguyện vọng nhưng bạn có kết quả rất khả quan lại nuôi em của mình ăn học. Mình muốn hỏi Hằng thời gian sắp tới hằng thì học cao đẳng em Hằng cũng đang đi học bao nhiêu việc học việc nhà Hằng gánh vác như thế nào? Rồi chuyện ăn uống tiền đóng học phí biết bao nhiu là tiền? Nếu Hằng có làm thêm thì đâu được bao nhiêu tiền đâu Hằng sẽ xoay sở như thế nào? (Đoàn Văn Tuấn, 24 tuổi, Tân Trụ, Long An).

Lê Thị Hằng: Thời gian học trên lớp của mình là buổi sáng, vì thế buổi chiều ở nhà mình sẽ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm cho em trai. Có những hôm phải đi học thêm buổi tối thì cũng hơi bận rộn, nhưng mình cố gắng thu xếp thời gian để có thể hoàn thành được cả việc học lẫn việc nhà.

Vì hoàn cảnh gia đình nên cả hai chị em mình đều được miễn học phí. Với khoản tiền tử tuất của bố mẹ, chị em mình cũng đủ để chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt hàng tháng. Bên cạnh đó, chị em mình cũng được họ hàng và hàng xóm giúp đỡ thêm. Mỗi tháng tổ dân phố cũng quyên góp gạo để chị em mình đảm bảo việc ăn uống.


 

- Chị Hằng thân mến, em từng là một học sinh giỏi nhưng em đã sa sút trong học tập và làm cha mẹ phiền lòng, chị có thể giúp em lấy lại tinh thần, nhất là chuyện học như lúc trước được không? (Đinh Trương Khánh Toàn, 13 tuổi, 147/74 Phạm Ngũ Lao, Ninh Kiều, Cần Thơ).

Lê Thị Hằng: Chào em, điều đầu tiên chị muốn nói là em hãy nghĩ đến bố mẹ, những người yêu thương, chăm sóc chúng ta hết mực - mà không phải ai cũng may mắn có được. Khi buồn chán thì em có thể trò chuyện với bạn bè, thậm chí là cả cô dì, chú bác.  Trong giai đoạn khó khăn, khổ cực nhất, thì dì của của chị chính là người đã an ủi, động viên chị nhất, và nhờ điều đó mà chị đã vượt qua để tiếp tục thi đại học.

Trần Xuân Bách

 

Bách vốn là một cậu bé rất mê game, nhưng trong kỳ tuyển sinh vừa qua em đã khiến mọi người bất ngờ khi đạt 30 điểm (đã làm tròn, điểm cụ thể: Toán 10, Sinh 10, Hóa 9,75) vào ĐH Y Hà Nội. Bách là cựu học sinh lớp 12A3, THPT Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội, hiện học ngành Bác sĩ đa khoa ở ĐH Y.

Dù học giỏi, thi đạt điểm cao, nhưng Bách không phải là "mọt sách". Một trong những kinh nghiệm học tốt của Bách là tham khảo thông tin, làm bài tập dựa vào việc khai thác nguồn tài nguyên trên Internet.

Một điểm đặc biệt nữa là Bách sở hữu chiều cao vượt trội so với các bạn cùng trang lứa, tân thủ khoa này cao như một vận động viên bóng rổ. Ngoài thủ khoa ĐH Y, Bách còn đỗ á khoa (28 điểm) vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Thiện

Thiện là một trong những thủ khoa đầu tiên xuất hiện trong mùa tuyển sinh năm nay. Cậu học trò lớp 12A1, Trường THPT Thanh Miện (Hải Dương) đã trở thành tân thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương với 29 điểm (khối A).

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh không khá giả, bố mẹ làm nông, cho nên ước mơ của Nguyễn Ngọc Thiện là trở thành một doanh nhân thành đạt.

Nguyễn Thị Huyền, cô gái đến từ vùng cao Lai Châu. Huyền đỗ thủ khoa (28,5 điểm) vào ĐH Dược Hà Nội.

Lê Thị Hằng là tân sinh viên hệ CĐ của ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải. Em có hoàn cảnh rất xót xa khi mồ côi mẹ từ bé, bố bị ung thư tuyến tụy.

Đầu tháng 7 vừa qua, trước ngày thi đại học, bố của em vĩnh viễn ra đi. Cô gái trẻ đã phải nỗ lực hết sức để đến trường thi làm bài để thực hiện ước mơ.

BBT

Theo Infonet

BBT

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm