Chúng tôi đã gặp Võ Tuyết Loan (sinh năm 1994, TP Bạc Liêu) - cô nữ sinh khiến thầy và trò CĐ Giao thông vận tải (Q3, TP.HCM) khâm phục - sau khi nhận thông tin về em do hội sinh viên gửi đến qua email tòa soạn Zing.vn.
Con nhà nghèo mắc bệnh hiểm ác
Năm 18 tuổi, Loan thi đậu vào trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đó là một niềm vui lớn đối với cả gia đình. “Nhà em có 4 anh chị em thì ai cũng nghỉ học sớm đi làm ruộng. Em là con út được ăn học đầy đủ, lại đậu đại học nên cả gia đình kỳ vọng nhiều lắm”, cô gái có thân hình nhỏ bé chia sẻ.
Tuyết Loan trong giờ học công nghệ thông tin. |
Nhưng Loan cũng chỉ cùng bạn bè cắp sách đến giảng đường được 1 tuần thì nhập viện. Thời gian đầu điều trị, cô gái lạc quan nghĩ rằng bị sốt. Sau 2 tháng điều trị, qua những lần chuyển viện, xét nghiệm thì bác sĩ nói Loan bị ung thư máu. Kết luận như sét đánh ngang tai, khiến cô gái 18 tuổi suy sụp. Giảng đường trước mắt cô là chốn xa xôi dù có nhiều ước mơ tốt đẹp.
Đôi mắt Loan trũng sâu khi nhớ lại khoảng thời gian ấy. Bác sĩ đưa ra những phác đồ điều trị với mức viện phí tối thiểu 500 triệu đồng cho đến 1 tỷ nếu thay tủy.
“Nhưng khả năng thành công thì không thể nói trước được”, cô nữ sinh ngậm ngùi. Đó là lần duy nhất cô gái 18 tuổi tỏ ra yếu đuối vì căn bệnh tuyệt vọng của mình.
Cuối cùng, Loan chọn phương pháp điều trị duy trì bằng cách uống thuốc và truyền tiểu cầu. Ở tuổi 18, Loan phải gắn bó với giường bệnh, mái tóc cứ thưa dần và việc học thì phải dừng lại. Cô chia sẻ: “Nhà không có nói cho em biết số tiền để chữa bệnh nhưng em biết là rất tốn kém quá khả năng so với thu nhập từ cây lúa của ba mẹ. Đến sổ đỏ, nhà cũng đã cầm cố và vay mượn mọi nơi”.
Đạt thủ khoa sau khi bị bệnh viện trả về lo hậu sự
Từ ngày nghỉ học, Loan vẫn ở lại TP.HCM để điều trị bệnh. Mỗi tháng, cô đi xe buýt 2-3 lần đến bệnh viện. ởi điều trị duy trì, nên những cơn đau đầu, buồn nôn, nhức xương vẫn đều đặn tìm đến thân thể bé nhỏ của Loan.
Có lần, Loan thẫn thờ khi bác sĩ phải trả cô về với gia đình để chuẩn bị lo hậu sự. Đó là thời điểm giữa năm 2014, sức khỏe cô gái đã rất yếu. Nhưng khi về nhà, như có một phép thần kì, sau 2 tuần cô khỏe lại và có thể lên lại thành phố thi đại học, cao đẳng.
Trước đó, vì khát khao muốn được đi học sau 2 năm bỏ quên nên Loan đã đăng ký đi thi. Cô chọn ngành công nghệ thông tin vì thấy hợp với cả khả năng và sức khỏe bản thân. “Không đi học, thấy thiếu thốn nên em muốn thi lại để có mục tiêu vươn tới”, cô gái quê Bạc Liêu cho biết.
Ngày thi đại học, Loan một mình đến hội đồng thi. Cô cười nheo mắt vì làm được bài và không gặp vấn đề sức khỏe trong giờ thi. Và Tuyết Loan, 20 tuổi, đã thi được 23,5 điểm, là thủ khoa đầu vào của khoa trong khi căn bệnh ung thu máu vẫn trong cơ thể.
Dù sức khỏe kém nhưng từ ngày nhập học, Loan vẫn chưa nghỉ buổi nào. Chỉ có những hôm đang học, mệt qua nên cô xin về sớm. Ngoài ra, Loan cũng đảm nhận tốt vai trò lớp trưởng mà bạn bè tín nhiệm giao cho.
Anh Tăng Quốc Cường (giáo viên khoa Công nghệ thông tin) cho biết: “Từ khi Loan mới nhập học, nhà trường đã biết hoàn cảnh éo le của em. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để Loan có thể an tâm đi học như trao học bổng, làm giấy miễn giảm học phí và vận động bạn bè giúp đỡ, động viên em. Điều tôi ấn tượng là Loan luôn lạc quan, vui vẻ với cuộc sống”.
Tuyết Loan tâm sự: “Từ bé mọi người hay gọi em là đại tướng vì tính tình cứng rắn. Em nghĩ rằng, ai cũng sống một lần nên dù có những lần tuyệt vọng thì sau cùng em vẫn cố gắng lạc quan, vui với cuộc sống. Em cũng thấy những tấm gương ung thu máu vẫn sống tốt, đó là động để bản thân cố gắng”.