Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thử nghiệm mẫu xe nhập khẩu tốn 10.000 USD là chưa có cơ sở'

Theo Báo cáo triển khai Nghị định số 116/2017/NĐ-CP gửi tới Văn phòng chính phủ, con số 10.000 USD khi kiểm thử mẫu xe nhập khẩu là "chưa có cơ sở".

Báo cáo triển khai Nghị định số 116/2017/NĐ-CP gửi tới Văn phòng chính phủ đưa ra nhiều giải đáp cho những điểm mà các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho rằng còn vướng mắc. 

Thử nghiệm xe theo lô

Nghị định 116 quy định các lô xe nhập khẩu chưa qua sử dụng về Việt Nam phải thực hiện kiểm định (an toàn và khí thải) ngẫu nhiên một mẫu bất kỳ đại diện cho chủng loại trong từng lô. Điểm này được VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam) cho rằng gây lãng phí và tốn kém, bởi chi phí có thể lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm khí thải và an toàn, chưa kể chi phí lưu kho tới khoảng 2 tháng để đợi kết quả. 

Kiem dinh oto theo nghi dinh 116 anh 1
Lô xe Honda cập cảng đầu tháng 3 hiện đã được mang đi thử nghiệm an toàn và khí thải. Ảnh: Tùng Tin

Tuy nhiên, theo kết luận từ báo cáo, đây là thông tin chưa có cơ sở. Đối với thử nghiệm khí thải, thời gian từ khi cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu đến khi trả kết quả không quá 2 ngày (năng suất của trung tâm thử nghiệm 6-7 xe/ngày). Chi phí thử nghiệm đối với xe động cơ xăng và động cơ diesel lần lượt 27 và 28 triệu đồng. 

Trong khi đó, đối với thử nghiệm an toàn, cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu không quá 2 ngày (trả lại xe mẫu ngay khi thử xong), báo cáo thử nghiệm phát hành vào ngày hôm sau (nếu doanh nghiệp cung cấp đủ tài liệu kỹ thuật về xe mẫu). Chi phí thử nghiệm là 12 triệu đồng/mẫu thử.

Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại

Ngoài vấn đề thử nghiệm xe theo lô, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cùng kêu khó về việc cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp. 

Bộ GTVT cho biết một số VTA đã được xác nhận là phù hợp với Nghị định 116 và Thông tư 03, gồm: VTA do Chính phủ Thái Lan cấp cho Ford Ranger, Ford Everest sản xuất tại Thái Lan và xuất khẩu đến Việt Nam tại văn bản số 1574/BGTVT-KHCN ngày 09/02/2018; VTA do nhà sản xuất Ford Hoa Kỳ tự phát hành, mẫu Giấy chứng nhận khí thải cấp bởi tổ chức VCA của Anh Quốc cấp cho xe Ford Explorer sản tại Hoa Kỳ xuất khẩu đến Việt Nam tại văn bản số 1404/BGTVT-KHCN ngày 07/02/2018.

Bên cạnh đó, còn có những giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại như VTA do Chính phủ Thái Lan cấp cho ôtô Honda CR-V sản xuất tại Thái Lan xuất khẩu đến Việt Nam, tại văn bản số 1824/BGTVT-KHCN ngày 23/02/2018; VTA của cơ quan quản lý phương tiện CHLB Đức, NSAI Irland cấp cho xe BMW (CHLB Đức) và MINI (Anh) tại văn bản 2302?BGTVT-KHCN ngày 7/3/2018

Kiem dinh oto theo nghi dinh 116 anh 2
Honda là hãng xe đầu tiên nhập xe về khi có đủ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Thái Lan cấp. Ảnh: Tùng Tin.

Ngày 1/3/2018, chuyến tàu MOL của Nhật Bản đã chính thức cập cảng SPCT - Hiệp Phước (TP.HCM) đưa hơn 2.000 chiếc ôtô Honda nhập khẩu về Việt Nam với đầy đủ bộ VTA do Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ (Dept. of Land Transport) Thái Lan cấp cho Honda Việt Nam và đã hoàn thành việc lấy mẫu đưa đi thử nghiệm theo quy định.

Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu đã giải quyết được vướng mắc, kiến nghị liên quan đến VTA cho ôtô khi nhập khẩu vào Việt Nam và hiện tại không có vướng mắc gì.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia cho biết cũng sẽ có những điều chỉnh về VTA phù hợp với quy định của Việt Nam để sớm xuất khẩu xe trở lại. Kể từ đầu năm đến hết tháng 2, các doanh nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa thể nhập khẩu xe từ quốc gia này. 

Giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện

Các doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị bỏ việc cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện (lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính) tại Thông tư 03 của Bộ GTVT. Vấn đề này được Bộ GTVT giải thích như sau:

Ôtô và các linh kiện là hàng hóa nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được Bộ GTVT đưa vào Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trong quá trình sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường tại Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT.

Trong đó, gương, lốp, kính, đèn chiếu sáng là các linh kiện phải đảm bảo chất lượng, được quy định trong điều 53 của Luật Giao thông đường bộ, có ảnh hưởng lớn đến độ an toàn của ôtô khi tham gia giao thông.

Kiem dinh oto theo nghi dinh 116 anh 3
Đèn chiếu sáng phía trước cần có bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại.

Do đó, Thông tư 03 quy định về “Bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước” là phù hợp với mục tiêu kiểm tra, thử nghiệm, bảo đảm chất lượng xe cơ giới nhập khẩu và đảm bảo sự công bằng với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, đồng thời là cơ sở quan trọng để miễn giảm thử nghiệm từng linh kiện này đối với các mẫu xe trong kiểm tra theo lô khi nhập khẩu.

Theo Bộ GTVT, việc cung cấp giấy tờ này không gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi vì nếu xe đã có VTA theo hệ thống chứng nhận của EU thì đã có sẵn Giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu và đèn chiếu sáng phía trước, kính. Đây là cơ sở để miễn việc thử nghiệm các linh kiện theo xe đối với từng lô khi thử nghiệm và điều này giúp giảm thời gian kiểm tra, thử nghiệm, giảm thời gian, chi phí lưu kho cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Đường thử dài 800 m

Trả lời khúc mắc về việc một số nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã đầu tư trước khi ban hành Nghị định 116 kêu khó với quy định mới về đường thử ôtô có chiều dài 800 m, Bộ GTVT cho biết Nghị định 116 cơ bản có sự kế thừa từ quy định trước đây tại Quyết định số 115.

Tại khoản 6 Điều 3 Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN ngày 27/10/2004 của Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, trong đó có yêu cầu về đường thử ôtô phải có chiều dài tối thiểu 500 m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra được chất lượng của xe lắp ráp trước khi xuất xưởng trên các loại địa hình bằng phẳng, sỏi đá, gồ ghề, ngập nước, dốc lên-xuống, cua, trơn ướt.

Bộ GTVT cho rằng việc bổ sung thêm 300 m đường thử không phải vấn đề lớn nếu các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trước đây đã tuân thủ đúng quy định về đường thử tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN. Hơn nữa, quy định về đường thử tại Nghị định 116 chưa có hiệu lực ngay (có hiệu lực từ 18/4/2019), điều này cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô có đủ thời gian để đầu tư đường thử như quy định.

Giá lăn bánh xe Honda hưởng thuế nhập khẩu 0% bao nhiêu?

Giá lăn bánh 4 dòng xe Honda vừa nhập khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam tính toán dựa trên giá niêm yết, có thể bị thay đổi so với thực tế.

Ngọc Tuấn

Bạn có thể quan tâm