Nhiều người trẻ hứng thú với búp bê và việc may đồ, làm đẹp cho những "người mẫu mini" này. |
Đắc Thắng lập một tài khoản mạng xã hội chỉ để đăng tải hình ảnh về bộ sưu tập búp bê của mình. Ở mỗi tấm ảnh, những "người mẫu mini" của anh đều được diện trang phục bắt mắt, cắt may tỉ mỉ không kém gì một bộ váy thông thường.
Đam mê búp bê khớp cầu (BJD - búp bê có các bộ phận gắn kết với nhau bằng khớp hình cầu) từ thời niên thiếu, nhà thiết kế thời trang này dành nhiều thời gian cùng công sức, tiền bạc để theo đuổi thú vui.
Từ giữa năm 2021 cho đến hiện tại, anh sở hữu khoảng 16 mô hình BJD đến từ các thương hiệu khác nhau, mỗi sản phẩm có giá dao động 2-40 triệu đồng. Với kinh nghiệm từ nghề nghiệp, anh tự thiết kế những bộ quần áo công phu cùng phụ kiện cho búp bê, không quên bài trí thêm bối cảnh (concept) chụp hình độc đáo.
Những bộ trang phục búp bê đều do Đắc Thắng tự lên ý tưởng, thiết kế và may đo. |
Thú chơi đòi hỏi sự tỉ mỉ
Cùng chung sở thích với Đắc Thắng, Thảo Nguyễn (Hà Nội) cũng tự may trang phục cho bộ sưu tập búp bê của mình. Cô sử dụng chất liệu vải cao cấp, vốn là nguyên liệu còn dư sau khi cắt may phục trang của người lớn.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết đây vừa là thú vui, vừa là cách để cô giới thiệu những sản phẩm thời trang do mình thiết kế đến với khách hàng.
"Tôi thường mặc mẫu trang phục mới nhất cho búp bê, trưng bày trong cửa hàng. Khách đến mua sắm đều tỏ ra khá thích thú", cô bày tỏ.
Theo Thảo Nguyễn, mẫu váy, áo của búp bê được cô làm chính xác, tương tự thiết kế của con người, do vậy quá trình may đo không hề dễ dàng.
Trang phục cho búp bê được Thảo Nguyễn mô phỏng theo những bộ quần áo của người thật. |
Các chi tiết của sản phẩm có tỉ lệ rất nhỏ, thường là 1:5, thậm chí 1:10 so với mẫu lớn. Nhiều lần, cô không thể đo chính xác từng miếng vải cụ thể mà phải ướm trực tiếp lên búp bê, sau đó cắt đi phần vải dư thừa và khâu toàn bộ bằng tay.
"Tôi thường may những bộ trang phục cho búp bê để tìm cảm hứng trong công việc. Thú vui này giúp tôi cảm nhận chất liệu tốt hơn, đồng thời có những hình dung cụ thể về kích thước trước khi áp dụng trên manequin với tỷ lệ người thật", cô tâm sự.
Các mẫu búp bê có tỉ lệ khá nhỏ, vì vậy trang phục đều được may thủ công tỉ mỉ, công phu. |
Đắc Thắng thừa nhận khó khăn tương tự. Anh cho biết may đồ cho búp bê không thể ẩu, qua loa, đặc biệt khi chủ nhân mong muốn một thành quả chỉn chu.
Tuy vậy, từ việc theo đuổi thú vui này, anh có thể tìm hiểu những tỉ lệ, dáng hình và kết cấu mới lạ, từ đó áp dụng kinh nghiệm để phát triển thành những thiết kế dành cho tỷ lệ người thật.
Bộ sưu tập búp bê của anh được trang bị nhiều loại váy, áo và nội y công phu, lấy cảm hứng từ các giai đoạn trung cổ châu Âu như Edwardian, Victorian, Baroque, Roccoco...
"Tôi tận dụng nguyên liệu thừa từ kho vải cá nhân hoặc xin bạn bè những chất liệu họ không dùng nữa để góp phần bảo vệ môi trường. Có những chi tiết đặc biệt nhỏ như phụ kiện, nút áo..., tôi phải đặt hàng từ nước ngoài về.
