Thủ khoa nhiều quá thì hết quý
Khi nhiều trường cùng tuyên bố có cùng lúc nhiều thủ khoa với điểm cao chót vót, không ít người cho rằng khái niệm thủ khoa bị bão hòa và “mất giá” vì đề thi có vẻ... dễ.
Phụ huynh và thí sinh xem điểm thi tại một trường ĐH. |
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, xã hội cũng cần nhìn nhận lại khách quan hơn và đừng suy tôn quá đà hai chữ “thủ khoa” của một kỳ thi tuyển sinh được tổ chức hằng năm ở vài trăm trường ĐH, CĐ.
Không còn là hiếm
Ngày 29/7, ĐH Y Hà Nội công bố cùng lúc có đến... 17 thủ khoa đạt 29,5 điểm. Số thí sinh đạt từ 29 điểm trở lên của trường là 26. Đồng thời, Học viện Quân y ở hệ đào tạo quân sự cho thí sinh thi phía Bắc và phía Nam ghi nhận bốn thủ khoa cùng đạt 29 điểm.
ĐH Bách khoa Hà Nội một thủ khoa 29,75 điểm, một á khoa 29,5 điểm; ĐH Ngoại thương, ĐH Y Thái Bình... đều có thủ khoa 29,5 điểm. PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - hóm hỉnh nói với: “Nhiều thủ khoa thì thấy ngay lễ vinh danh ở Văn Miếu năm nay hẳn nhiên sẽ... chật chỗ”!
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tuy mới chỉ có hơn một nửa số trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh công bố điểm thi nhưng số thủ khoa các trường ĐH, CĐ đạt từ 29 điểm trở lên đã đếm... mỏi tay. Danh sách 100 thí sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc cũng đã đẩy lên rất cao khi không còn ai 28 điểm lọt vào được bảng danh dự này. Trong 100 thí sinh đạt điểm cao nhất cũng đã xuất hiện hai thí sinh 29 và 29,25 điểm của một trường CĐ (CĐ Y tế Thái Bình).
Một giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc cả nước có nhiều thủ khoa 28-29 điểm trở lên trong một kỳ thi chung đề đã cho thấy rất rõ đề thi không quá khó như trước đây. “Đã có thời thủ khoa 29, 30 điểm cực hiếm nên cực quý. Giờ nhiều thủ khoa suýt soát 30 điểm nên quan niệm về thủ khoa cũng không nên quá coi trọng” - vị giảng viên này nói.
“Không nên đề cao quá”
PGS Văn Như Cương cho rằng không nên đề cao danh hiệu thủ khoa khi ĐH cốt là kỳ thi tuyển chọn người đủ khả năng theo học ĐH. “Thủ khoa là gì? Có vẻ lâu nay nền khoa cử trọng thành tích vẫn đề cao quá mức ngôi vị này. Tôi hơn anh nửa điểm vì tôi cẩn thận hơn, tôi đã là thủ khoa, anh chỉ còn là á khoa. Nhưng giá đề có tính phân loại tốt hơn, kết quả thi không bị khác thường như năm nay” - ông nhận định.
Theo PGS Cương, Bộ GD-ĐT nói đề phân loại tốt nhưng vốn là TS toán học ông thấy thí sinh ở mức trung bình, trung bình khá là có thể đạt 7 điểm. “Câu để phân loại thật ra chỉ có 1 điểm, nghĩa là không thể đạt 10 thì thí sinh cũng đạt 9 điểm” - PGS Cương nói.
Do đó, ngay cả câu chuyện mà nhiều phụ huynh có phần lo lắng và bức xúc tại Hà Nội ngày hôm qua khi con em họ đạt 27 điểm ba môn, nghĩa là trung bình 9 điểm một môn cũng chưa chắc đỗ ĐH Y Hà Nội, theo PGS Cương, cũng chính xuất phát từ việc đề thi có tính phân loại rất hạn chế khiến “cả xã hội áy náy vì điểm thi cao thế mà không đỗ nổi ĐH”.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng thực tế dù đề dễ hay khó thì rốt cục trường nào cũng có... thủ khoa. “Thật ra, đề thi năm nay mọi người đánh giá dễ hơn năm ngoái chủ yếu giúp cho số điểm trung bình, khá nhiều hơn hẳn năm trước. Còn số thí sinh xuất sắc, đạt điểm gần tuyệt đối không nhiều. Cách đây 4-5 năm, đã có mùa tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội “bội thu” thủ khoa 30 điểm” - ông Sơn nói.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều năm qua vẫn duy trì việc trao thưởng cho thủ khoa, nhưng PGS Sơn khẳng định không nên tôn vinh thủ khoa quá đà vì đây chỉ là một kỳ thi. “Việc tôn vinh thành tích học tập nên dựa vào cả một quá trình.
Thủ khoa ĐH chưa thể coi là có đóng góp gì to lớn cho đất nước. Sau quá trình học tập, khi làm việc, các em có nhiều đóng góp và cống hiến nổi bật thì cần thiết được tôn vinh xứng đáng. Bởi lẽ kinh nghiệm đào tạo cho thấy không phải thủ khoa nào rồi cũng thành người tài, có nhiều đóng góp cho đất nước. Có những bạn trẻ điểm thi ĐH rất bình thường, nhưng bằng nỗ lực, khả năng, sự kiên trì của mình lại có những thành tựu xuất sắc sau này”- PGS Sơn nhận định.
Theo Tuổi Trẻ