Bị bỏ rơi
Trong kỳ thi tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2014, 41 thí sinh được tiếp nhận không qua thi tuyển. Đó là thủ khoa đại học trong nước, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Mặc dù không không phải thi tuyển, nhưng 41 người này vẫn phải tham dự kỳ sát hạch, nếu đạt 50 điểm trở lên sẽ được tiếp nhận làm công chức ở đơn vị đăng ký trước đó.
Ngày 15/7/2014, kết quả kiểm tra sát hạch năm 2014 của Hà Nội được công bố, với 29/41 thí sinh đạt yêu cầu. Theo trình tự, Sở Nội vụ Hà Nội có văn bản báo cáo các trường hợp được tuyển thẳng vào công chức lên Bộ Nội vụ. Kết quả, Bộ Nội vụ chỉ đồng ý 15 trường hợp, không đồng ý với 14 trường hợp còn lại, vì cho rằng không đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Ngày 28/5, Sở Nội vụ Hà Nội có công văn trả lời đơn kiến nghị của 2 trong số 14 thủ khoa trong diện này. Theo đó, dù Sở trên đã có công văn xin ý kiến của Bộ Nội vụ nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được trả lời chính thức.
Thủ khoa đầu ra xuất sắc các ĐH-HV tại Hà Nội ghi danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Vietnamnet. |
Niềm vui ngắn ngủi
T.H, một trong 14 thủ khoa cho biết, sau khi ra trường, anh về làm cho công ty cổ phần ở tỉnh nhà. Biết thông tin TP Hà Nội đang có nhu cầu tuyển dụng công chức 2014, anh nộp hồ sơ. Lúc biết mình vượt qua sát hạch, anh đã làm đơn xin nghỉ theo đúng quy định của Luật Lao động.
Tháng 12/2014, sau nghỉ ở quê nhà, anh H tưởng sẽ có quyết định bố trí công việc ở Hà Nội, nhưng được thông báo tiếp tục chờ đợi. Anh cho biết, đang rất hoang mang. Ba tháng sau khi ở nhà chờ quyết định nhưng không được, T.H ra Hà Nội xin việc ở một công ty mới.
Trong khi đó, T.T một thủ khoa khác, cho biết: “Thời điểm đăng ký thi công chức năm 2014, tôi đang làm công việc kinh doanh tại công ty. Tôi vừa ôn thi, vừa đi làm”.
Đến đầu tháng 11/2014 có kết quả thi, chị nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty, chờ có quyết định tuyển dụng chính thức.
Còn thủ khoa T.D cho hay: “Biết tin vượt qua kỳ sát hạch công chức, tôi đã xin nghỉ công việc quản lý dự án thuyết minh, biên dịch, biên tập phim để chuẩn bị cho công việc mới. Trong thời gian chờ đợi, tôi vẫn tiếp tục biên dịch phim tại nhà”.
May mắn hơn, T.Tr – nữ thủ khoa - chia sẻ: “Khi biết kết quả sát hạch đạt yêu cầu, tôi đã tính nghỉ làm việc trong một công ty nước ngoài thuộc khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, nhưng rồi lại thôi”.
Vào làm ở các khu công nghiệp
Với bảng điểm đẹp cùng khả năng chuyên ngành tốt, T.H cho biết, đang làm ở lĩnh vực công nghệ thông tin cho một công ty với mức lương 5 - 6 triệu đồng. Công việc đúng với chuyên ngành và theo T.H cũng tạm ổn với cuộc sống hiện nay.
Chờ mãi không thấy có hồi âm, T.T nộp hồ sơ xin việc vào vị trí nhân viên tư vấn kinh doanh tại công ty trả góp tiêu dùng.
“Giám đốc kinh doanh nơi tôi xin việc là người quen cũ. Anh chia sẻ, muốn tìm người làm việc lâu dài. Công ty đào tạo nhân viên mới 2 tháng, sau đó mới vào làm chính thức. Nếu làm được 2-3 tháng rồi nghỉ thì ảnh hưởng công ty. Tôi cũng không muốn gây khó khăn cho anh nên đã rút hồ sơ", thủ khoa chia sẻ.
"Sau đó, tôi nộp hồ sơ vào vị trí kế toán tại một công ty tư nhân. Phỏng vấn tôi là chị kế toán trưởng, hỏi: Em và gia đình có ý định vào làm Nhà nước không? Câu hỏi đó khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi đang làm kế toán, thử việc trong 2 tháng với mức lương 3,1 triệu đồng, cao hơn so với mức lương của một công chức tập sự” – T.T tâm sự.
Trong khi đó, T.Tr chia sẻ: “Đi làm vừa giúp mình đỡ buồn phiền, lại có thu nhập ổn định với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng”. Dù vậy, công việc hiện tại của T.Tr khá áp lực, thường xuyên phải làm theo ca và môi trường làm việc trong nhà máy khá căng thẳng.
Tương tự, T.D hiện đã xin vào công ty sản xuất đồ điện trong một khu công nghiệp ở quê. Công việc quản lý chất lượng khá vất vả, thường xuyên phải làm thêm giờ. Mỗi tháng, thu nhập của T.D khoảng 5 triệu đồng.
Mong mỏi lớn nhất của các thủ khoa là Sở Nội vụ và Bộ Nội vụ cần có trả lời dứt khoát chuyện họ có được nhận vào làm công chức của thủ đô hay không.