Từ nỗi buồn lo
Là thủ lĩnh thanh niên trong xã Phú Hiệp, Tân thấy buồn khi chứng kiến củ kiệu, một nông sản địa phương cũng như gia đình mình thường rơi vào cảnh bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Trần Minh Tân bên sản phẩm kiệu. |
Tân nảy ra ý tưởng thành lập một hợp tác xã thanh niên làm dưa kiệu, kết hợp làm du lịch cộng đồng. Dự án khởi động tháng 10/2014, ngoài Tân (tổ trưởng) còn có 4 tổ viên. Hợp tác xã do Tân chủ nhiệm tạo việc làm ổn định cho 17 thanh niên xã Phú Hiệp, với quỹ đất trồng kiệu hơn 11 ha.
Tân cho biết: “Củ kiệu quê mình ngon, do trồng trên đất phù sa vùng Bắc sông Tiền. Tuy vậy, gia đình mình cũng như bà con trồng kiệu luôn đau đầu vì bị thương lái ép giá.
Người nghèo vì kiệu nhiều hơn là người giàu nhờ kiệu. Mình luôn canh cánh việc nâng cao kỹ thuật canh tác, phương thức chế biến dưa kiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thử thách mình tự đặt ra là làm sao để kiệu của tụi mình càng “sinh thái” càng tốt, tức là hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng.
Ngoài việc sản xuất, mình còn đưa sản phẩm đến với quầy hàng đặc sản du lịch, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông để kinh doanh. Qua đó, mình tranh thủ ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng”.
Kết hợp du lịch khám phá với đặc sản dân dã địa phương là một giải pháp có tương lai. Cứ mỗi khi đến mùa thu hoạch kiệu, Tân chủ động liên hệ với các công ty, điểm du lịch để khai thác các tour du lịch “homestay”, trải nghiệm thu hoạch và sản xuất kiệu tại nhà người dân.
Tân chia sẻ đầy tâm huyết: “Mình muốn xây dựng làng nghề kiệu trên bản đồ du lịch. Mình dự định tận dụng kinh nghiệm của những người lớn tuổi là phụ huynh của tụi mình để chia sẻ, dẫn dắt câu chuyện cùng du khách.
Nếu du khách thấy được công sức, mồ hôi 6 tháng trời của người làm kiệu, họ sẽ dễ chấp nhận sản phẩm hơn. Như vậy, bên cạnh nguồn thu từ sản xuất kiệu, dự án còn tận dụng được nguồn thu từ làm du lịch”.
Mở rộng thị trường
Cây kiệu trồng 6 tháng thì có thể thu hoạch. Tính trung bình, mỗi công kiệu (1.000 m2), hợp tác xã thanh niên do Tân chủ nhiệm sẽ thu hoạch 2,5-3 tấn củ kiệu. Để làm kiệu đóng hộp, phải chọn những củ kiệu nhỏ vừa để tẩm ướp được thấm đều, ngon.
Cho ra một hộp dưa kiệu hoàn chỉnh, củ kiệu được các thành viên dự án thực hiện qua các công đoạn sơ chế, cắt tỉa, sắp xếp, tẩm ướp… Trong quá trình tẩm ướp, nguyên liệu chính sử dụng là đường cát trắng, đảm bảo sản phẩm sạch và đạt hương vị thơm ngon.
Thu nhập của mỗi thành viên khoảng 200.000–300.000 đồng/ngày. Hiện tại, mỗi tháng, hợp tác xã kiệu của Tân bán ra thị trường hơn 500 hộp kiệu các loại. Sau khi trừ các khoản chi phí, các bạn thu lời khoảng 10.000-15.000 đồng/hộp kiệu.
Trả lời câu hỏi về sự cạnh tranh giữa sản phẩm kiệu của dự án với kiệu của bà con nông dân trong vùng, Tân chia sẻ: “Mình sẽ luôn đảm bảo sản phẩm chất lượng và cam kết giá luôn ngang bằng giá thị trường”.