Công đoạn may tốn nhiều công phu, ủi đồ cũng không hề đơn giản, giống như đang ủi đồ cho một người tí hon bằng bàn ủi dành cho người lớn. Thông thường, tôi mất ít nhất khoảng 2-3 ngày để hoàn thiện một bộ nội y cho búp bê, nếu thêm phần đính kết và xử lý chất liệu sẽ thêm khoảng 1-2 ngày nữa", anh kể lại.
May trang phục cho búp bê không hề đơn giản, thậm chí còn khó hơn may quần áo cho người thật. |
Với Đắc Thắng, sở thích may đồ cho búp bê còn mang lại cho anh rất nhiều lợi ích khác cho tinh thần. Vuốt ve từng món váy, áo tí hon trên tay, sắp xếp bối cảnh chụp ảnh chỉn chu, anh có được những trải nghiệm nghệ thuật mới về thời trang, điêu khắc, nội thất…
Ngoài ra, sự tỉ mỉ khi may đồ cũng giúp anh nâng cao khả năng tập trung trong quá trình thiết kế.
Việc tạo dựng bối cảnh chụp ảnh cho những bộ trang phục búp bê cũng được Đắc Thắng thực hiện kỳ công. |
Nghề may quần áo cho búp bê
Yêu thích những mẫu búp bê độc lạ, nhưng không có năng khiếu và thời gian, nhiều người đặt hàng trang phục mini được may riêng. Đây cũng là cơ hội giúp những người làm nghề may quần áo cho búp bê như Thùy Linh (Hà Nội) có thêm một nguồn thu nhập ổn định.
Khách hàng của cô thường là những người sở hữu các dòng búp bê cao cấp như như Animator (búp bê mô phỏng nhân vật hoạt hình), BJD…
Theo Thùy Linh, con người có các kiểu trang phục nào, búp bê cũng sẽ được chủ nhân đặt may tương tự như thế. Bởi vậy, các đơn hàng của Linh khá đa dạng, cô may từ trang phục đời thường, dạo phố đến áo dài, đầm dạ hội, vest… Mỗi thành phẩm có giá khoảng từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo độ tỉ mỉ và đính kết công phu.
Những ngày đầu theo đuổi nghề may quần áo búp bê, Linh gần như không có khách hàng và suýt bỏ nghề vì ế ẩm. Sau 5 năm, cho đến hiện tại, cô đã có một lượng khách hàng quen ổn định. Đồng thời, Linh cũng bán sản phẩm trên các kênh online để tiếp cận khách hàng nước ngoài.
Với nghề nghiệp này, mỗi tháng, thu nhập của cô dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Theo Thùy Linh, quần áo cho búp bê đa dạng không kém con người. |
Trong khi đó, trên thế giới, ZipRecruiter ước tính thu nhập của những nhà thiết kế thời trang cho búp bê dao động 34.000-67.000 USD, phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm của từng người.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu trên trang Scirp vào năm 2021, thiết kế trang phục cho búp bê vốn là một ngành nhỏ của thiết kế thời trang, đang dần trở nên phổ biến và mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà thiết kế.
Điển hình có thể kể đến Harusya, một nhà thiết kế quần áo búp bê nổi tiếng của Nhật Bản. Để sở hữu những bộ trang phục mini do ông thiết kế, người đấu giá phải chi số tiền không nhỏ, tương đương chi phí cho một bộ đồ cao cấp dành cho người thật, thậm chí còn đắt hơn.
Năm 2020, tại tuần lễ thời trang xuân-hè tại Milan, nhà mốt Moschino cũng đã trưng bày những mô hình búp bê nhằm giới thiệu các thiết kế của họ.
Đa số nhà thiết kế thời trang búp bê mở các phòng làm việc độc lập. Sản phẩm của họ chủ yếu được làm thủ công nên số lượng đầu ra khá hạn chế. Đây cũng là lý do khiến cho mỗi bộ trang phục đều có giá thành khá cao.
Hiện nay, một số nhà thiết kế và công ty đang tiến hành thử nghiệm sản xuất quần áo búp bê theo dây chuyền giống như quần áo của con người, mở ra một hướng đi mới cho ngành nghề đầy hứa hẹn này.