Thủ khoa đạt 10 điểm môn Địa, có trí nhớ đặc biệt
Lương Thùy Vy, thủ khoa ĐH Luật TP.HCM, thí sinh có điểm khối C cao nhất nước không chỉ được bạn bè nể phục vì học giỏi đều, mà còn bởi khả năng tranh luận, nhớ giỏi.
Tra cứu điểm thi các trường đã công bố TẠI ĐÂY.
Chiều 23/7, ĐH Luật TP.HCM vừa công bố điểm thi. Trường có 4 thủ khoa đều đạt 26,5 điểm, trong đó có bạn Lương Thùy Vy (18 tuổi, THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) là thí sinh duy nhất ở khối C, 3 em còn lại thi khối A. Vy còn là sĩ tử đầu tiên trong cả nước đạt điểm 10 môn Địa lý trong mùa thi năm nay. Em cũng là thủ khoa có điểm số cao nhất ở khối C tính đến thời điểm này.
Điểm trung bình Địa lý, Văn học thua môn khác
Trong suốt 12 năm học, Vy đều là học sinh giỏi. Lớp 11, Vy được chọn trong đội Sử lớp 12 đi thi quốc gia và giành giải nhì, là học sinh xuất sắc nhất khối. Lớp 12 Vy đạt giải ba quốc gia môn Sử cấp quốc gia.
Với thành tích này Vy có thể nộp hồ sơ xét tuyển thẳng, nhưng vì chỉ có thể vào thẳng các ngành thiên về Lịch sử, trong khi niềm đam mê là ngành Luật nên nữ sinh của thành phố Đà Nẵng quyết định đi thi ĐH. |
Thùy Vy cho biết, cô làm tốt bài thi đại học khối C của mình và tự tin sẽ đậu vào khoa Luật thương mại, từng thoáng nghĩ mình sẽ được thủ khoa. “Nhưng biết tin thủ khoa em vẫn rất bất ngờ. Lúc thi xong em làm bài tốt nhưng thấy nhiều bạn nói đề không khó nên chắc sẽ có người làm còn tốt hơn mình”, Vy nói.
Cô nữ sinh trường chuyên Lê Quý Đôn chỉ dự thi mỗi trường ĐH Luật, ngành Luật thương mại. Theo Vy, vì đây là ngành hot trong lĩnh vực này, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, kinh tế thị trường phát triển càng cần luật thương mại. Vy xác định thi luật từ lớp 11 và chọn ngành có điểm chuẩn cao nhất. Điều này, ngoài lý do yêu thích, cũng là để thử giới hạn của mình với mục tiêu khó nhất của ĐH Luật.
Lương Thùy Vy, thí sinh đầu tiên được điểm 10 Địa lý. |
Là học sinh đầu tiên được điểm 10 Địa lý nhưng môn học Vy yêu thích nhất là Lịch sử và là học sinh lớp chuyên Sử. Lớp 12, hầu hết các môn, môn nào Vy cũng được điểm trung bình trên 9, duy chỉ Địa lý với Ngữ Văn là thấp. Vy cho biết: “Môn Địa em chỉ có 8,7 và em cũng không nghĩ mình đươc 10 môn này. Tuy nhiên đề Địa cũng không quá khó với em nên em vẫn làm rất tốt”.
Bạn nè nể vì cãi giỏi
Ước mơ của Vy là trở thành một luật sư giỏi nên Vy chọn học Luật. “Chỉ thích và ước mơ thôi chưa đủ, còn dựa trên khả năng nữa. Em thấy mình có khả năng nói chuyện trước đám đông. Bạn bè nhiều đứa nể em ngoài chuyện học tốt còn vì em cãi giỏi, có lúc bày tỏ quan điểm lấn át mọi người nên nhiều đứa bạn không thể cãi lại em”, cô thủ khoa trường Luật cho biết.
Trong lớp học, các môn thường được thầy cô chia nhóm làm bài thuyết trình. Vy thường xuyên được bạn bè tin cậy cho vai trò trưởng nhóm, nhất là lúc thuyết trình, hùng biện. Nhóm nào có Vy tham gia, dễ dàng “ăn” được điểm cao nhất. Ngoài ra Vy còn thuyết trình trước sân cờ, phát biểu trước đám đông trong nhiều chương trình của trường.
Vy được nhiều bạn bè nể không chỉ ở thành tích học tập mà còn vì ở khả năng ăn nói. |
Không chỉ được bạn bè nể phục vì giỏi ăn nói, Vy còn có khả năng nhớ rất nhanh các ngày tháng, nội dung sự kiện, tin tức. Cô bạn khẳng định: “Nếu em đọc một bài báo hay tìm hiểu sự kiện lịch sử em có thể nhớ chính xác ngày, tháng, năm và nội dung trong bài. Vì lý do đó, mà từ lớp 9, thầy cô đã khuyên em chọn học chuyên Sử”.
Về bí quyết học tập, thời gian ôn thi đại học, Vy dành 7–8 tiếng để học mỗi ngày. Tuy nhiên, Vy không đạt áp lực phải học được chừng này bài, học một lúc lại nghỉ khoảng 15 phút. Với các môn xã hội, theo Vy cần nắm và hiểu kiến thức cơ bản chứ không nên học thuộc lòng. Đặc biệt phải thường xuyên đọc báo, xem thời sự, đọc sách để có thêm nhiều kiến thức xã hội ngoài sách giáo khoa.
Đó cũng là sở thích thường ngày sau giờ học của Vy. Cô thủ khoa mê đi nhà sách hàng tuần, thích đọc sách lịch sử, tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vy cũng thích vẽ chân dung, xem thần tượng quần vợt Roger Federer thi đấu.
Không bao giờ cãi mẹ
Bố Vy nghỉ hưu, mẹ là lao động chính trong nhà. Cả gia đình 5 người phụ thuộc vào số tiền bán hàng gia dụng của mẹ ở chợ Cồn (Đà Nẵng). Cho nên ngoài tập trung học hành, Vy thường xuyên phụ giúp mẹ chuyện nhà cửa, nấu nướng, chăm sóc em trai.
Mẹ của Vy, cô Trương Thị Phương Mai (46 tuổi) bộc bạch: “Vy ngoan và lành lắm, không đi chơi đàn đúm và cãi lại cô bao giờ. Biết nhà cũng khó khăn nên suốt từ bé cháu không đòi hỏi gì hết, chỉ gắng sức học và rất chăm phụ việc nhà. Cách đây 5 năm, gia đình sa sút quá, làm ăn thua lỗ nhưng cháu không than vãn, vẫn chăm chỉ học, có khi đến 2h sáng”.
“Vy không bao giờ làm cho cô thấy buồn lòng, nhất là trong học tập”, cô Phương Mai nhận xét.
Nhận xét vì cô học trò của mình, thầy Đặng Công Thành, tổ trưởng tổ sử THPT chuyên Lê Quý Đôn nói: “Vy luôn xứng đáng là lớp phó học tập gương mẫu, bạn bè quý mến. Gia đình Vy khó khăn nhưng em luôn phấn đấu, giàu nghị lực trong học tập, không bao giờ than vãn”.
NHƯ QUỲNH
Theo Infonet