Chia sẻ với Zing, Nguyễn Hải Vân (23 tuổi) cho biết bạn từng có lúc hoang mang khi chọn học ngành Y tế Công cộng. Đây cũng không phải lựa chọn ban đầu của cô gái này.
Nguyễn Hải Vân là thủ khoa đầu ra ĐH Y tế Công cộng, điểm trung bình toàn khóa đạt 8,22/10. Ảnh: Hải Vân. |
Nguyễn Hải Vân kể hồi học trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, bạn học lớp chọn nhưng chỉ là học sinh bình thường trong lớp.
Năm 2015, Vân thi THPT quốc gia, đặt mục tiêu vào ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội, nhưng không trúng tuyển. Dù dự định thi lại, nữ sinh theo học ngành Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội, theo mong muốn của bố mẹ.
Năm sau, Vân thi lại và tiếp tục lỡ hẹn với ngành Y đa khoa. Nghe giới thiệu của người quen, bạn đăng ký vào ngành Y tế Công cộng, ĐH Y tế Công cộng.
Năm đầu, Nguyễn Hải Vân hoang mang vì kiến thức của ngành học quá rộng. Đến năm thứ hai, bạn định hướng rõ ràng hơn.
“Ngành học hiện tại giúp mình có nhiều thời gian hơn để phát triển theo con đường mong muốn”, Hải Vân tâm sự.
Suốt 4 năm đại học, ngoài việc học tốt ở trường, Hải Vân còn tham gia nhiều dự án nghiên cứu, hoạt động xã hội, làm điều tra viên.
Nguyễn Hải Vân cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu “Thực trạng tham gia công nghiệp thương mại tình dục của nhóm thanh niên tại Hà Nội” trong chương trình UNESCO Youth-led Research.
Với nghiên cứu này, nhóm của Vân liên hệ với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhờ hỗ trợ. Nghiên cứu đó thay đổi cách suy nghĩ của nữ sinh rất nhiều.
Sau khi tiếp xúc, trò chuyện với người trong cuộc, Hải Vân nhận ra góc nhìn nào cũng có sự chính xác nhất định nhưng không toàn diện. Từ đó, bạn học cách nhìn nhận mọi chuyện cởi mở hơn, tìm hiểu kỹ trước khi nhận xét.
“Mình định học thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng. Nghiên cứu trên rất tốt cho con đường sau này của mình”, Vân nói.
Hải Vân dự định theo ngành Tâm lý học lâm sàng và sẽ học thạc sĩ trước khi hành nghề. Ảnh: Hải Vân. |
Với định hướng như vậy, năm sau, Nguyễn Hải Vân sẽ tham gia khóa học chuyển tiếp khoảng 3 tháng rồi thi thạc sĩ. Điều này có nghĩa trong nửa năm tới, Hải Vân không đi làm như bao sinh viên ra trường khác.
Vân tâm sự sau khi tốt nghiệp, bạn đi làm hai tháng. Thấy công việc đó không giúp ích gì cho sự nghiệp sau này, Hải Vân nghỉ việc, dành thời gian để trải nghiệm, bổ sung kiến thức.
Hiện tại, cô gái tham gia điều hành trang mạng xã hội về nâng cao sức khỏe tâm lý cho cộng đồng. Nhưng trong mắt nhiều người, Vân vẫn thất nghiệp và chịu áp lực nhất định dưới cái mác thủ khoa.
"Với mình, hiện tại, danh hiệu thủ khoa là áp lực khi chưa có công việc. Tuy nhiên, về lâu dài, đặc biệt khi ngành tâm lý rất cần uy tín cá nhân, danh hiệu này sẽ góp phần tạo dựng ấn tượng và niềm tin tốt hơn trong thời gian đầu hành nghề", cô gái tâm sự.