Hình nộm nữ giới được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thương vong cho phái nữ khi ngồi trên ôtô. Ảnh: VTI. |
Theo CNN, hậu quả của một vụ va chạm giao thông đối với phụ nữ thường nghiêm trọng hơn nhiều so với nam giới.
Nguồn tin từ Verity Now dẫn kết quả từ một chiến dịch nghiên cứu tại Mỹ đã chứng minh rằng phụ nữ có khả năng bị thương cao hơn 73% so với nam giới khi gặp va chạm giao thông, đồng thời khả năng tử vong đối với phái nữ cũng cao hơn 17%.
Hồi đầu năm 2022, một nghiên cứu thực hiện ở 70.000 nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông cho thấy phụ nữ là nhóm đối tượng thường xuyên bị mắc kẹt lại trong ôtô hơn so với nam giới.
Theo CNN, một phần nguyên nhân cho tình trạng nói trên xuất phát từ thực tế rằng các hình nộm thử nghiệm được mô phỏng theo cơ thể phụ nữ hiếm khi được các nhà sản xuất ôtô sử dụng trong các bài kiểm tra an toàn. Lý do là vì chỉ những hình nộm nam giới mới được các cơ quan quản lý bắt buộc đưa vào các bài kiểm tra va chạm.
Trước thực trạng này, Astrid Linder – nữ kỹ sư người Thụy Điển và là giám đốc viện nghiên cứu về an toàn giao thông tại quốc gia Bắc Âu – đã quyết tâm khắc phục thiếu sót nói trên bằng cách tạo ra một hình nộm nữ giới để phục vụ cho các bài kiểm tra va chạm.
Bà Astrid Linder bên cạnh hình nộm mô phỏng cơ thể nữ giới được sử dụng trong bài kiểm tra va chạm. Ảnh: VTI. |
“Các loại chấn thương phổ biến ở phụ nữ có sự khác biệt so với nam giới. Phụ nữ thường phải đối diện với các chấn thương ở hông và cột sống. Điều này hoàn toàn hợp lý vì nữ giới có kích thước hông rộng hơn và xương chậu cũng lớn hơn. Đồng thời, các nữ tài xế còn có xu hướng ngồi sát vào vô lăng để dễ dàng tiếp cận tay lái cũng như các bàn đạp điều khiển như chân ga hay chân phanh”, bà Astrid Linder nhận định.
Nữ kỹ sư này cho biết đã thiết kế các hình nộm nữ giới từ dữ liệu có sẵn tại website humanshape.org do Đại học Michigan vận hành.
Tại địa chỉ này, các chuyên gia của Đại học Michigan đã đo lường và tổng hợp chỉ số từ rất nhiều cá thể khác nhau để tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ về hình dạng cơ thể.
Đội ngũ của Astrid Linder đã dựa vào tệp dữ liệu này để tạo các mô hình tái hiện cơ thể người trên máy tính, trước khi kiểm tra mức độ thiệt hại của chúng trong các tình huống va chạm bằng phần mềm mô phỏng.
“Khi chúng tôi nghĩ rằng ‘tình huống này có thể xảy ra’, đội ngũ của chúng tôi sẽ mang mô hình vật lý đến thử nghiệm thực tế tại các xưởng”, Astrid Linder cho biết.
Lý giải cho việc các hình nộm “nữ giới” ít được sử dụng trong các bài kiểm tra va chạm, bà Astrid Linder cho biết tại châu Âu, các khung pháp lý quy định rằng mô hình mang hình dạng của nam giới có kích thước trung bình nên được sử dụng khi đánh giá mức độ an toàn.
Hình nộm nữ giới (thứ 2 từ phải sang) được sử dụng trong các bài kiểm tra va chạm ở Mỹ. Ảnh: NHTSA. |
Trong khi đó ở Mỹ, Hybrid-III 5F là mô hình nữ giới được phê duyệt sử dụng trong các bài kiểm tra, nhưng kích thước và trọng lượng của hình nộm này chỉ đại diện cho khoảng 5% phụ nữ tại xứ cờ hoa.
“Hình nộm này nhẹ hơn một bé gái 12 tuổi và không được sử dụng tại vị trí ghế lái trong các bài kiểm tra va chạm”, nữ kỹ sư cho biết.
Thông qua dự án của mình, Astrid Linder kỳ vọng cộng đồng sẽ sử dụng các mô hình nữ giới trong các bài kiểm tra va chạm thường xuyên hơn nhằm mang đến sự an toàn có tính bình đẳng cho toàn bộ hành khách trên xe.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.