Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ khoa đại học từng làm phục vụ ở quán cà phê

Nhà nghèo, ba mất, xe đậu hũ rong của mẹ không đủ trang trải cuộc sống nên Ngọc Biển – tân thủ khoa ĐH KHXH&NV TP.HCM - đi làm thêm từ năm lớp 10. Cô ước mơ trở thành nhà báo giỏi.

Phạm Thị Ngọc Biển (THPT Lắk, H.Lắk, Đắk Lắk) dự thi khối C, ngành Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Với điểm số 26, Biển là thủ khoa của trường này. “Từ năm cấp 2, em đã mong ước trở thành nhà báo để có thể đi nhiều nơi, viết những điều mình thấy. Ngày bạn báo tin đậu thủ khoa, em không có tin, đến khi kiểm tra kỹ lại, cả hai mẹ con mới vỡ òa trong niềm vui”, cô tâm sự.

Tra cứu, xem phổ điểm các ĐH TẠI ĐÂY

Đằng sau niềm vui là nỗi trăn trở cho những tháng ngày sắp tới của hai mẹ con. Cô Nguyễn Thị Bê (44 tuổi, mẹ của Biển) kể: “Suốt những năm còn là học sinh, tôi cũng không thể lo ăn học trọn vẹn cho cháu được. Cuộc sống gia đình khốn khó nên năm nào Biển cũng được nhà trường miễn học phí. Giờ cháu đi học nơi xa, có khi phải vay mượn tiền để trang trải học phí”.

Phạm Thị Ngọc Biển - Thủ khoa ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Phạm Thị Ngọc Biển - Thủ khoa ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Nhà Biển nghèo. Trước kia, khi ba chưa mất vì bệnh thì xe đậu hũ của mẹ, chài lưới đánh cá của cha còn không đủ lo cho cuộc sống ba anh em. Năm 2012 ba Biển mất, gánh nặng gia đình oằn lên vai cô Bê. Ngày ngày, Biển dậy sớm phụ mẹ làm đậu. Cô Bê bị bệnh nên Biển phải đẩy xe đậu hũ giúp mẹ ra chợ bán, chiều muộn đẩy xe về, cả đi và về mất 40 phút. Có những ngày, cô gái còn thay mẹ bán hàng. Thu nhập mỗi ngày khoảng 70.000 đồng, nhiều khi mưa gió nên bán ế, bốn mẹ con chỉ còn cách ăn đậu thay cơm.

Không chỉ vậy, từ năm lớp 10, cô thủ khoa đã phải đi làm thêm phụ gia đình. Biển kể: “Em làm phục vụ cho quán cà phê gần nhà, mỗi tháng được trả 1,2 triệu. Sáng em dậy từ 5 giờ, ăn mì tôm rồi đi làm đến 11h30 về nấu cơm và đi học. Lớp 10, em làm được gần 8 tháng, lên lớp 11 thì chỉ làm trong 3 tháng hè, cũng được 1,8 triệu/tháng, đủ để phụ giúp mẹ”.

Ngoài giờ học trên lớp và những lúc không đi làm thêm, Biển lại quán xuyên việc cửa nhà, kèm cặp đứa em đang học lớp 7.

Cô Nguyễn Thị Bê tâm sự: “Khi cháu ngỏ lời xin đi làm thêm, tôi chần chừ không muốn đồng ý, sợ ảnh hưởng đến việc học. Tôi phải ra điều kiện nếu đi làm mà học hành sa sút thì phải nghỉ ngay lập tức”.

Không như bạn bè cùng trang lứa, từ năm lớp 10 thì Biển (bên trái) đã đi làm thêm.
Không như bạn bè cùng trang lứa, từ năm lớp 10 thì Biển (bên trái) đã đi làm thêm.

Không phải là một học sinh giỏi nhưng cô thủ khoa biết những môn học thế mạnh của mình để cố gắng phát huy. Biết mình hợp với các môn xã hội, nên ngay từ khi học THCS, Biển đã đầu tư cho những môn này nhất là Ngữ Văn. Thành tích nổi bật của cô gái có biệt danh “muối” là đoạt giải ba môn Văn cấp tỉnh năm lớp 11 và 12.

Bí quyết giúp Biển học tốt chính là nhờ vào sơ đồ tư duy. Trong cả 3 môn của khối C, Biển đều áp dụng cách này. Với môn Lịch Sử, Biển lập sơ đồ các sự kiện tiêu biểu theo từng thời kỳ thay vì học lan man tất cả. Môn Địa thì ngoài học thuộc lòng cô còn bổ sung thêm những ý kiến riêng mà mình cho là đúng. Riêng với môn Văn, vì đây là môn sở trường yêu thích nên “em không có bí quyết cụ thể, chỉ chăm chú nghe thầy cô giảng và ghi nhớ trong đầu”, cô thủ khoa bộc bạch.

Biển vạch kế hoạch: “Trước mắt em sẽ tranh thủ ra Huế thăm họ hàng, chia sẻ niềm vui vào đại học. Khi nhập học một thời gian, chắc em sẽ cố gắng kiếm công việc làm thêm nào đó”.

 

Đa tài như thủ khoa kép Ngoại thương và Ngoại giao

Là thủ khoa của hai trường Ngoại thương và Học viện Ngoại giao nhưng Việt Anh chỉ học 1 tiếng/ngày, hay thức đêm xem World Cup. Cậu còn mê ca hát, chơi bóng bàn, bóng rổ, làm MC.

Như Quỳnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm