Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học bách khoa Đà Nẵng, Phạm Minh Vương (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) khăn gói vào TP.HCM để tìm kiếm cơ hội trên mảnh đất mới này. Với vốn kiến thức được tích lũy từ những năm tháng trong trường đại học, Vương dễ dàng được nhận vào một công ty danh tiếng ở TP.HCM. Nhưng mọi chuyện bất ngờ cũng bắt đầu từ đó, đến cuối cùng thì Vương phải vào tù, ra tội vì những ý nghĩ lầm lạc của mình.
Từ một cử nhân tiềm năng
Nghe tin Phạm Minh Vương bị công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) bắt giam về hành vi Trộm cắp tài sản nhiều người thân cũng như bạn bè của nam thanh niên này đã tiếc nuối và thất vọng về anh ta. 12 tuổi, ở vùng đất nghèo An Sơn, Vương đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho những người hàng xóm cùng bạn bè của mình khi liên tục là một học sinh xuất sắc lại chăm ngoan và không bao giờ cãi lại lời cha mẹ.
Bước vào những năm học cấp hai ở xã, hầu như Vương cũng chỉ biết đến việc học, nhiều lần bạn bè rủ đi chơi nhưng Vương đều từ chối. Nguyễn Hải Hùng, bạn thân của Vương cho biết: “Từ nhỏ, Vương là một học sinh luôn được thầy cô tin yêu và bạn bè mến phục vì không chỉ có bản thân học giỏi mà còn thường xuyên giúp đỡ những bạn bè khác học kém hơn mình nữa”.
Liên tục giành được nhiều giải thưởng học sinh giỏi, Vương được chọn là học sinh tiêu biểu của địa phương. Ước mơ của Vương là được về TP.Tam Kỳ vào học trong một trường chuyên nào đó trước khi vào trường đại học, nhưng thương cha mẹ nghèo vất vả làm lụng, lên thành phố trọ học lại tốn kém nên cuối cùng Vương vẫn chọn giải pháp ở nhà tự học. Khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều người bạn của Vương khuyên Vương có học lực tốt hãy chọn các trường học trong TP.HCM để có thêm điều kiện phát huy tối đa khả năng của mình, nhưng Vương lại nghĩ học ở đâu cũng đều có thể vươn lên khẳng định mình, miễn là có chí tiến thủ và sáng tạo ngay từ thời sinh viên. Chính ý nghĩ đó đã giúp Phạm Minh Vương thi đỗ với số điểm cao vào trường Đại học bách khoa Đà Nẵng.
Khi còn là sinh viên năm nhất, Vương đã tự mày mò sáng tạo ra nhiều thiết bị điện tử mà những bạn học của Vương cũng không thể ngờ tới được. Gã luôn tự nhủ với lòng mình rằng kiến thức của thầy cô chỉ là nền tảng nhất định, muốn bắt nhịp theo thực tế và thực hiện những ước mơ của mình thì cần phải tự học hỏi thêm nhiều thứ khác nữa. Luôn đi đầu trong công tác học tập ở trường đồng thời Vương cũng năng nổ tham gia các hoạt động tập thể khác. Với những nỗ lực bền bỉ ấy, cách đây hơn 5 năm, Phạm Minh Vương đã tốt nghiệp thủ khoa trường đại học. Giấc mơ chinh phục những công trình của Vương cũng bắt đầu từ đó.
Phạm Minh Vương. |
Vấp ngã đầu đời
Trong nhiều lần tâm sự với bạn bè của mình, Phạm Minh Vương vẫn hay bộc bạch rằng mình muốn học đại học ngay ở Đà Nẵng cho gần nhà để có thể giúp đỡ thêm cho bố mẹ, hơn nữa, học gần nhà thì mọi chi phí sẽ được tiết kiệm hơn rất nhiều. Tuy nhiên sau khi tích lũy được đầy đủ những kiến thức ở bậc đại học thì Vương lại muốn vào TP.HCM để thể hiện bản thân mình. Hơn nữa, những công ty, doanh nghiệp có ngành Vương học ở Đà Nẵng cũng không nhiều, nên dù được bố mẹ can ngăn làm ở gần nhà nhưng Vương vẫn quyết chí ra đi.
Ngày rời Quảng Nam vào Sài thành, Phạm Minh Vương đã tuyên bố với những người thân và bạn bè của mình rằng dù có khó khăn, khổ ải bao nhiêu thì cũng quyết tâm vượt qua, sẽ làm những công việc xứng đáng với những gì mình đã học được, các thầy cô đã trang bị cho mình.
Chân ướt chân ráo vào miền đất mới, Phạm Minh Vương được một công ty về điện tử - cơ khí lớn ở TP.HCM nhận vào làm. Cần mẫn làm việc nhưng kinh nghiệm thực tiễn còn khiêm tốn lại chưa có nhiều va vấp nên Vương cứ đinh ninh những kiến thức mình có được là hoàn toàn đúng. Gã liên tục cãi vã với cấp trên của mình và một kết cục tất yếu là Vương bị cho nghỉ việc.
Sau khi nghỉ việc, cầm đơn xin việc đi lang thang qua nhiều công ty khác nhưng đều không có những công việc phù hợp với yêu cầu của mình, gã càng trở nên chán nản. Nhiều lần muốn quay về quê cho xong nhưng nhớ lại những lời tuyên bố trước lúc ra đi nên Vương lại ở lại. Số tiền ít ỏi Vương có được cũng cạn dần.
Túng quẫn, không còn tiền tiêu nhưng Vương lại không chịu làm những công việc chân tay kiểu lao động phổ thông để lấy ngắn nuôi dài, mà gã đã lê la qua nhiều khu kí túc xá của trường Đại học Quốc gia TP.HCM để trộm cắp. Tuy nhiên, tường rào ở khu vực này khá cao, biết khả năng của mình không thể đột nhập vào nổi nên Vương chuyển địa bàn sang Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM. Khi đã quan sát có thể vào trộm đồ được ở khu vực này, Vương đã sắm bộ đồ nghề gồm kìm và cưa sắt, sau đó gã đột nhập vào nhiều phòng của sinh viên để trộm laptop và tài sản. Hành động vụng về cũng là vết trượt đầu đời của một gã cử nhân đã sớm bị bại lộ. Cuối năm 2011, Phạm Minh Vương bị TAND quận 5, TP.HCM tuyên án gần một năm tù giam.
Lầm đường lạc lối
Sau khi ra tù, với tiền án và sợ về quê sẽ mắc nhiều điều tiếng với bạn bè và thầy cô giáo cũ nên Phạm Minh Vương đã chọn phương án đi làm ăn xa một thời gian dài. Lần này, Vương tiến thẳng ra miền Bắc theo lời mời rủ của một số bạn học cũ. Ra Hà Nội làm phục vụ rồi làm công việc thời vụ trong một số công ty được một thời gian thì Phạm Minh Vương cùng với bạn của mình đánh liều chuyển qua kinh doanh nhỏ, bán hàng điện tử. Tuy nhiên công việc này không mang lại thu nhập như mong muốn.
Cứ quanh quẩn mãi nhưng rồi xoay xở làm ăn kiểu gì cũng đều thất bại nên sau những ngày chán nản, Phạm Minh Vương quay về Đà Nẵng, gã nảy ra ý định là sẽ tiếp tục hành nghề trộm cắp và lừa đảo để trả thù đời. Lần này mà gã nhắm tới có thể là bất kỳ ai miễn là có tài sản và có thể trộm được. Theo như thổ lộ của Vương thì chính những ngày ra Hà Nội để làm ăn với bạn là những ngày trong lòng gã tràn đầy quyết tâm muốn làm lại cuộc đời của mình sau vết trượt ngã đầu đời ở TP.HCM, nhưng mọi sự đã không giản đơn như gã nghĩ.
Trộm lặt vặt không được bao nhiêu mà đột nhập vào nhà riêng thì đó là lại nỗi ám ảnh đối với Vương, nên gã đã chọn cách theo dõi tất cả các khách VIP đến chơi trong các sân tennis, sân golf trên địa bàn Đà Nẵng để rình mò và trộm điện thoại đắt tiền cũng như các tài sản khác khi khách mang đến sân. Theo khảo sát của Vương thì hầu hết các khách chơi hai môn thể thao này đều là những người khá giả và có mang theo tài sản giá trị.
Cách đây không lâu, tại sân vận động trung tâm Quốc phòng 3, Quân khu 5 (Đà Nẵng), sau khi rình mò, Vương đã lén đến bên túi đồ của ông Nguyễn Anh Dũng thó một chiếc điện thoại di động iPhone 4S. Hành vi của gã đã bị bảo vệ sân vận động phát hiện kịp thời và báo công an truy bắt.
Nỗi ân hận vì những vết trượt dài của một cử nhân đầy tiềm năng lại khiến Vương tiếp tục phải trả giá bằng những năm tháng trong tù.